Tới tháng 12/2020, cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam là Viettel, VNPT Vinaphone và MobiFone đều đã công bố thử nghiệm thương mại mạng 5G. Theo quy hoạch của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), các nhà mạng sẽ được thử nghiệm thương mại trong vòng 6 tháng.
Sau giai đoạn thử nghiệm thương mại, các nhà mạng sẽ đánh giá kết quả thử nghiệm trước khi cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ sở pháp lý. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ chính thức cấp phép 5G cho nhà mạng.
“Kỳ vọng của Bộ TT&TT là triển khai sớm, khoảng giữa năm 2021”, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ trong buổi tọa đàm "5G sẽ đem lại cơ hội gì cho Việt Nam", sáng 17/12.
Giá cước 5G sẽ là bao nhiêu?
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là cước phí sử dụng 5G có giá bao nhiêu, liệu có đắt hơn nhiều so với 4G. Trả lời câu hỏi này, đại diện các nhà mạng cho biết chưa thể xác định được mức giá do vẫn trong thời gian thử nghiệm, nhưng cước 5G về cơ bản sẽ có cách tính giống 4G.
Đại diện các nhà mạng lớn có mặt tại buổi tọa đàm về 5G. Ảnh: CT. |
"Hiện nay, giá cước 5G của các nhà mạng sẽ miễn phí trong thời gian thử nghiệm. Khi chính thức phát sóng thương mại, sẽ được có giá cước cơ bản như 4G", ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng Ban Công nghệ mạng Tập đoàn VNPT cho biết.
“Giá cước vẫn phải tuân thủ theo các quy định. Các gói cước, cách tính cước về cơ bản sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu 4G”, ông Mai Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển MobiFone cũng có ý kiến tương tự.
Đối với câu hỏi liệu có phải đổi SIM khi muốn dùng 5G, ông Mai Hồng Anh khẳng định khách hàng không cần thay SIM vì 5G được phát triển trên nền tảng NSA (Non Stand-Alone), tức là dựa trên những trạm phát sóng 4G. Do vậy, SIM cũ của khách hàng vẫn tương thích.
“Tuy nhiên, phần thiết bị đầu cuối thì rõ ràng là khách hàng cần dùng thiết bị tương thích cho 5G”, ông Hồng Anh chia sẻ.
Trong điều kiện lý tưởng, tốc độ 5G có thể vượt 1 Gb/s. Tuy nhiên, điểm yếu của công nghệ này là độ phủ sóng chưa rộng. Ảnh: Tuấn Anh. |
Theo thông báo từ các nhà mạng, hiện nay có khoảng 10 smartphone hỗ trợ 5G tại Việt Nam, như Huawei P40 và P40 Pro, Xiaomi Mi10T Pro 5G, Oppo Find X2 và Find X2 Pro, Nokia 8.3 5G hay Asus ROG Phone 3.
Bộ đôi Samsung Galaxy Note20 Ultra 5G và Galaxy Z Fold2 5G sẽ tương thích trong tháng 12. Trong khi đó, toàn bộ dòng iPhone 12 lại chưa hỗ trợ 5G tại Việt Nam.
Vài năm nữa mới có thể phủ sóng rộng như 4G
Mặc dù rào cản về mức giá, thiết bị có thể không quá lớn, đại diện các nhà mạng đồng ý rằng vùng phủ sóng 5G vẫn sẽ hạn chế trong thời gian đầu sau khi thương mại hóa.
Đại diện Viettel, nhà mạng từng phát triển mạnh thị trường nông thôn cho rằng mạng 5G ban đầu sẽ phổ biến ở những thành phố phát triển nhất, nơi 4G đã bắt đầu bị nghẽn. Khách hàng tại những thành phố này có thể sẵn sàng trả tiền nhiều hơn nhằm có tốc độ khác biệt. Đây được coi là pha đầu tiên để thương mại hóa 5G.
“Từ 2023-2025, sự phổ cập như 4G mới diễn ra. Lúc đó giá thiết bị đầu cuối giảm xuống, người dân có nhu cầu thì 5G mới được đưa về những vùng nông thôn. Còn trong một, hai năm sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung vào những khu công nghiệp, những thành phố lớn”, ông Lê Bá Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel chia sẻ.
Số lượng smartphone hỗ trợ 5G tại Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu là smartphone cao cấp với giá trên 10 triệu. Ảnh: Xuân Tiến. |
Nhận định khả năng truyền sóng, độ phủ là thách thức lớn của mạng 5G so với các thế hệ trước, ông Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng không thể hi vọng 5G sẽ được triển khai rộng rãi ở các vùng nông thôn như thế hệ 3G, 4G. Để làm được như vậy thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư rất lớn.
“Do vậy, triển khai 5G ở Việt Nam chắc chắn không thể theo việc đại trà, lấy nông thôn bao vây thành thị được mà phải có trọng điểm, phù hợp với lợi ích của các bên”, ông Lê Nam Thắng chia sẻ.
Ông Lê Nam Thắng cũng cho rằng nhà mạng cần phải tính toán để có thời điểm triển khai 5G hợp lý, bởi nếu chậm quá thì sẽ bỏ lỡ cơ hội đuổi kịp các nước, nhưng nếu sớm quá thì đầu tư vào hạ tầng của doanh nghiệp rất lớn, trong khi dịch vụ và nhu cầu của người dùng thì chưa bắt kịp.
“Do vậy, chọn thời điểm triển khai 5G tại Việt Nam cũng là một bài toán”, ông Lê Nam Thắng nhận định.
Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Hà Long, đại diện của Phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số, thuộc Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT cũng giải thích lý do cần phải tắt sóng 2G, 3G để tập trung cho các công nghệ mới hơn.
“Nếu chúng ta có thể tắt sóng sớm các hệ thống cũ như 2G, 3G, nhà mạng có thể triển khai 5G trên các băng tần ấy, tiết kiệm rất nhiều.
Ngoài ra, khi chúng ta triển khai trên những băng tần thấp thì chi phí vận hành cũng được giảm xuống”, ông Bùi Hà Long giải thích.