Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bánh xe, vòng ý thức và hái tử thần

Người ta chạy đè lên vạch chia làn, vượt phải vượt trái tùm lum, vẫn thương tật chết chóc hàng ngày. Con đường đẹp, bánh xe mới nhưng vòng quay ý thức hình như chưa xoay chuyển.

Mùa xuân năm 2007, chiếc xe 16 chỗ chạy qua Ninh Bình, đưa đại gia đình tôi quay lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết. Em bé sáu tháng tuổi ngủ say, mấy đứa cháu gà gật, tôi mệt mỏi tính toán thời gian về tới xóm Hạ Hồi bên hồ Ha-le trong khi bố chồng tôi, một người New England sùng đạo ngồi ghế trước, thi thoảng lại giật mình gọi Chúa vì cảnh núi non điệp trùng xa xa và cảnh người Việt diễn xiếc ngoạn mục trên đường.

Bỗng tất cả ngưng bặt. Chiếc xe lao thốc sang phải, đâm sập gian quán lá, dừng lại chênh vênh trên bánh kẹo- ấm tích- ghế băng. Tôi gần như ngất, nhờ tiếng khóc của con gái mà tỉnh lại. May mắn, lạy thượng đế, lạy ông bà tổ tiên! Tôi đã mang ghế ô tô chuyên dụng cho trẻ em từ Mỹ về, đặt cháu nằm trong chuyến đi xa.

May mắn, chiếc xe dịch vụ của công ty tôi thuê chưa bị cắt hết dây an toàn, còn trừ một cái băng sau, để tôi cài cho bé. Mẹ chồng tôi bị văng xuống sàn, lồm cồm ngồi dậy, vừa làm dấu thánh giá vừa nhìn những tàu cọ vốn là mái của gian quán tả tơi xung quanh, ngụ ý hỏi: có ai bên trong đống đổ nát kia không. Lại may, hôm đó mồng 5 Tết, nghe nói ngày xấu, hàng quán chưa mở cửa.

Do Hoang Dieu,  Y thuc giao thong, anh 1
Tai nạn xảy ra từ những hành động vô ý thức. Ảnh minh họa.

Châm điếu thuốc, bàn tay không run nhưng làn da sạm lại và những thớ gân nổi cộm từng chùm như muốn giải thoát khỏi nỗi sợ, cậu lái xe dáng dấp thư sinh chừng hai lăm nói nguyên do: xe khách vượt xe tải, lấn sang làn đường của chúng ta, đối đầu trực diện, vùn vụt lao tới...

Nghĩa là lưỡi hái tử thần chỉ còn cách chúng tôi vài phân. Và tay sai của tử thần - chiếc xe khách đã không dừng lại, không thèm đếm xỉa có ai bị thương ai cần giúp đỡ, hay một lời xin lỗi hỏi thăm.

Sau chuyến đi suýt thành định mệnh, ảnh hưởng tới hàng chục nhân mạng đó, chồng tôi sợ di chuyển trên quốc lộ Việt Nam tới mức gần như đoạn tuyệt. Tàu hỏa trở thành cứu cánh, dù ồn dù bẩn dù nhà vệ sinh hôi và ít khi cài được chốt. Gần 40km taxi từ Hoàn Kiếm ra Nội Bài đã là quá sức chịu đựng.

Hai năm sau, vì công việc, không có lựa chọn khác, anh phải rong ruổi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội bằng ô tô. Trước lúc khởi hành, anh đưa cho vợ tờ giấy ghi những điều giông giống di chúc, trong đó dặn rằng nếu anh không trở về, bằng bất cứ giá nào cũng đưa con gái quay lại Mỹ để con được lớn lên và học hành bên đó. Tất nhiên, mọi chuyện suôn sẻ. Người Mỹ lành lặn quay về. Nhưng nỗi ám ảnh về giao thông đường bộ thì nguyên xi, thậm chí tăng thêm sau mỗi cuộc thăm viếng Việt Nam.

Mùa xuân 2007 ấy, quốc lộ 1A chưa nâng cấp, chưa có dải phân cách ngăn chia hai hướng. Từ Bắc vô Nam, từ Nam ra Bắc đi như ăn cướp, gầm ghè, húc nhau như cơm bữa. Bao nhiêu là tai nạn thương tâm.

Mùa hè 2017, cao tốc Bắc Nam 4 làn xe, dải phân cách cao tới bụng người, sơn trắng vạch rõ từng làn. Nhưng người ta vẫn chạy chàng hảng giữa đường, đè lên vạch chia làn, vẫn vượt phải vượt trái tùm lum, vẫn thương tật chết chóc hàng ngày. Con đường đẹp, bánh xe mới nhưng vòng quay ý thức hình như chưa xoay chuyển mấy.

Người ta bặm trợn chèn nhau để nhích lên vài mét. Người ta không thể chờ thêm vài giây ở ngã tư cho đèn đỏ hiện ra đã vội vàng hét còi lao đi. Để làm gì? Nhanh hơn hai phút, năm phút. Để làm gì? Thành công hơn, giàu có hơn ư? Để làm gì, khi thần chết chắn trước mặt bạn và quỷ thương tích lăn theo bánh xe bạn rải máu cho người.

Do Hoang Dieu,  Y thuc giao thong, anh 2
Ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam vẫn còn rất kém. Ảnh minh họa.

Từng nghe không ít người sắm ô tô bộc bạch: trong nội thành, nếu có đâm nhau, xe máy xe đạp ngỏm, mình chả làm sao, đền bù là xong. Đền bù? Thượng đế sinh ra con người nhưng thượng đế cũng không thể tái sinh người chết. Nữa là chúng ta, với nắm tiền bạc bẽo.

Chợt nghĩ đến cô đào nổi tiếng này phải ngồi tù vì lái xe lúc say rượu, anh giám đốc giàu có kia phải dọn nhà vệ sinh công cộng bởi vượt tốc độ nhiều lần, ông tổng thống bị chỉ trích lên bờ xuống ruộng khi ngồi trong ô tô quên thắt dây an toàn... ở xứ người ta. Những lỗi, những vi phạm chúng ta cho là nhỏ rồi tặc lưỡi cho qua ấy, ở xứ người sẽ bị ghi vào lý lịch tư pháp, thành vết nhơ khó gột.

Tôi hỏi người lái xe taxi đưa gia đình tôi từ ga Thanh Hóa về huyện Tĩnh Gia, sao không chạy đúng làn, sao không vượt bên trái khi thấy anh ta liên tục chạy chàng hảng giữa đường, vượt phải và bấm còi lia lịa.

Người đàn ông chừng năm mươi, dùng Iphone 6 loại to bản, vừa đọc tin nhắn vừa giải thích trong lúc vẫn điều khiển chiếc taxi chạy chênh vênh giữa hai làn. “Đi thế để thằng đàng sau khó vượt, lại rộng rãi mà không sợ đụng bọn xe máy chạy nhong nhong sang đường ô tô”. Tôi hỏi tiếp: có biết vượt bên phải rất nguy hiểm không? “Gớm, vượt bên nào chả giống bên nào hả chị!” - anh ta cười, cái cười có vẻ cau có rồi tăng ga.

Tôi nghĩ đến vợ con, bố mẹ người lái xe. Họ đang chờ anh mang lương về. Lái xe như anh, mỗi vòng quay giống một vòng tử thần. Không còn gặp may, rất có thể ngày mai thần chết đến lúc anh đang vượt xe tải từ bên phải. Những đứa trẻ, lớn lên, chúng nghĩ gì nếu biết nguyên nhân thần chết tới nhà mình sớm hơn quy luật?

Để ý, tôi vẫn thấy cánh lái ô tô nhún nhường dẹp vào lề phải mỗi khi phía sau có xe biển xanh biển đỏ ra tín hiệu vượt. Họ nhún và nhường cũng phải thôi, đến cảnh sát giao thông còn kính trọng giơ tay chào, ngó mặt làm ngơ những chiếc xe biển xanh chạy quá tốc độ vun vút lao qua. Chứng tỏ, dù là những diễn viên xiếc nguy hiểm coi cái chết tựa lông hồng, người ta vẫn biết sợ. Họ không sợ thần chết đang thò ra bộ mặt đen hắc và tanh máu từ bánh xe, họ chỉ sợ quan, sợ cảnh sát, sợ mất tiền.

Vài lần, tôi ngồi sau xe máy bạn bè. Bạn đưa cho chiếc mũ bảo hiểm mất khóa cài dây. Tôi cự nự. Bạn ôi dào, chỉ là che mắt cảnh sát giao thông thôi mà. Tôi nghĩ đến những đứa con mà bạn đưa đón hàng ngày. Chúng sẽ học bạn nhiều thứ trong cuộc sống, trong đó có cách điều khiển phương tiện giao thông, thái độ với an toàn. Chúng ta đổ tội cho cơ sở hạ tầng, trong khi tự bản thân chưa tôn trọng, chưa thực sự coi trọng mạng sống của mình, của người thân.

Do Hoang Dieu,  Y thuc giao thong, anh 3
Những con đường khang trang, to đẹp vẫn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do ý thức của người lái xe. Ảnh minh họa.

Đã khi nào bạn dám nhìn gần, nhìn kỹ, nhìn lâu tấm biển trưng các hình ảnh thương tích vì tai nạn giao thông trước cổng bệnh viện Việt Đức chưa? Não vỡ, thịt phanh, da lột, chân đứt lìa, tay dập nát, mặt không còn mũi, môi... Mỗi lần có ý định vượt đèn đỏ, đi sai làn, vượt ẩu, hãy nghĩ đến những hình ảnh ấy.

Tôi biết, nhiều người hiểu chuyện, nhiều người muốn tham gia giao thông tử tế song đôi lúc bất lực, phải vào hùa theo cách đi rừng rú. Bạn bảo có lúc nghe còi xe cấp cứu réo thắt ruột đằng sau, rất muốn né ra nhường đường mà xe trước mình, xe bên phải mình bất động câm điếc. Bạn bảo lái chậm, muốn chạy làn bên phải nhưng làn ấy xe máy cứ nghênh ngang đi, nghênh ngang lượn với cắt trước mặt.

Tôi trấn an bạn, so cách đấy mười năm, đã thay đổi nhiều. Số xe vượt đèn đỏ ở ngã tư ít hơn, thỉnh thoảng thấy ô tô xe máy nhường người đi bộ, “dàn nhạc giao hưởng” còi không còn chơi bài rầm rộ. Mỗi người quay vòng ý thức dịch lên một tý, biết đâu ngày mai...

Uber, Grab và người lái xe ôm cuối cùng

Ở cái thành phố này, dường như có những điều là lẽ thường và sẵn có. Nhìn đâu cũng có, ở bất kỳ xó xỉnh nào, dù hoa lệ hay nhếch nhác, cứ đảo mắt là thấy.






Đỗ Hoàng Diệu

Bạn có thể quan tâm