Ít nhất hàng trăm người sợ rằng đã thiệt mạng sau khi cơn bão tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ tấn công Mayotte - lãnh thổ Ấn Độ Dương của Pháp - hôm 14/12, nhổ bật gốc cây, xé toạc nhà cửa và tấn công cơ sở hạ tầng vốn đã yếu kém của quần đảo nghèo khó này, theo Reuters.
Cơn bão "không chừa lại bất cứ thứ gì"
Lực lượng cứu hộ đã được điều động đến các đảo nằm giữa bờ biển Mozambique và Madagascar, nhưng nỗ lực cứu hộ có thể đối mặt với bất lợi do hư hại ở các sân bay và hệ thống phân phối điện tại một khu vực vốn thường xuyên thiếu hụt nước sạch.
Phát biểu trên đài truyền hình la 1ere của Mayotte hôm 15/12, người đứng đầu quần quần đảo - ông François-Xavier Bieuville - cho biết số người chết được xác nhận là 11 người có khả năng sẽ tăng vọt trong những ngày tới.
"Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có hàng trăm người, có thể lên tới một nghìn, thậm chí hàng nghìn người", ông nói.
Bieuville cho biết sẽ rất khó để đưa ra con số thống kê cuối cùng vì hầu hết cư dân đều theo đạo Hồi và theo truyền thống, họ sẽ chôn cất người chết trong vòng 24 giờ.
Thị trưởng thủ phủ Mamoudzou của Mayotte, Ambdilwahedou Soumaila, trước đó nói với Agence France-Presse rằng 9 người bị thương nguy kịch khi bão Chido đổ bộ và đang phải chiến đấu để giành giật sự sống trong bệnh viện, trong khi 246 người khác bị thương nặng.
"Bệnh viện bị ảnh hưởng, trường học bị ảnh hưởng. Nhà cửa bị tàn phá hoàn toàn", ông nói và cho biết thêm rằng cơn bão "không chừa lại bất cứ thứ gì".
Ibrahim - một cư dân địa phương - nói với AFP về "cảnh tượng tận thế" khi anh đi qua hòn đảo chính.
320.000 cư dân của Mayotte đã được lệnh sơ tán hôm 14/12 khi bão Chido đổ bộ vào các đảo, với sức gió ít nhất là 226 km/h.
Các hình ảnh quay từ trên không do lực lượng hiến binh Pháp chia sẻ cho thấy cảnh đổ nát của hàng trăm ngôi nhà tạm bợ nằm rải rác trên những ngọn đồi của một trong những hòn đảo Mayotte, nơi từng là điểm nóng về tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ Comoros gần đó.
Chạy đua trợ giúp
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Retailleau sẽ đến Mayotte vào ngày 16/12, văn phòng của ông cho biết, cùng với 160 binh lính và lính cứu hỏa sẽ tham gia trợ giúp 110 nhân sự đã được triển khai đến các đảo.
Giới chức trách ở Réunion, một vùng lãnh thổ Ấn Độ Dương khác của Pháp cách Mayotte khoảng 1.400 km ở phía bên kia Madagascar, cho biết nhân sự và thiết bị y tế đang trên đường đến hiện trường thỏa họa bằng đường hàng không và đường biển.
Một máy bay sơ cứu đã hạ cánh xuống Mayotte vào khoảng 15h30 chiều 15/12 với ba tấn vật tư y tế và máu truyền cùng 17 nhân viên y tế. Hai máy bay quân sự dự kiến theo sau đó.
Một tàu tuần tra của Hải quân cũng sẽ rời Réunion cùng với nhân sự và thiết bị, bao gồm cả cho nhà cung cấp điện EDF.
Lãnh đạo Réunion, ông Patrice Latron, cho biết chính quyền muốn thiết lập một cây cầu trên không và trên biển đến Mayotte. Khoảng 800 nhân viên cứu hộ nữa sẽ được cử đến trong những ngày tới và hơn 80 tấn hàng tiếp tế đã được chuyển bằng máy bay hoặc đang trên đường đến bằng tàu.
Ông cho biết các ưu tiên bao gồm khôi phục điện và tiếp cận nước uống.
Mayotte là hòn đảo nghèo nhất của Pháp và là vùng lãnh thổ nghèo nhất Liên minh châu Âu (EU). Ở một số nơi, toàn bộ khu dân cư ở trong những túp lều và nhà gỗ đã bị san phẳng, trong khi người dân phản ánh rằng nhiều cây cối bị bật gốc, thuyền bị lật hoặc chìm và mất điện.
Bão Chido cũng tàn phá các đảo Comoros và Madagascar gần đó.
Chính quyền Comoros cho biết 11 ngư dân ra khơi vào đầu tuần này đã mất tích.
Cơn bão nhiệt đới dữ dội đổ bộ vào Mozambique vào ngày 15/12 gây ảnh hưởng đến 2,5 triệu người ở phía bắc nước này khi các cơ quan cứu trợ cảnh báo về nhiều thương vong và thiệt hại nghiêm trọng hơn.
Người phát ngôn của Unicef xác nhận rằng Cabo Delgado, tỉnh cực bắc của Mozambique, nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người, đã bị ảnh hưởng và nhiều ngôi nhà, trường học và cơ sở y tế tại đó đã bị phá hủy một phần hoặc toàn bộ.
Mùa bão ở khu vực này kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 và một số khu vực ở Đông Nam Ấn Độ Dương và Nam Phi đã phải hứng chịu một loạt các cơn bão mạnh trong những năm gần đây.
Bão Idai đã cướp đi sinh mạng hơn 1.300 người ở Mozambique, Malawi và Zimbabwe vào năm 2019.
Bão Freddy khiến hơn 1.000 người thiệt mạng ở một số quốc gia trong khu vực vào năm ngoái. Các cơn bão gây ra nguy cơ lũ lụt và lở đất, nhưng cũng gây ra các vũng nước đọng có thể gây ra các đợt bùng phát dịch tả, sốt xuất huyết và sốt rét chết người theo sau đó.
Các nghiên cứu cho thấy các cơn bão đang trở nên tồi tệ hơn do tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Các thảm họa này có thể gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở các quốc gia nghèo tại Nam Phi, nơi không phải là nhân tố đóng góp chủ yếu vào tình trạng nóng lên toàn cầu. Thực tế này nêu bật lên lời kêu gọi các quốc gia giàu cần trợ giúp nhiều hơn để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.Bão Boris gây báo động đỏ đồng loạt
Trận mưa lớn kỷ lục trong nhiều năm trút xuống khu vực Trung Âu gây ngập lụt, khiến hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại và hàng trăm người phải sơ tán. Nhiều nơi phải ban bố báo động đỏ.
Nguyên nhân thực sự đằng sau sự nóng lên toàn cầu
Các nhà khoa học chỉ ra rằng những đám mây trên đại dương có thể chính là mảnh ghép quan trọng dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu với tốc độ chóng mặt.
Viên chức liên bang Mỹ nhận cảnh báo sốc
Các nhân viên liên bang có thể đối mặt với “hậu quả bất lợi” nếu không báo cáo về những đồng nghiệp không tuân thủ lệnh xóa bỏ nỗ lực về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).