Chốt phiên giao dịch ngày 1/11, thị giá cổ phiếu QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) chỉ còn được mua bán với giá 11.800 đồng/cổ phiếu. Điều này đánh dấu phiên giảm giá thứ 6 liên tiếp trong đó có 4 phiên sắc xanh dương (thể hiện giảm kịch sàn) bao trùm lên mã cổ phiếu này.
Chỉ tính sau 6 phiên giảm giá gần đây, cổ phiếu QCG đã mất gần 30% giá trị, tương đương gần 1.300 tỷ đồng vốn hóa đã bốc hơi.
Điều đáng chú ý là diễn biến giảm sàn của cổ phiếu QCG lại diễn ra trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phố núi này cải thiện. Việc này hoàn toàn trái ngược với những xu hướng của thị trường trước đó.
Diễn biến gần đây của cổ phiếu này được giới đầu tư đánh giá tương đối khó hiểu khi kết quả kinh doanh tăng mạnh nhưng thị giá lại đảo chiều giảm sâu. Bởi thông thường đối với những mã cổ phiếu penny như QCG, biến động giá phụ thuộc rất nhiều vào thông tin tích cực hay tiêu cực.
Tuy vậy, nhìn kỹ kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai thì diễn biến của thị giá cổ phiếu QCG trên sàn chứng khoán phản ánh đúng thực tế đang diễn ra tại doanh nghiệp này.
Theo đó, 9 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng sau thuế đạt 394 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của Quốc Cường Gia Lai lại không đến từ hoạt động kinh doanh chính của công ty.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho biết Quốc Cường Gia Lai chỉ thu về vỏn vẹn 118 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý III, giảm mạnh 80% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn đà giảm doanh thu, giúp doanh nghiệp báo lãi gộp 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 21 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý, trong quý III, Quốc Cường Gia Lai đã ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến lên tới 201 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thanh lý các khoản đầu tư.
Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai đã giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Hiệp Phú xuống còn 5%. Hiệp Phú chính là đơn vị triển khai dự án Saigon Gateway cùng với Địa ốc Đất Xanh.
Trong quý III, hàng loạt chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, tài chính giảm mạnh cũng giúp Quốc Cường Gia Lai báo lãi 165 tỷ đồng sau thuế, trong khi cùng kỳ lỗ 5 tỷ đồng.
Đây chính là những nguyên nhân giúp Quốc Cường Gia Lai báo lãi lớn trong khi doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính không mấy nổi bật.
Quốc Cường Gia Lai vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc và cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh cũng như các khoản nợ. Dù thời gian qua, doanh nghiệp này đã giải tỏa được áp lực nợ vay với việc tất toán khoản nợ nghìn tỷ tại BIDV, Quốc Cường Gia Lai vẫn cần nhiều thời gian để cơ cấu lại các khoản đầu tư của mình.
Tính đến hết quý III, doanh nghiệp có khoản phải trả ngắn hạn khác lên tới 5.280 tỷ đồng, gấp 7 lần so với mức 751 tỷ đồng đầu năm. Trong đó, gần 4.000 tỷ đồng là khoản phải trả cho bên thứ 3.
Một vấn đề khiến cổ phiếu QCG giảm mạnh gần đây là việc giới đầu tư lo ngại về việc Quốc Cường Gia Lai bán đi các dự án lớn và các khoản đầu tư có triển vọng có thể khiến hoạt động kinh doanh trong tương lai của công ty gặp khó khăn.
Trên thực tế, Quốc Cường Gia Lai không phải doanh nghiệp duy nhất chứng kiến đà trái ngược của kết quả kinh doanh và thị giá cổ phiếu. Theo đó, cổ phiếu KDC của CTCP Tập đoàn Kido cũng rơi vào tình trạng gần tương tự khi đang có đà giảm liên tục gần đây, dù doanh nghiệp này vừa báo lãi tới 535 tỷ đồng sau 9 tháng, vượt kế hoạch cả năm.
Trong suốt quý III, cổ phiếu KDC đã giảm khoảng 20% bất chấp tình hình hoạt động và thông tin tích cực đến với doanh nghiệp này. Mảng dầu ăn và kem tăng trưởng tốt giúp doanh thu thuần quý 3 của KDC tăng 4,6 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng doanh thu thuần đạt gần 5.100 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ.
Cổ phiếu CCM của CTCP Khoáng sản & Xi măng Cần Thơ cũng rơi vào tình trạng tương tự khi có mức lãi ròng quý III cao hơn 8 lần so với cùng kỳ, nhưng cổ phiếu vẫn dao động trên dưới 40.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra còn có cổ phiếu HDC của Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu - Hodeco; Đạm Cà Mau (DCM), Xây dựng số 5 (SC5), Cao su Đồng Phú (DPR) cũng rơi vào tình trạng tương tự.