Chiều tối 13/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Phú Yên về rút kinh nghiệm bão số 10, triển khai phòng chống bão số 11.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai việc phòng chống bão. Chính quyền cần cập nhật thông tin thường xuyên, thông báo cho người dân.
“Ngoài truyền hình, đài phát thanh, xã nào cũng có loa phát thanh nhưng tôi đi kiểm tra vẫn có người dân nói hoàn toàn không biết thông tin về bão, lũ”, Phó Thủ tướng nói.
Hướng di chuyển của cơn bão. |
Diễn biến bão rất phức tạp
Báo cáo trong cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF), cho biết vị trí tâm bão số 11 đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía đông nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật đến cấp 16.
Trong đêm 13 và ngày 14/10 bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, lệch về phía tây tây bắc một chút, khi bão đi qua Hoàng Sa sẽ mạnh lên cấp 14, giật cấp 17.
“Bão số 11 mạnh tương đương bão Xangsane và bão số 10 vừa qua. Khi tiếp cận bờ vẫn có thể mạnh cấp 12, giật cấp 15. Diễn biến bão rất phức tạp, đến chiều 13/10, các cơ quan khí tượng quốc tế vẫn có những dự báo khác nhau về vị trí bão đổ bộ”, ông Tăng cho biết.
Theo ông Tăng, với diễn biến hiện nay, bão có xu hướng ảnh hưởng từ Quảng Nam đến Quảng Bình nhưng khả năng đi thẳng vào hướng tây là nhiều hơn chếch lên phía bắc. Hải quân Mỹ dự báo bão đi vào Quảng Nam - Đà Nẵng, Cơ quan khí tượng Hong Kong dự báo vào Thừa Thiên - Huế, Nhật Bản dự báo tâm bão vào Đồng Hới (Quảng Bình).
“Chúng tôi nhận định xác suất bão ảnh hưởng cao nhất là từ Huế đến Quảng Nam. Các công việc chuẩn bị phòng chống bão ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế cần làm xong trong tối 14/10. Quảng Trị, phía bắc Thừa Thiên - Huế xong trước 7-8h sáng 15/10. Còn Quảng Bình xong trước chiều 15/10”, ông Tăng khuyến cáo.
Theo ông Tăng, bão số 11 gây mưa lớn trên diện rộng từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Mưa lớn xuất hiện từ trưa và chiều 14/10, kéo hết ngày 16 và 17/10. Vùng phía nam Quảng Ngãi, Pleiku lượng mưa ước tính từ 150mm; Quảng Nam - Nghệ An, Kon Tum mưa từ 200-300mm, có nơi từ 400-500mm.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Quyền (Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) và ông Đinh Viết Hồng (Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An) đều bày tỏ sự lo lắng khi hồ đập không chịu nổi mưa lớn. Hiện Thanh Hóa đang có 92 hồ không đảm bảo an toàn, nếu mưa lớn như bão số 10 thì rất gay go.
“Mưa trong bão số 10 làm 49 hồ tại khu vực Tĩnh Gia đều vượt mức thiết kế, hai hồ bị vỡ chưa đắp lại được, bảy hồ hỏng”, ông Quyền nói.
Còn tại Nghệ An, có hơn 50 hồ mất an toàn. Trước tình hình này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu lãnh đạo hai tỉnh phải đi kiểm tra tận nơi, “không giao khoán cho chủ hồ, nếu không an toàn thì không cho tích nước”.
Trước lo ngại của các địa phương về hồ chứa nhỏ phải xả lũ khi mưa lớn, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho rằng phần lớn các hồ từ Nghệ An tới Huế sẽ đầy nước khi có mưa 100mm. Dù có xả nước từ bây giờ mà gặp mưa 300-400mm thì vẫn phải xả lũ. Vấn đề là phải thông báo sớm việc xả lũ để các địa phương có phương án phòng chống.
“Nước đầy thì không thể không xả, vỡ hồ càng nguy hiểm hơn. Quan trọng nhất là việc phòng tránh khi xả lũ”, ông Phát nhấn mạnh.
Miền Trung ứng phó với bão
Ngày 13/10, UBND TP Đà Nẵng đã có công điện chỉ đạo công tác đối phó với bão số 11. Theo đó, thông báo cho tất cả tàu thuyền vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán dân. Tất cả quận huyện bố trí lực lượng trực 24/24 giờ.
Chiều 13/10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho biết theo kế hoạch, nếu bão số 11 đổ bộ vào thì phải sơ tán 11.000 hộ dân với 55.000 người. Việc sơ tán phải xong trước 12h ngày 14/10. Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng đã thông báo cho 123 tàu thuyền với 1.291 ngư dân đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão số 11. Trong đó có 55 tàu cá với 592 ngư dân hoạt động trên khu vực biển Hoàng Sa hiện đang chạy vào bờ.
Chiều qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp triển khai công tác phòng chống bão số 11. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ yêu cầu bộ chỉ huy bộ đội biên phòng, các huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm nhanh chóng vào bờ. Các địa phương chuẩn bị phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở núi, ven sông, ven biển; quản lý chặt an toàn hồ đập.
Đến chiều 13/10, tỉnh Quảng Ngãi còn 1.029 phương tiện tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển với trên 9.000 lao động. Bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo diễn biến của bão, duy trì thông tin liên lạc với các tàu thuyền trên biển để chủ động phòng tránh, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn. Riêng 12 tàu cá nằm trong khu vực nguy hiểm tại quần đảo Hoàng Sa cũng đang di chuyển về huyện đảo Lý Sơn.
Theo Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, thời điểm tối 13/10 còn 145 tàu cá cùng 3.233 lao động đang hoạt động trên biển. Cụ thể, phía nam quần đảo Hoàng Sa có 37 tàu đánh bắt xa bờ và 497 lao động hoạt động. Các phương tiện này đang trên đường di chuyển vào bờ để trú bão.
Để phòng chống bão số 11, bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các đài thông tin đặt tại các đồn biên phòng tuyến biển cập nhật liên tục các bản tin về vị trí, diễn biến của bão cho các phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển. Tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định tại các đồn biên phòng Cù Lao Chàm, Cửa Đại (Hội An) và Kỳ Hà (Núi Thành).
Tại Thừa Thiên - Huế, trong cuộc họp khẩn cấp chiều tối 13/10, ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, cho biết lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh đã kêu gọi 1.820 phương tiện tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn, hiện không còn tàu cá nào trên khu vực biển Thừa Thiên - Huế.
Để đối phó với cơn bão số 11, theo kế hoạch, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 3.500 hộ với hơn 11.000 nhân khẩu dự kiến cần phải sơ tán, di dời. Đến trước 19h ngày 14/10, phải hoàn tất công tác sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn. Các hồ thủy điện đã thực hiện điều tiết mực nước hồ, thực hiện các phương án xả tràn, đến trước 7h sáng 15/10 phải đưa mực nước các hồ về mực nước đón lũ. Các hồ chứa nước thủy lợi phải tháo cửa van, sẵn sàng đón lũ.
Ông Võ Phi Hùng, Giám đốc Sở Công thương, cho biết đã tổ chức dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 230.000 lít xăng dầu. Hai huyện miền núi của tỉnh (Nam Đông và A Lưới) dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và hàng hóa nhu yếu phẩm khác.