Từ tháng 3 tới nay, người tiêu dùng Trung Quốc chứng kiến biến động thất thường của giá thịt lợn. Liên tục tăng kể từ dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát, hiện giá thịt lợn tại nước này đã cao hơn khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí con số này còn lên tới 100% tại một số khu vực.
Giá thịt lợn Trung Quốc tăng mạnh
Tính đến trung tuần tháng 10, giá bán lẻ thịt lợn tại Trung Quốc vào khoảng 4,5 USD/kg (khoảng 104.000 đồng/kg), có nơi lên tới 8,45 USD/kg (tương đương 196.000 đồng/kg).
Dịch ASF bùng phát khiến nguồn cung thịt lợn tại quốc gia đông dân nhất thế giới không đủ để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của người dân, đặc biệt khi thịt lợn lại là món ăn quốc dân tại đất nước này. Thống kê cho thấy trung bình mỗi người dân Trung Quốc tiêu thụ 30 kg thịt lợn/năm. Trong khi đó, mỗi người Mỹ ăn khoảng 26 kg thịt bò/năm.
The Guardian nhận định thế giới đang thiếu nguồn cung thịt lợn cho Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Ở một khía cạnh khác, thịt lợn lại trở thành nguyên nhân chính đẩy tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng nhanh trong những tháng gần đây. Theo The Guardian, lần đầu tiên tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc vượt ngưỡng 3% trong vòng 10 năm qua.
Nguyên nhân chủ yếu là do dịch ASF đã đẩy giá thịt lợn và các loại thịt khác tại Trung Quốc tăng lên, bất chấp việc Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp hạ nhiệt như xuất kho dự trữ, trợ giá thịt lợn cho người nghèo, khuyến khích chăn nuôi và nhập khẩu thịt lợn từ các nước khác.
Tại một quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, dù dịch ASF bùng phát nhưng không ảnh hưởng nhiều đến giá thịt. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp - Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, tính đến đầu tháng 11, giá bán buôn thịt lợn tại các địa phương nước này ở mức 2.809 won (khoảng 2,4 USD)/kg, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc cảnh giác với mặt hàng thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: The Korea Times. |
Mặc dù ASF không gây hại cho người dân xứ sở kim chi, song đa số người tiêu dùng vẫn cảnh giác đối với mặt hàng này. Một cuộc khảo sát do Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc tiến hành đối với 526 người tiêu dùng cho thấy 45,4% người được hỏi nói rằng họ đã giảm tiêu thụ thịt lợn hơn so với trước đây.
Giá thịt châu Âu tăng vì nhu cầu xuất khẩu
Dịch ASF cũng bùng phát mạnh tại một số nước châu Âu, khiến giá thịt lợn tại khu vực này đạt mức cao kỷ lục trong 6 năm qua. Không chỉ thịt lợn, các sản phẩm chế biến từ mặt hàng này cũng đang chịu mức giá tăng chóng mặt.
Theo tờ Financial Times, giá thịt lợn tại châu Âu đã tăng 35% kể từ đầu năm lên 1,82 euro/kg (khoảng 47.000 đồng/kg). Con số này đã gây ra ít nhiều lo lắng cho người tiêu dùng ở Bỉ, Hungary, Tây Ban Nha, Đức hay Ba Lan, những nước ưa thích thịt lợn tại châu Âu.
Theo dữ liệu của Ủy ban Phát triển Nông nghiệp và Trồng trọt Anh (AHDB), người dân Tây Ban Nha tiêu thụ nhiều thịt lợn nhất châu Âu với mức trung bình 55 kg/người/năm, tiếp theo là Ba Lan (54 kg/người/năm) và Đức (52 kg/người/năm). Trong vài năm gần đây, giá thịt lợn tại châu Âu liên tục biến động do ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi và nhu cầu xuất khẩu.
ASF bùng nổ, giá thịt lợn tại châu Âu tăng 35% kể từ đầu năm. Ảnh: Financial Times. |
Tuy nhiên, tờ Financial Times cho hay châu Âu đang đứng trước mối lo ngại về sự tiếp diễn căng thẳng của thương chiến Mỹ - Trung, rất có thể Bắc Kinh sẽ gia tăng nhập khẩu mặt hàng thịt lợn Mỹ. Những bất ổn này cũng là rào cản không nhỏ đối với các nhà sản xuất thịt lợn tại châu Âu trong việc đầu tư mở rộng quy mô. Nếu Trung Quốc tăng nhập khẩu thịt lợn Mỹ, nhu cầu mua từ các nhà cung ứng châu Âu sẽ giảm.
Tờ báo cũng cho biết hoạt động xuất khẩu thịt lợn từ châu Âu sang Trung Quốc thường đạt đỉnh vào cuối năm, trước thềm đón năm mới. Tuy nhiên, theo chiến lược gia tại Rabobank, khả năng cao nhu cầu năm nay sẽ tăng mạnh do Trung Quốc đang trải qua cuộc khủng hoảng thịt heo nghiêm trọng. Đây cũng là lý do khiến giá thịt lợn tại châu Âu lên cao.
ASF cũng đã và đang lan rộng sang các nước vực Đông Nam Á như Campuchia, Myanmar, Philippines. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng thịt lợn toàn cầu trong năm 2020 sẽ vẫn giảm tiếp khoảng 10%. Tại Philippines, sản lượng thịt lợn ước giảm 16%. Tuy nhiên, sản lượng lợn sẽ tăng ở Mỹ với 4%, Brazil là 5%.
USDA cũng dự báo rằng lượng thịt lợn xuất khẩu toàn cầu sẽ tăng 10% lên 10,4 triệu tấn, trong đó lượng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng 35% và chiếm 35% tổng lượng nhập khẩu toàn thế giới. Bên cạnh đó, Philippines cũng sẽ tăng 32% lượng thịt nhập khẩu do nguồn cung trong nước giảm mạnh do dịch bệnh.
Tại Việt Nam, tính đến tuần vừa qua, giá thịt lợn hơi đã cán mốc 90.000 đồng/kg, đẩy giá thịt thành phẩm lên cao nhất 180.000 đồng, tăng tới 20.000 đồng so với tuần trước.
Giá thịt lợn hơi tại các khu chợ dân sinh trong tuần qua đã cán mốc 90.000 đồng/kg. Ảnh: Getty Images. |
Bộ Công Thương dự báo nhu cầu cung thịt lợn trong tháng 12 và tháng 1/2020 vào khoảng 600.000 tấn. Theo đó, lượng thịt thiếu hụt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ đạt khoảng 300.000 tấn, cao hơn con số Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa ra (200.000 tấn).
Trước áp lực giá thịt lợn liên tục tăng cao, nhiều cửa hàng kinh doanh các thực phẩm liên quan đến thịt lợn đồng loạt tăng giá hoặc giảm phần ăn. Theo dự báo, thị trường thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong tương lai. Việc thịt lợn tăng giá khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang các thực phẩm khác cũng sẽ đẩy giá các loại thịt khác tăng theo.