Theo AFP, hơn 2 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa và đi sơ tán sau khi bão Bulbul đổ bộ vào khu vực bờ biển của Ấn Độ và Bangladesh.
Với những cơn gió có tốc độ lên tới 120 km/h, bão Bulbul khiến cho giao thông tê liệt, các cảng và sân bay tại khu vực bị ảnh hưởng ở cả hai nước đều phải đóng cửa.
Gió mạnh khiến nhiều cây cối bị bật gốc và cuốn lên trên cao trước khi rơi xuống nhà dân làm 2 người thiệt mạng. Một người khác cũng thiệt mạng vì bị cây đè vào người ở thành phố Kolkata. Tổng cộng đã có 12 người chết ở Ấn Độ.
Bão Bulbul khiến cầu sập ở bang Tây Bengal, Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, tại Bangladesh, cây đổ cũng khiến 5 người thiệt mạng và ít nhất 20 người bị thương. 5 ngư dân được cho là đã mất tích sau khi một chiếc thuyền bị chìm ở sông Meghna.
Cơn bão cũng làm hư hại khoảng 4.000 căn nhà thô sơ. Cây cối bị xé toạc khỏi mặt đất, đổ xuống đường khiến công việc cứu trợ bị cản trở.
Nhà chức trách cho biết cơn bão đã suy yếu khi đi vào đất liền nhưng gây ra mưa lớn, đe dọa ngập lụt cho một số vùng sâu trong lục địa của Bangladesh, vốn thấp hơn mực nước biển.
Bão Bulbul đổ bộ vào bờ biển tại Sundarbans, khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, nằm giữa Bangladesh và Ấn Độ. Đây là nơi sinh sống của các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng bao gồm hổ Bengal và cá heo Irrawaddy. Rừng ngập mặn được cho là đã giúp bảo vệ bờ biển khỏi những tác động mạnh nhất của cơn bão.
Hơn 2 triệu người từ các khu vực ven biển của Bangladesh đã được sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Quân đội được triển khai để hỗ trợ công tác cứu trợ, trong khi hàng chục nghìn tình nguyện viên đến tận nhà người dân để kêu gọi đi tránh bão.
Khu vực bờ biển trũng thấp của Bangladesh, nơi sinh sống của 30 triệu người, và các bang phía đông của Ấn Độ thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão. Trong khi tần suất và cường độ của các cơn bão đã tăng lên, một phần do biến đổi khí hậu, số người thiệt mạng đã giảm xuống do công tác sơ tán được thực hiện gấp rút hơn và kế hoạch xây dựng hàng nghìn nhà tạm trụ kiên cố ven bờ biển.