Kết quả thanh tra của đoàn Thanh tra Chính phủ được thực hiện trên 3 nhóm nội dung chủ yếu, bao gồm việc chấp hành quản lý vốn tài sản, các khoản thu chi hoạt động, tiền bảo hiểm và công tác đầu tư cơ bản.
Cụ thể, trong 2 năm 2011 và 2012, đơn vị này đã chi vượt kế hoạch tới 45 tỷ đồng. Năm 2012-2013, Bảo hiểm tiền gửi chi trang phục giao dịch vượt hơn 3,4 tỷ đồng, chi tập huấn trong nước vượt 1,2 tỷ đồng, chi đào tạo, tập huấn nước ngoài hơn 500 triệu đồng.
Riêng năm 2011, đơn vị này chi mua điện thoại và cước di động không đúng đối tượng tới 1 tỷ đồng, mua vali, cặp công vụ sai quy định hơn 3,2 tỷ đồng. Các chi phí về tiếp khách, hội nghị, quảng cáo vượt kế hoạch tới gần 11 tỷ đồng.
Tiền mua quà tặng (gồm cốc pha lê, lọ hoa, bút gỗ) lên tới 4 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Để mua quà tặng cho đối tác, người lao động, đơn vị này đã bỏ ra số tiền lên tới gần 4 tỷ đồng, cụ thể là mua cốc pha lê, lọ hoa, bút gỗ. Đây là các khoản chi được đánh giá không theo đúng quy định thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Với tiền lương và các quỹ khen thưởng, phúc lợi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã làm trái các quy định của Nhà nước, khiến quỹ lương phát sịnh thêm 48 tỷ đồng trong thời gian 2011-2013.
Trong năm 2010, đơn vị này cũng đã chi lương và thưởng cho hai thành viên HĐQT chuyên trách vượt quy định tới gần 800 triệu đồng. Các khoản chi thưởng ngoài ngành năm 2013 lên tới 2 tỷ đồng nhưng không có đủ chứng từ, không có biên bản ký nhận tiền theo quy định.
Trong khi chi sai tiền lương, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đồng thời nộp thiếu hơn 220 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân của người lao động trong đơn vị.
Riêng với hoạt động xây dựng cơ bản (đấu thầu và thi công), do không làm tròn trách nhiệm quản lý, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi nhánh khu vực Nam trung bộ và Tây Nguyên đã khiến giá trúng thầu cao hơn giá phê duyệt tới 1,6 tỷ đồng, bị chiếm dụng vốn hơn 14,5 tỷ đồng.
Trong kiến nghị xử lý các sai phạm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Thanh tra Chính phủ thừa nhận phần lớn các khoản chi thường xuyên sai mục đích, kế hoạch là không thể thu hồi, như chi tiếp khách, hội thảo, chi mua vali, tạm ứng nhà thầu... Tổng số chi sai này đã lên tới hơn 50 tỷ đồng.
Với các khoản đã chi cho người lao động như may trang phục, mua điện thoại..., về mặt nguyên tắc phải thu hồi, nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống tư tưởng của người lao động. Do đó, Thanh tra Chính phủ chỉ kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và yêu cầu không được tái phạm.