Thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng sáng 29/3, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy nhận xét, báo cáo chưa đề cập một cách thỏa đáng và sâu sắc, đúng với vị trí của giáo dục và đào tạo trong nhiệm kỳ XIII.
"Thậm chí, không có một từ nào về giáo dục và đào tạo trong báo cáo mà Thủ tướng trình trước Quốc hội", ông Thủy thẳng thắn.
Vị đại biểu tỉnh Phú Thọ này nhấn mạnh, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi dân tộc. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được thành tựu to lớn nhờ sớm coi trọng "sự nghiệp trồng người".
"Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cương lĩnh Chính trị của Đảng, Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp hoặc các luật đều khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh cắt màn hình. |
Ông Nghĩa nêu ví dụ, tại Nhật Bản, giáo dục là sự kết hợp hài hòa bản sắc phương Đông với những tri thức của phương Tây. Singapore có phương châm "thắng trong cuộc đua giáo dục là thắng trong cuộc đua về phát triển kinh tế".
Theo ông Nghĩa, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc chỉ đạo, điều hành lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được nhiều thành tích và kết quả to lớn.
Đơn cử, hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh. Chất lượng được nâng cao và đáp ứng được nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ nhà giáo tăng về số lượng và chất lượng; số thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng nhiều.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã ban hành và thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục như cải cách chương trình và sách giáo khoa THPT; đổi mới về công tác thi cử và kiểm tra; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên...
"Tuy nhiên, báo cáo không nêu được những nổi bật lớn trong ngành giáo dục", ông Nghĩa băn khoăn.
Ông đề nghị, những thành tựu này cần được Chính phủ trân trọng và nêu rõ trong báo cáo trình trước Quốc hội.
Theo ý kiến của cử tri, thời gian qua, nhiều ý kiến phản hồi không tốt về ngành giáo dục, như trường hợp thí sinh phải thuê xe cứu thương để thay đổi nguyện vọng, hoặc một vài trường đại học top đầu thay đổi điểm chuẩn gây ra "thế trận vỡ đê" trong kỳ thi THPT 2015.
Nhưng theo ông Nghĩa: "Không thể vì những hiện tượng và phần trăm vấn đề rất nhỏ, mà đánh giá sai hoặc không chính xác về công lao của ngành giáo dục trong nhiệm kỳ khóa XIII vừa rồi".
Tuy nhiên, ông cũng nêu một số những nội dung mà công tác giáo dục chưa làm được. Cụ thể là vấn đề cải cách tiền lương cho đội ngũ nhà giáo.
Ngày 29/3, Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.