Chị Tố Văn làm ra những chiếc bánh hình túi hiệu hoàn toàn bằng nguyên liệu ăn được. |
Chị Lưu Tố Văn (38 tuổi, TP.HCM) theo đuổi đam mê làm bánh kem 5 năm nay và thích chinh phục các mẫu khó thay vì tạo hình như thông thường.
Một số tác phẩm độc đáo của chị là bánh kem hình chậu hoa lan, tô mì tôm, chậu xương rồng, các con thú cưng.
Khoảng 4 tháng nay, chị Văn làm ra những chiếc bánh hình túi hiệu Hermes, Chanel với kiểu dáng, kích thước, màu sắc mô phỏng đồ thật và ăn được.
Khi chị chia sẻ lên mạng, phần lớn bình luận đều khen “Trông y như đồ thật”, “Không nhìn kỹ không nghĩ đó là bánh”.
Khách giàu hỏi mua
Chia sẻ với Zing, chị Văn cho biết để làm ra chiếc bánh giống túi hiệu nhất, chị phải bỏ nhiều tâm huyết và thời gian. Ban đầu, chị tự thử nghiệm cách làm và phải tháo bỏ 2-3 lần để sửa mới có được tác phẩm ưng ý.
Theo chị Văn, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Cốt bánh bên trong phải đủ vững để ra dáng túi đẹp. Chị chọn cốt bánh chocolate hơi đắng nhẹ, phủ bên ngoài là lớp kem bơ thanh mát, ngọt nhẹ. Tiếp đó, chị dùng chocolate ganache để chà láng tạo hình túi. Sau cùng là cán lớp đường fondant để phủ lên toàn bộ bề mặt bánh.
“Tất cả nguyên liệu đều ăn được và an toàn cho sức khỏe”, chị nói.
Chị Văn mất 6-8 tiếng để hoàn thành một chiếc bánh hình túi hiệu. |
Ngoài ra, chị Văn tham khảo mẫu túi thật cùng kích thước kèm theo để có thể mô phỏng chính xác nhất.
Mỗi chiếc bánh túi hiệu, chị Văn mất khoảng 6-8 tiếng mới hoàn thiện. Chị cho rằng quá trình làm lâu nhưng không phức tạp, sau 1-2 lần sẽ quen tay và nhanh hơn.
Hiện nay, theo chị Văn, rất ít người chỉ cách làm bánh túi hiệu ở Việt Nam. Bởi vậy, ngoài thỏa mãn đam mê của bản thân, chị cũng đưa vào chương trình giảng dạy cho những ai có cùng sở thích.
Với mức giá dao động 4-6 triệu đồng/chiếc, không nhiều khách hàng có nhu cầu đặt bánh hình túi hiệu. Chị Văn cho biết chỉ giới thượng lưu mới hỏi mua, chủ yếu để chụp hình sống ảo dịp sinh nhật hoặc làm quà tặng sang trọng. Do đó, đến nay, chị mới làm 3 mẫu như vậy.
Biến đam mê thành sự nghiệp
Trước khi tập trung theo đuổi đam mê làm bánh, chị Văn từng quản lý công ty gia đình. Sau 8 tiếng hoàn thành công việc chính, chị mới tranh thủ buổi tối cân đo, đong đếm bơ, đường, sữa, trứng.
Bắt đầu từ những chiếc bánh trung thu được mẹ “truyền nghề” tới các loại bánh quy đơn giản, bánh bông lan,... tình yêu với bánh trái của chị Văn lớn dần. Thời gian dành cho căn bếp của chị tăng lên, các dụng cụ làm bánh cũng xếp chật chỗ.
Ngoài gia đình, bạn bè và hàng xóm cũng đón nhận những chiếc bánh chị Văn làm ra khiến chị có suy nghĩ biến sở thích, đam mê thành công việc. Để phát triển tay nghề, chị tự học trên mạng và đăng ký các lớp học làm bánh.
Dù bắt đầu khá trễ so với nhiều người cùng ngành, chị Văn chăm chỉ học hỏi, tích lũy kiến thức, kỹ năng. Từ chỉ làm cho gia đình ăn, tặng bạn bè, chị có những đơn hàng đầu tiên nhờ giới thiệu.
Một số mẫu bánh độc đáo do chị Văn sáng tạo ra. |
Sau vài năm kinh doanh online, chị Văn mở lớp dạy làm bánh ngắn ngày. Một năm nay, chị bắt đầu thử sức với các lớp chuyên nghiệp dài ngày sau khi tự tin với vốn kinh nghiệm nhất định.
Hiện nay, chị Văn dành toàn thời gian cho việc giảng dạy, không còn trực tiếp quản lý công ty gia đình. Chị cũng thỉnh thoảng mới nhận làm bánh cho khách.
Từ khi mở lớp, khối lượng công việc trở nên nhiều, chị Văn luôn cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình. Hiểu đam mê của vợ, chồng chị luôn hỗ trợ và động viên chị phát triển con đường riêng.
Nhìn lại hơn 5 năm từ người mẹ bán bánh online trở thành cô giáo dạy làm bánh, chị Văn cho rằng nếu thật sự đam mê, thường xuyên tập luyện, không ngại khó khăn thì sẽ thành công.
“Đối với tôi, làm bánh là quá trình với rất nhiều câu chuyện, trải nghiệm, đủ để biến sở thích thành đam mê, có thể gắn bó và phát triển theo định hướng lâu dài. Hãy can đảm để biến ước mơ thành hiện thực”, chị chia sẻ.
Chi Văn biến đam mê thành sự nghiệp lâu dài. |