Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bão cấp 8 có thể vào Quảng Nam - Bình Định rạng sáng mai

Lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận huyện hạn chế những cuộc họp không khẩn cấp để xuống cơ sở cùng với người dân phòng chống cơn bão số 4.

Lúc 20h ngày 12/9, từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi đang có mưa to và rất to. Trước đó ít giờ, một số tuyến đường như: Nguyễn Văn Linh, Quang Trung, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hùng Vương, Phan Châu Trinh (tỉnh Quảng Nam) đã ngập nước.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, tối nay áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 trên Biển Đông. Lúc 18h, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Nam-Bình Định khoảng 160 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-11. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão kết hợp với đới gió đông bắc, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50-100 mm. Một số có mưa rất to như: An Chỉ (Quảng Ngãi) 200 mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 190 mm; Hoài Ân (Bình Định) 170 mm; Bồng Sơn (Bình Định) 230 mm;…Tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh.

Nhiều tàu thuyền đang trong vùng nguy hiểm

Lãnh đạo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho biết, đã 33.000 tàu thuyền vào bờ. Hiện trên vùng biển, vẫn còn 7.000 tàu thuyền của các tỉnh miền Trung đang trong vùng nguy hiểm.

Theo lãnh đạo Chi cục này, chiều nay khi đang trên đường tìm nơi trú ẩn, có 2 tàu cá Quảng Ngãi gặp nạn. "Khi xảy ra sự cố, trên tàu có 6 thuyền viên. Tàu còn cách bờ khoảng 600 m thì bị sóng lớn đánh chìm. Rất may, các ngư dân gần đó đã cứu vớt những người bị nạn đưa về đất liền an toàn", lãnh đạo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói.

Bao so 4 anh 1
Ngư dân Đà Nẵng neo đậu tàu thuyền tại Âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cũng cho biết, hiện có gần 1.500 tàu thuyền với hơn 6.500 lao động đang neo đậu tại bờ. Các tàu, thuyền được hướng dẫn vào khu tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang. Đến 18h cùng ngày, hầu hết tàu có công suất nhỏ, thuyền thúng được tổ chức kéo lên bờ tránh ảnh hưởng từ áp thấp.

"Hiện vẫn còn hơn 100 phương tiện của Đà Nẵng với khoảng 1.300 lao động hoạt động trên biển, khu vực Hoàng Sa và các vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Tất cả các phương tiện đều đã được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới", đại diện lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng thông tin.

Tại Quảng Nam, trao đổi với Zing.vn, thượng tá Trần Văn Ba, Trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại (TP Hội An) cho hay, đơn vị đang huy động 100% cán bộ, chiến sĩ tục túc trực để sẵn sàng cứu giúp đưa tàu ngư dân vào bờ an toàn.

Báo cáo của tỉnh này cung cấp, đến 17h, các lực lượng chức năng đã kêu gọi hơn 3.800 tàu thuyền với gần 12.000 lao động vào nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh này vẫn còn 441 tàu thuyền với gần 4.800 ngư dân đang trong vùng nguy hiểm. 

Bao so 4 anh 2
Nông dân Quảng Nam thu hoạch lúa sớm để tránh bão số 4. Ảnh: Nam Cường.

Để kịp thời kịp thời sẵn sàng cứu người cứu tài sản khi có thiên tai xảy ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức các đài canh thông tin thường trực 24/24 giờ để phát các bản tin về thời tiết, diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho các phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh hoặc di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng, không cho tàu thuyền ra biển, tổ chức bắn pháo hiệu theo quy định.

Thượng tá Đinh Đức Liên, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết đơn vị đã yêu cầu toàn bộ lao động trên các tàu đã cập cảng tuyệt đối không được ở lại trên tàu để phòng ngừa rủi ro. "Đồn đang phối hợp với Hải đội 2 chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng triển khai có hiệu quả các phương án tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khi có tình huống xảy ra", thượng tá Liên cho biết. 

Trong một công điện phát đi chiều nay, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo các Sở, ngành và UBND các huyện ven biển triển khai lực lượng xuống các vùng xung yếu để cùng với dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Tại Quảng Ngãi, xuất hiện mưa lớn kèm theo gió giật mạnh không ngớt. Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khoảng 19h50 ngày 12/9, trong lúc ông Nguyễn Tấn Đạt (ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) chạy tàu về bờ tránh bão đã bị sóng lớn nhấn chìm ở khu vực cảng Sa Kỳ - cách bờ khoảng 400 m. Bốn ngư dân trên tàu ông Đạt may mắn bơi vào bờ thoát chết. Trước đó, khoảng 13h cùng ngày, ông Nguyễn Ca và Phạm Văn Hùng (đều ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) đưa hai tàu cá về bờ trú tránh bão đến gần khu vực cửa Đại thì mắc cạn, sau đó sóng lớn nhấn chìm. Rất may ngư dân đi trên hai tàu cá này được bà con địa phương chạy ghe máy ra cứu vớt kịp thời, đưa về bờ an toàn.

Trước tình hình này, UBND TP Quảng Ngãi huy động hàng trăm người dân, bộ đội, công an, dân quân tự vệ dùng dây thừng kéo hai tàu cá vào bờ nhưng do sóng lớn đã lần lượt đánh vỡ phá hỏng tàu.

Hủy các cuộc họp để tập trung chống bão

Để ứng phó với cơn bão số 4 đang di chuyển vào đất liền, chiều 12/9 ông Hồ Kỳ Minh (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đã chủ trì cuộc họp liên quan đến công tác phòng chống bão. 

Bao so 4 anh 3
Đường đi mới nhất của bão số 4. Ảnh: NCHMF.

 

Ông Minh cho rằng, rất có thể đêm nay và sáng mai bão số 4 sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Nam... Vị Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành quận, huyện thực hiện nghiêm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ông chỉ đạo Bộ đội Biên phòng triển khai lực lượng xuống các cửa biển để nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Đơn vị này phải giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền của TP; phối hợp với các địa phương và các đơn vị Cảnh sát giao thông đường thủy, Chi cục Thủy sản tổ chức di dời tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang. Lực lượng Biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiêm cấm tàu thuyền vào neo đậu trên sông Hàn; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn.

Đối với lãnh đạo các quận, huyện, ông Minh yêu cầu  triển khai ngay ngay các phương án phòng chống bão lũ, lũ quét. "Tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão để kịp thời triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng trũng, thấp, vùng ven biển, sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại khu vực ven sông Cu Đê, Túy Loan...", ông Minh chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các quận, huyện chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đề phòng lũ lớn. Lãnh đạo các địa phương dừng ngay các cuộc họp không khẩn cấp để xuống cơ sở cùng với nhân dân phòng chống lụt bão.

Các Hội, Đoàn thể triển khai lực lượng xuống dân giúp họ chằng chống nhà cửa, nhất là các nhà tạm chờ tái định cư; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán nhân dân và cứu nạn kịp thời ở các khu vực nguy hiểm", ông Minh nói.

Cơn bão có diễn biến phức tạp

Chiều tối 12/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Bình Thuận.

Sau khi nghe báo cáo từ các địa phương, ông Cường nhận định, đây là cơn bão có diễn biến phức tạp, hình thành gần bờ, di chuyển nhanh có khả năng lên thành bão, cấp gió không lớn nhưng tránh tâm lý chủ quan của người dân. Ông chỉ đạo trước hết phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương nằm trong vùng ảnh hường cần ra lệnh cấm biển, kiên quyết di tản người dân vào nơi tránh trú an toàn. Bên cạnh đó, đề phòng mưa lũ lớn từ Quảng Trị đến Bình Định, đặc biệt Quảng Ngãi lũ có khả năng lên mức báo động 3, các địa phương chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo các phương án an toàn sản xuất nông nghiệp, đặc biệt nuôi trồng thủy sản từ Nghệ An đến Bình Thuận, chú ý đôn đốc thu hoạch lúa mùa.

Các công trình nhà cửa, dân dụng cơ sở hạ tầng cần có phương án chằng chống, đảm bảo an toàn, cảnh báo, có người trực tại các ngầm tràn không cho người dân đi qua khi có mưa lũ;
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị mọi lực lượng ứng trực, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn trên đất liền và trên biển khi cần thiết.

Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cơn bão, đưa ra bản tin dự báo kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với bão của các cơ quan hữu quan, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí cập nhật tin tức đến người dân để chủ động phòng tránh.

Bao so 4 anh 4
Trên đường về bờ tránh bão, hai tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị mắc cạn, chìm ở cửa Đại (xã Nghĩa An) chiều 12/9.

 

Ảnh: Minh Hoàng.

Tối 12/9, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thông báo: Do ảnh hưởng của bão số 4 đến một số tỉnh miền Trung, để bảo đảm an toàn, sáng 13/9, Vietnam Airlines không khai thác 2 chuyến bay (VN7641/7640) đến/đi từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam) và điều chỉnh giờ khai thác 4 chuyến đến/đi từ sân bay Huế, Pleiku sang sau 10h. Các chuyến bay gồm: 2 chuyến trên đường bay giữa Hà Nội và Pleiku (VN1613/12), 2 chuyến trên đường bay giữa TP.HCM và Huế (VN1370/71), Vietnam Airlines khuyến nghị hành khách có kế hoạch đến/đi từ các sân bay trên trong thời gian này nên thường xuyến theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết nhằm chủ động trong lịch trình đi lại.

Đà Nẵng cho học sinh nghỉ tránh bão

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng cho phép học sinh nghỉ học.

 





Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm