Bánh snack có đỉa: tin đồn và sự thật
Tin đồn “Bánh snack có đỉa” đã sáng tỏ vào ngày 15/10 trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã có kết luận cuối cùng về sản phẩm snack Yoyo là không tìm thấy ký sinh trùng, côn trùng hay đỉa trong mẫu cũng như trong nước ngâm bánh.
Thông báo này không những đã giúp đưa ra sự thật về bánh snack YoYo mà còn giúp khẳng định chất lượng của bánh snack vẫn an toàn cho người sử dụng.
Đầu tháng 10, người tiêu dùng hoang mang khi nghe rộ lên tin đồn có đỉa trong bánh snack từ xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, trực thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong khi sự việc còn đang trong quá trình điều tra, tin đồn này được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông mạng, khiến nhiều người tin rằng đây là nguồn tin có thật và lại tiếp tục chia sẻ cho những người mình quen biết để cảnh tỉnh họ bảo vệ sức khỏe của con em mình.
Điều đáng nói là việc nhầm lẫn trong cách nêu tên sản phẩm đã gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và bối rối cho doanh nghiệp có sản phẩm tương tự trong ngành. Việc đồng nghĩa từ “snack” và từ “Oishi” đã làm công ty sở hữu thương hiệu Oishi phải lên tiếng đính chính rằng sản phẩm và thương hiệu Oishi là của Liwayway và không liên quan đến sản phẩm hay thương hiệu YoYo. Công ty này cũng đã gửi công văn đến các phương tiện truyền thông mạng và báo chí nhờ đính chính lại thông tin về sản phẩm và thương hiệu của họ. Việc đưa tin nhầm lẫn này đã khiến người tiêu dùng hoang mang và lo lắng khi lựa chọn sản phẩm Trong khi đó, kết luận từ Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và các nhà khoa học là không có sinh vật nào tồn tại dưới nhiệt độ chế biến trên 140oC và người tiêu dùng không nên lo lắng quá mức với những tin đồn thất thiệt.
Trong những trường hợp như thế này, chúng ta sẽ hoàn toàn có thể đánh giá được vấn đề với sự bình tĩnh, hiểu biết và lòng tin của mình ở nhà sản xuất và các cơ quan chức năng. Hãy đánh giá tin đồn và giúp đỡ những người xung quan kiểm tra tính chân thực của thông tin dù là nghe lại hay được truyền bá bằng cách:
- Quan sát xem tin đó có được khẳng định bởi nhà chức trách hay cơ quan nhà nước và đài truyền hình trung ương hay không.
- Lắng nghe nhân vật chính hay nhà sản xuất lên tiếng, bởi hơn ai hết, họ là người chịu trách nhiệm về bản thân và chất lượng sản phẩm nhiều nhất.
- Tin tưởng ở sự hiểu biết và vốn sống của bạn trong tình huống đó và đừng để những tin đồn gây ra sự hoang mang, sợ hãi không đáng có.
Và cuối cùng, hãy sống vui và cảnh tỉnh trước mọi tin đồn.
Tư liệu:Oishi
Theo Infonet