Chiều 21/9, nhiều công nhân tại lò bánh pía của Công ty TNHH Bánh pía – Lạp xưởng Hải Sơn (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) vẫn chưa rời xưởng sản xuất. Theo kế hoạch, những công nhân này được doanh nghiệp cho về nhà để chuẩn bị Tết Trung thu từ chiều 20/9 nhưng do đơn hàng dồn dập vào giờ cuối nên không thể về sớm.
Ông Trương Hải Hấu, chủ lò bánh Hải Sơn, cho biết công nhân về nhà trễ vì các siêu thị trong cả nước vẫn cần bánh Trung thu để bán sau ngày Tết dành cho trẻ em. Quầy hàng bán lẻ vẫn mở cửa đến tối 21/9 để phục vụ những khách hàng mua quà muộn.
Đại lý tăng bán qua kênh online
Theo ông Hấu, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên công nhân đến xưởng sản xuất chỉ khoảng 50% so với những năm trước. Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp bao bì tại TP.HCM ngưng sản xuất nên các lò bánh phải tận dụng bao bì của những năm trước.
“Do bao bì hạn chế nên nhiều lò bánh không sản xuất được nhiều hàng. Doanh nghiệp của tôi còn có sản phẩm bánh pía can xại, sử dụng nguyên liệu cải thảo nhưng đối tác tại TP.HCM hết hàng vì ảnh hưởng dịch bệnh. Vì vậy, bánh pía loại này đã hết hàng từ vài ngày trước”, ông Hấu chia sẻ.
Nhiều loại bánh pía và Trung thu ở miền Tây 'cháy hàng" vào ngày rằm tháng Tám. Ảnh: Việt Tường. |
Chủ lò bánh có xưởng sản xuất tại cửa ngõ tỉnh Sóc Trăng này cho rằng sức tiêu thụ các loại bánh của thị trường Tết Trung thu năm nay không thua những năm trước. Những ngày đầu tháng 8 âm lịch, ít người mua bánh Trung thu và bánh pía nhưng cận ngày rằm đã đổ xô mua khiến các doanh nghiệp “cháy hàng”.
“Năm nay nếu đủ nguyên liệu và công nhân, doanh nghiệp của tôi có thể sản xuất các loại bánh để cung ứng cho thị trường nhiều hơn Trung thu năm trước. Các đại lý liên tục đặt hàng để bán online về các huyện, thị và tỉnh, thành trong khu vực”, chủ lò bánh chia sẻ với Zing.
Chị Lin Ca, một đại lý bánh pía tại TP Sóc Trăng, cho biết đến chiều tối 21/9 vẫn còn nhiều người điện thoại và nhắn tin qua mạng xã hội để mua hàng. Do doanh nghiệp không còn bánh để giao nên chủ hộ kinh doanh này từ chối đơn hàng của khách mới.
“Dịch bệnh nên tôi cứ tưởng không ai mua bánh pía, bánh Trung thu nhưng có quá nhiều khách ủng hộ. Sau khi mua về dùng thử, khách nào cũng khen ngon nên đặt hàng qua mạng liên tục. Đến sáng 21/9, đại lý của tôi không còn bánh Trung thu để bán”, chị Lin Ca chia sẻ.
Tùy theo trọng lượng và bao bì, giá bánh Trung thu dao động 180.000-300.000 đồng/hộp (4 cái). Ảnh: Việt Tường. |
Chủ một đại lý bánh pía và Trung thu trên đường Mậu Thân, TP Cần Thơ cho biết do dịch Covid-19 nên cửa hàng của anh không mở bán tại chỗ. Tuy nhiên, mỗi ngày đại lý này bán được gần 50 triệu đồng tiền bánh thông qua các kênh online.
Nhiều loại nguyên liệu tăng giá 60-70%
Theo ông Trương Hải Hấu, các loại bánh pía và Trung thu năm nay không tăng giá, dù một số loại nguyên liệu tăng vọt.
Trong đó, 2 nguyên liệu tăng giá nhiều nhất (60-70% so với năm trước) là dầu ăn và đường. Bột mì cũng tăng giá khoảng 20% nhưng giá bánh pía và Trung thu không thay đổi.
“Lúc này dịch bệnh nên người dân khó khăn. Chính vì vậy, doanh nghiệp của tôi chấp nhận giảm lãi chứ không tăng giá bánh”, chủ nhãn hàng bánh Sông Trăng chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Zing, bánh pía tùy loại và trọng lượng có giá từ 55.000-65.000 đồng mỗi hộp (4 cái). Bánh trung thu thập cẩm loại hộp 4 cái giá dao động 180.000-300.000 đồng. Bánh in nhân đậu xanh loại gói 2 cái trọng lượng 0,5 kg giá 40.000 đồng; bánh in trăng 800 gram giá 80.000 đồng/cái…
Các quầy hàng bánh pía và Trung thu tại "thủ phủ" bánh pía là Sóc Trăng đã hết bánh vào trưa 21/9. Ảnh: Việt Tường. |
Rút kinh nghiệm “cháy hàng” vào những ngày cận Trung thu của năm nay, các doanh nghiệp cho biết sẽ tìm cách chủ động nguồn nguyên liệu và bao bì cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
“Công nhân nghỉ xả hơi vài ngày là bước vào thị trường sản xuất bánh, kẹo cho Tết Nguyên đán. Tỉnh đặc thù ở miền Tây là Long An tiêu thụ bánh pía rất mạnh vào dịp Tết Nguyên đán. Dịp Tết cổ truyền, hầu như nhà nào ở Long An cũng có bánh pía, trong khi loại bánh này các tỉnh tiêu thụ mạnh vào Tết Trung thu”, chủ một cơ sở sản xuất bánh pía nói.