Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bao giờ bệnh viện Việt Nam mới thông minh?

Hạ tầng chưa tương thích, nhân lực chuyên trách yếu, thiếu chuẩn mực dữ liệu thống nhất và an ninh mạng là những thách thức trong xây dựng bệnh viện thông minh tại Việt Nam.

Bên lề hội nghị về bệnh viện thông minh sáng 16/10, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh việc ngành y tế chưa có một chuẩn mực chung trong số hóa thông tin bệnh án. Từ đó, việc kết nối dữ liệu giữa các bệnh viện sẽ khó khăn.

"Bộ Y tế nên có trung tâm công nghệ thông tin riêng để thống nhất triển khai số hóa", ông Thượng đề xuất. 

Cũng theo BS Thượng, theo tiêu chuẩn quốc tế có 7 mức để đánh giá bệnh viện thông minh. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa tiến hành thẩm định mức độ số hóa của các bệnh viện dù Bộ Y tế đã có bộ khung đánh giá. 

benh vien thong minh anh 1
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng (bên trái) cho rằng việc áp dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện còn nhiều thách thức về nguồn lực. Ảnh: Thu Hằng.

Tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết đến nay 99,6% bệnh viện tại Việt Nam (chưa bao gồm cơ sở tư nhân) đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Hiện, Việt Nam có 1.400 bệnh viện công lập, 245 bệnh viện ngoài công lập và 30.000 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cùng 11.545 trạm y tế xã, phường. Đây là nền tảng thuận lợi để triển khai bệnh viện thông minh, cho phép thay đổi triết lý điều trị từ lấy bác sĩ làm trung tâm sang lấy bệnh nhân làm trung tâm.

"Với bệnh viện thông minh, bệnh nhân sẽ biết mọi thông tin lịch sử bệnh được cập nhật liên tục từ bác sĩ. Bác sĩ cũng dễ dàng chẩn đoán dựa trên tiểu sử bệnh của mỗi người", PGS.TS.BS Phạm Lê Tuấn chia sẻ. 

benh vien thong minh anh 2
PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, cho rằng số hóa bệnh viện sẽ góp phần bảo vệ an ninh sức khỏe cho người dân. Ảnh: Thu Hằng.

TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho rằng việc số hóa bệnh viện tại Việt Nam vẫn rất chậm so với thế giới. Ông khuyến nghị các bệnh viện nên thuê đơn vị bên ngoài triển khai những công nghệ phức tạp để y bác sĩ tập trung vào chăm sóc người bệnh.

“Bệnh án điện tử thế giới làm lâu lắm rồi, chúng ta giờ mới bắt đầu thì phải đi tắt đón đầu chứ không nên hì hục làm từng thứ một”, ông Khuê nhận định.

Người Sài Gòn hỏi chỗ khám bệnh trên ứng dụng điện thoại

Ngoài các thông tin về nơi khám chữa bệnh, người dân sẽ được chấm điểm phòng khám và nhận các tin nhắn thông báo về các phòng khám sai phạm bị thanh tra y tế xử phạt.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm