Tuy nhiên, một số tổ chức thương mại quốc tế cho rằng đây là cơ sở để Việt Nam có thể tham khảo khi chính thức áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan thời gian tới. Công ty bảo hiểm dễ dàng chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp nhập khẩu sẽ là lựa chọn hợp lý thay cho chứng thư ngân hàng như hiện nay.
Cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của ông Đoàn Văn Thịnh (Thường Tín, Hà Nội) có một container xuất đi Nhật Bản. Do lần đầu có đơn hàng lớn, trong rất nhiều thủ tục, ông thấy vướng nhất phần bảo lãnh từ ngân hàng.
"Để được ngân hàng bảo lãnh lô hàng với cơ quan hải quan, công ty phải ký quỹ một khoản tiền mặt chưa kể các phí phải trả. Với một cơ sở tư nhân thì số tiền này là quá lớn", ông Thịnh cho biết. Hiện ông vẫn xoay sở dòng tiền để có thể hoàn tất các thủ tục kịp đơn hàng vào tháng sau.
Câu chuyện của cơ sở của ông Thịnh chỉ là một trong nhiều vấn đề bảo lãnh thông quan mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải. Ngoài vấn đề tiền ký quỹ, không ít các đơn vị gặp khó khi rủi ro về đối tác hoặc các vấn đề liên quan tại cửa khẩu nước sở tại. Nếu xảy ra, chính các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gánh chịu.
Các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khi phải thế chấp bằng một khoản tiền đáng kể từ nguồn vốn lưu động để đảm bảo cho bảo lãnh. Ảnh: Amazonaws.com |
Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) cho biết những lo ngại của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là có cơ sở. Các ngân hàng không chấp nhận rủi ro khi bảo lãnh nghĩa vụ của doanh nghiệp nhập khẩu với cơ quan hải quan, nên thường yêu cầu doanh nghiệp phải ký quỹ tiền mặt cho số tiền được bảo lãnh, đồng thời áp nhiều loại phí để duy trì hiệu lực của bảo lãnh.
Điều này rất tốn kém cho doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do họ phải thế chấp bằng một khoản tiền đáng kể từ nguồn vốn lưu động để đảm bảo cho bảo lãnh.
Do đó, kinh nghiệm từ các quốc gia áp dụng hình thức bảo lãnh thông quan cho thấy gần như đơn vị bảo lãnh sử dụng là công ty bảo hiểm, thay vì ngân hàng.
Theo GATF, công ty bảo hiểm dễ dàng chấp nhận rủi ro tài chính của doanh nghiệp nhập khẩu hơn, bởi bản chất đây là lĩnh vực thiết kế để chấp nhận và phân phối rủi ro thông qua tái bảo hiểm.
GAFT dẫn chứng, tại Mỹ có hơn 95% bảo lãnh thông quan được phát hành mà không cần tài sản thế chấp. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu đủ điều kiện, bảo lãnh sẽ được phát hành với mức phí thường thấp hơn nhiều so với mức phí bảo lãnh của ngân hàng. Và thông thường, doanh nghiệp không cần thế chấp tài sản. Tài sản thế chấp chỉ sử dụng cho các trường hợp liên quan đến chống bán phá giá và các hàng hóa phức tạp khác.
Công ty bảo hiểm dễ dàng chấp nhận rủi ro tài chính của doanh nghiệp nhập khẩu, bởi đây là lĩnh vực thiết kế để chấp nhận và phân phối rủi ro thông qua tái bảo hiểm. |
Từ 2015 đến nay Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016 về chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới cho thấy Việt Nam xếp thứ 93 (tăng 15 bậc so với năm 2015), giảm thời gian thực hiện từ 138 giờ xuống còn 108 giờ.
Thời gian qua, Việt Nam nhận thấy những điểm nghẽn trong hệ thống quản lý hàng hóa hải quan. Nhiều văn bản của Chính phủ, bộ, ngành ban hành có đề cập việc tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Với hình thức bảo lãnh của các công ty bảo hiểm, một số lo ngại về việc thất thu thuế cho cơ quan hải quan và nguồn thu ngân sách khi doanh nghiệp xuất khẩu biến mất được cơ quan quản lý đề ra. GATF cho biết trong trường hợp này công ty bảo hiểm sẽ thực hiện thanh toán cho cơ quan Hải quan.
Bảo hiểm tham gia bảo lãnh thông quan vẫn được xem là một trong nhiều đề xuất liên quan đến bảo lãnh thông quan. Hiện Bộ Tài chính vẫn chưa chính thức đưa ra các tiêu chí để doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam có thể tham gia lĩnh vực bảo lãnh thương mại.
Tuy nhiên, một số tổ chức thương mại quốc tế cho rằng đây là cơ sở để Việt Nam có thể tham khảo khi chính thức áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan thời gian tới. Trong nhiều lưu ý, năng lực của từng công ty bảo hiểm tại Việt Nam là vấn đề được được giới chuyên gia quan tâm.
Bảo lãnh thông quan là biện pháp tạo thuận lợi thương mại có thể cung cấp cho các bộ ngành quản lý thương mại một cơ sở thực hiện các thủ tục tuân thủ hành chính hiện đại hoá và dựa trên quản lý rủi ro. Đồng thời cung cấp các công cụ răn đe tài chính hiệu quả, ngăn chặn gian lận trong hải quan và thương mại, bán phá giá, trợ cấp, xâm phạm sở hữu trí tuệ và các vi phạm thương mại quốc tế khác.
Tháng 9/2017, GATF đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (WTO TFA), bằng cách giới thiệu hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại cho hàng hoá xuất nhập khẩu thương mại.
Dự án đã được Chính phủ đồng thuận chỉ đạo nghiên cứu triển khai và dự kiến thí điểm vào năm 2019.