Theo CNN, Bloomberg là hãng truyền thông mới nhất rút khỏi danh sách bảo trợ cho hội thảo có tên Sáng kiến Đầu tư tương lai (FII) do Saudi Arabia tổ chức, dự kiến diễn ra ngày 23/10, sự kiện nhằm quảng bá chiến lược phát triển tới năm 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm đưa quốc gia này thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ.
"Bloomberg không còn là đối tác truyền thông của FII. Giống như cách chúng tôi đưa tin các sự kiện lớn tại khu vực, chúng tôi lên kế hoạch sử dụng tin tức từ các đối tác", phát ngôn viên của Bloomberg cho biết hôm 13/10.
Thái tử Mohammed bin Salman cùng lãnh đạo IMF tham dự hội thảo FII năm 2017. Ảnh: CNBC. |
Trước Bloomberg, các hãng truyền thông khác như New York Times, CNN, CNBC, Financial Times cũng tuyên bố rút khỏi danh sách tài trợ cho hội thảo FII, được mệnh danh là "Davos sa mạc".
Financial Times thông báo trên Twitter việc hãng này hủy bỏ hợp tác với Saudi Arabia tại FII do số phận của nhà báo Jamal Khashoggi hiện chưa được giải thích thỏa đáng. Tổng biên tập Zanny Minton Beddoes của tờ Economist và chủ sở hữu của Los Angeles Times là Patrick Soon Shiong tuyên bố không phát biểu tại FII với cùng lý do.
Việc các hãng thông tấn chấm dứt hợp tác với Riyadh với nguyên nhân xuất phát từ vụ mất tích của Jamal Khashoggi, nhà báo người Saudi Arabia biến mất tại lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10. Ông Khashoggi làm việc cho tờ Washington Post và là người thường xuyên chỉ trích chính quyền Saudi Arabia.
BBC cho biết ông Khashoggi đến lãnh sự quán Saudi ở Istanbul hôm 2/10 để thực hiện một số thủ tục giấy tờ chuẩn bị tổ chức đám cưới. Nhà báo này được cho là không xuất hiện trở lại sau đó.
Hôm 13/10, cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận đang sở hữu bằng chứng âm thanh và hình ảnh cho thấy Khashoggi đã bị sát hại bên trong cơ quan ngoại giao của Saudi ở Istanbul. Theo Washington Post, một nguồn tin xác nhận nhà báo này đã bị tra tấn, giết hại và chặt xác.
Chân dung nhà báo mất tích Jamal Khashoggi khiến các hãng thông tấn rút khỏi hội thảo FII. Ảnh: CNN. |
"Ta có thể nghe thấy tiếng ông ấy (Khashoggi) và một người đàn ông nói tiếng Arab. Có thể nghe thấy ông ấy bị thẩm vấn, tra tấn và sau đó bị giết hại", Washington Post dẫn lời một nguồn tin.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố hình ảnh giây phút Khashoggi đi vào lãnh sự quán Saudi ở Istanbul. Trong một video khác được công bố, một số người đàn ông được cho là nhân viên tình báo Saudi đã nhập cảnh và sau đó xuất cảnh khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Saudi Arabia đã bác bỏ liên quan tới việc nhà báo Khashoggi biến mất, tuyên bố nhà báo đã rời khỏi lãnh sự quán nước này. Riyadh cho biết sẵn sàng điều tra để khám phá toàn bộ sự thực đằng sau vụ mất tích của Khashoggi.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố "biết chắc" Khashoggi đã bị giết. Tuy nhiên, Ankara đồng ý cùng Riyadh phối hợp điều tra vụ việc của Khashoggi. Hôm 12/10, một phái đoàn của Saudi Arabia đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về vụ việc trong cuối tuần này.