Trong kỷ nguyên Internet, sự cạnh tranh doanh thu trong thế giới tin tức không chỉ đến từ các đối thủ cùng ngành mà còn đến từ sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, khi thông tin đang được cung cấp một cách miễn phí.
Do đó, việc chỉ dựa vào một, hai nguồn thu từ đăng ký của người dùng hay quảng cáo được coi là tương đối rủi ro và việc đa dạng hóa doanh thu lúc này là nhu cầu cấp thiết.
Theo The Fix, cho tới nay, các tổ chức truyền thông đã thử nhiều chiến lược để đa dạng hóa nguồn doanh thu, từ đặt “bức tường phí” đến mở rộng cách tiếp cận tới độc giả. Viện nghiên cứu Reuters chỉ ra 69% báo chí ở Mỹ và châu Âu đã áp đặt một số hình thức yêu cầu độc giả trả tiền vào năm 2019. Ngoài ra, nhiều đơn vị tin tức cũng đang dựa vào việc gia tăng các sản phẩm tin tức họ có, như podcast hoặc bản tóm tắt thông tin hàng ngày, cũng như thúc đẩy mối quan hệ với các nhà tài trợ để giảm gánh nặng tài chính.
Nhìn tổng thể, The Fix nhận thấy có 3 giải pháp phi truyền thống đang được các đơn vị tin tức toàn cầu áp dụng để gia tăng doanh thu một cách bền vững.
Kênh lợi nhuận từ sách
Hành trình đi từ viết tin đến viết sách đã và đang là điều mà nhiều nhà báo trải qua, từ nhà báo Mỹ Rachel Carson với tác phẩm nổi tiếng Silent Spring hay cây viết Truman Capote với cuốn Cold Blood, được đăng sớm nhất trên tờ The New Yorker.
Như Tomas Bella, Giám đốc Kỹ thuật số của hãng truyền thông Slovakia Dennik N đã nói với The Fix, “các hãng truyền thông có một điều mà không ai khác có: các tác giả phi hư cấu được trả lương hàng ngày”. Dennik N đã dựa vào sách như một nguồn thu nhập quan trọng và đã xây dựng được một gian hàng sách trực tuyến khá lớn trong những năm gần đây.
Sách cũng mang đến cơ hội kiếm tiền từ thành công từ một định dạng khác. Tờ báo trực tuyến The Village của Ukraine đã chuyển thể podcast đình đám In Simple Words thành hai cuốn sách ăn khách. Cuốn sách đầu tiên vào năm 2020 đã bán được khoảng 30.000 bản, cao hơn nhiều lần so với một cuốn sách phi hư cấu bằng tiếng Ukraine thông thường. Thành công này tạo tiền đề cho việc xuất bản phần thứ hai, ra mắt vào năm 2022 và bán được hơn 10.000 bản.
Ngoài việc là một kênh tăng thêm nguồn thu, sách cũng là một sân chơi để thử nghiệm việc đa dạng hoá định dạng thông tin, chẳng hạn chuyển tin tức thành tiểu thuyết đồ họa. Sách cũng có thể giúp giới truyền thông kể câu chuyện thương hiệu của họ tới khán giả, giống cách Eliot Higgins, nhà sáng lập của trang báo chí điều tra Bellingcat, đưa câu chuyện của họ tới độc giả qua cuốn sách We Are Bellingcat.
Cuốn We Are Bellingcat đưa độc giả đến với Bellingcat. Ảnh: The Fix. |
Hút khách tới hội thảo
Tổ chức hội thảo và các sự kiện trực tiếp cũng là một cách để giới truyền thông có thể tạo ra nguồn thu nhập. Các sự kiện này cũng giúp họ tương tác với khán giả và tăng cường khả năng nhận diện của thương hiệu tin tức.
Priti Patnaik là người sáng lập Geneva Health Files (GHF), một bản tin trả phí xuất bản hai tuần/số tập trung vào hoạt động báo chí điều tra về các vấn đề chính sách y tế toàn cầu. Với hơn 6.000 độc giả, tạp chí này dựa vào việc đăng ký dài hạn, tài trợ và tư vấn nghiên cứu để có thu nhập. Ngoài ra, Patnaik cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo để đa dạng hóa nguồn thu.
Sự kiện này được đánh giá đã thành công. Ảnh: Geneva Health Files. |
Bà Patnaik nói: “Nhiều người có thể không có thời gian để đọc 3.000 từ trong bản tin mỗi tuần, nhưng có thể dành 2 giờ cho một hội thảo cung cấp những báo cáo trong vòng 3 tháng gần đó".
Vào tháng 3, bà Patnaik đã tổ chức một hội thảo trực tuyến có tiêu đề Hồ sơ Y tế Geneva: Các cuộc đàm phán về Y tế Toàn cầu tại WHO. Sự kiện này diễn ra với mức giá vé tham dự khởi điểm là 75 euro và đã mang lại thành công cho nền tảng và cung cấp được thông tin hữu ích cho khán giả.
“Bản tin là sản phẩm chính nhưng tiêu tốn nhiều nguồn lực và thời gian, trong khi không tạo ra doanh thu tương xứng. Việc triển khai thêm các sản phẩm khác dựa trên nguồn nội dung chính cũng là một cách để đầu tư giúp cho tên tuổi bản tin chính tiến xa hơn”, bà Patnaik nói với The Fix.
Một ví dụ khác là Bellingcat cũng chia sẻ chuyên môn của mình về điều tra và báo chí dưới hình thức hội thảo. Họ tổ chức các hội thảo trực tuyến và trực tiếp để đào tạo các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền quan tâm và những người tham gia khác. Hội thảo trực tiếp kéo dài 5 ngày của họ có giá khoảng 3.175 euro và hội thảo trực tuyến kéo dài bốn ngày của họ có giá khoảng 1.350 euro.
Thúc đẩy nội dung giáo dục
Các tổ chức tin tức cũng đang đầu tư vào nội dung giáo dục như một cách kiếm tiền. Lidové noviny, tờ báo lâu đời nhất tại Cộng hoà Séc, đã triển khai dịch vụ đăng ký theo dõi cho người dùng từ vài năm qua.
Và để thu hút người dùng trả tiền cho dịch vụ này, họ cung cấp cả các khoá học trên nền tảng của mình. Mở đầu với các khóa học tiếng Anh và tiếng Đức, sau đó mở rộng sang các môn học trung học như toán và văn học, cũng như các chủ đề dành cho người lớn như kiến thức tài chính, lịch sử… Nội dung được các chuyên gia bên ngoài chuẩn bị và do đội ngũ nhà báo biên tập lại.
Các hãng tin quốc tế như Al Jazeera cũng đã bắt đầu cung cấp các khóa học của riêng họ. Tận dụng những những nhà báo có chuyên môn tốt, họ cung cấp các khoá học về truyền thông, báo chí… có giá từ 82 đến 1.699 USD mỗi người. Tờ The Economist cũng lập ra chuyên trang Economist Education, nơi họ cung cấp các khóa học trực tuyến về báo chí, tài chính, địa chính trị... Học phí dao động từ 650 pound tới 1620 pound.
Như vậy, các tổ chức truyền thông không chỉ tập trung vào cung cấp thông tin đáng tin cậy mà cũng cần tồn tại được để có thể hoàn thành tốt vai trò này. Và một giải pháp căn cơ có thể như bà Patnaik đã nói, “Ý tưởng là đưa nội dung hiện có sang nhiều định dạng khác nhau”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.