Việc báo cáo Mueller sẽ gây tổn hại như thế nào đến Tổng thống Donald Trump vẫn là vấn đề tranh cãi tại Washington. Trong khi đó, sự can thiệp của Nga "một cách mạnh mẽ và có hệ thống" vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 lại được thể hiện rõ trong báo cáo điều tra.
Các điều tra viên còn phát hiện tin tặc của chính phủ Nga chi phối hệ thống bầu cử tại một hạt của Florida. Họ còn tìm thấy dấu vết tin tặc Nga tìm cách tấn công nhóm quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. Vụ việc xảy ra chỉ năm tiếng sau khi ông Donald Trump, khi đó là ứng viên của đảng Cộng hòa, công khai kêu gọi phanh phui những thư điện tử mà bà Clinton đã xóa trong hộp thư riêng.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ từng khẳng định tin tặc Nga không thể tác động đến kết quả bỏ phiếu. Ảnh: Getty. |
Tấn công hệ thống bầu cử Florida
Bản báo cáo của cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mueller cũng là lần đầu tiên một văn bản chính phủ Mỹ cho rằng tin tặc Nga đã xâm nhập và tác động vào hệ thống máy tính kỳ bầu cử năm 2016. Vụ tấn công nhắm vào một hạt tại Florida, không được tiết lộ tên trong bản báo cáo.
"FBI cho rằng chiến dịch này đã cho phép lực lượng GRU (Tổng cục Tình báo Quân sự Nga) vào được mạng lưới máy tính của chính quyền ít nhất một hạt thuộc Florida", báo cáo cho biết.
Các quan chức quản lý hoạt động bầu cử tại Florida hoàn toàn bất ngờ trước hé lộ này của đội điều tra.
"Tôi hoàn toàn không biết gì về điều này, cũng như trong mọi cuộc họp với phía FBI, cơ quan An ninh Nội địa. Tôi đã tham gia nhiều cuộc báo cáo thông tin mật do tham gia Hội đồng Phối hợp Chính phủ vì An ninh Nội địa", Chris Chambless, người giám sát bầu cử tại hạt Clay kiêm chủ tịch Hiệp hội Các giám sát viên bầu cử Florida năm 2016, cho biết.
"Tôi chưa từng nghe các cơ quan trên thông báo rằng một hạt của Florida đã bị khai thác lỗ hổng an ninh", Chambless khẳng định.
Trong khi đó, theo Dan McCrea, một nhà tư vấn cho Florida thuộc tổ chức phi lợi nhuận Xác thực Bầu cử, nhiều quan chức chính quyền địa phương lẫn cá nhân McCrea chưa từng nhận thông tin nào cho thấy tin tặc xâm nhập được hệ thống máy tính tại một hạt ở bang này.
Cử tri tại Miami, bang Florida, rời nơi bỏ phiếu vào tháng 11/2016. Ảnh: NY Times. |
"Mueller chắc chắn biết nhiều hơn bất kỳ ai trong số chúng ta, vậy nên chúng ta có thể tạm cho rằng báo cáo này là chính xác mặc dù chúng ta không biết cụ thể địa phương nào", McCrea nhận định.
GRU bị cáo buộc nhiều lần tìm cách tạo ảnh hưởng đến quy trình bầu cử Mỹ năm 2016. Trong những thông tin được công bố trước đó và yêu cầu truy tố năm 2018 của Mueller nhắm vào các sĩ quan GRU, phía Mỹ cho rằng tổ chức tình báo Nga đã tìm cách xâm nhập hệ thống mạng của nhiều hạt tại bang Florida trong những tháng trước thềm bầu cử 2016.
Các sĩ quan GRU tạo hàng loạt hộp thư Gmail giả mạo từ VR Systems, một công ty hỗ trợ đăng ký bầu cử tại Florida. Hàng loạt địa phương tại bang này đã nhận được email từ các tài khoản giả mạo. Tuy nhiên, những email này được được xác định là thư rác. Công ty VR Systems cuối cùng thừa nhận một trong các mạng lưới của họ bị tin tặc xâm nhập.
Theo báo cáo của Mueller, các sĩ quan GRU đặt mục tiêu tấn công hơn 120 tài khoản email. Con số này lớn hơn nhiều so với những thông tin được công bố trước đây.
Hiện chưa rõ địa phương nào trong số 67 hạt tại Florida có hệ thống mạng bầu cử bị tin tặc xâm nhập như ông Mueller đề cập trong báo cáo. Bộ An ninh Nội địa và FBI chưa chính thức bình luận về thông tin này.
Sarah Revell, người phát ngôn Phòng Đổng lý bang Florida, nói chính quyền địa phương cũng không nhận được thông tin về lỗ hổng an ninh mạng. Cơ quan này đang tìm cách liên hệ với FBI để tìm hiểu thêm.
"Chúng tôi vẫn giữ lập trường rằng cuộc bầu cử năm 2016 tại Florida đã không bị tin tặc tấn công. Hệ thống Đăng ký Cử tri Florida đã và vẫn đảm bảo an toàn, các kết quả chính thức và kiểm phiếu sẽ không đổi", Revell cho biết.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ từ năm 2016 đã khẳng định tin tặc Nga không thay đổi được kết quả phiếu bầu. Cơ quan này cho rằng các tin tặc xâm nhập vào một mạng lưới bầu cử chỉ có thể khiến việc bỏ phiếu diễn ra khó khăn hơn. Lựa chọn phiếu bầu của cử tri không bị thay đổi vì các máy bỏ phiếu không được kết nối mạng.
Nhắm đến bà Clinton sau "lời mời" của ông Trump
Báo cáo của Mueller cũng hé lộ thêm các chi tiết về chiến dịch tấn công mạng nhắm vào chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, đối thủ tranh cử của ông Donald Trump năm 2016.
Báo cáo cho biết tin tặc Nga đã bắt đầu nhắm đến các email của chiến dịch chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump "mở lời", kêu gọi tin tặc Nga phanh phui những thư điện tử bà Clinton đã xóa.
Văn phòng của công tố viên đặc biệt Mueller vào tháng 7/2018 đã truy tố 12 sĩ quan GRU về tội danh tấn công và phát tán thư điện tử của đảng Dân chủ. Trong thông báo truy tố, văn phòng của ông Mueller cho biết các tin tặc bắt đầu nhắm đến thư điện tử trong chiến dịch của Hillary Clinton từ ngày 27/7/2016.
Ông Donald Trump tại cuộc họp báo ngày 27/7/2016 ở Florida kêu gọi tin tặc Nga nhắm vào bà Clinton. Ảnh: Getty. |
Trong cùng ngày đó, ứng viên Cộng hòa Donald Trump tại một buổi họp báo đã khiêu khích tin tặc Nga tấn công đối thủ của ông.
"Nước Nga, nếu các bạn có nghe thấy, tôi hy vọng các bạn có thể tìm thấy được 30.000 email đang bị thất lạc. Tôi nghĩ các bạn sẽ được báo chí nước tôi đền đáp hậu hĩnh", ông Trump khi đó khẳng định.
Cựu thư ký báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer từng khẳng định ông Trump chỉ nói đùa khi khiêu khích tin tặc Nga nhắm vào bà Clinton. Báo cáo của Mueller cũng không xác nhận quyết định hành động của GRU được thúc đẩy bởi lời nói của ông Trump.
Tuy nhiên, báo cáo đã xác định được thời gian cụ thể thời điểm Nga bắt đầu hành động nhắm vào bà Clinton, đặt trong tương quan với "lời mời" ông Trump đưa ra trong cuộc họp báo tại Florida cùng ngày.
"Trong gần năm tiếng sau phát biểu của ông Trump, các sĩ quan GRU đã lần đầu tiên nhắm đến văn phòng cá nhân của bà Clinton", báo cáo cho biết. "Cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng cho thấy GRU trước đó từng tìm cách xâm nhập những tài khoản trong cùng domain này".