Trời mưa lớn nhưng cửa hàng bán bánh cá Taiyaki nghìn lớp trên đường Nguyễn Công Hoan (gần chân cầu sắt Trần Khánh Dư, quận Phú Nhuận) vẫn không ngớt khách. Vừa ăn thử bánh cá tại địa điểm này, bạn Minh Thu (quận 1) chia sẻ biết món này đã từ lâu, lúc xem các bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản nhưng nay mới được thưởng thức thấy lạ miệng, dễ ăn mà giá lại hợp lý.
“Bánh cá hot mấy bữa nay nên phải đi ăn thử. Bánh ngon mà không ngấy, vỏ giòn, nhân thơm và nhiều. Chưa kể giá cho một cái bánh cá ở đây lại quá rẻ”, bạn Nhật Minh (quận Phú Nhuận) cho hay.
Món bánh cá nghìn lớp nổi tiếng của Nhật Bản tại Sài Gòn. Ảnh: NVCC |
Địa điểm bán bánh cá nghìn lớp tại đường Nguyễn Công Hoan, quận Phú Nhuận mỗi ngày bán được hàng trăm chiếc bánh. Cao điểm, có ngày còn bán được từ 400 – 600 chiếc bánh cá Taiyaki.
Anh Trần Trung Hiếu, quản lý cửa hàng cho biết: “Dù mới mở cửa 2 tháng tại TP.HCM nhưng bánh cá nghìn lớp rất được giới trẻ yêu thích. Ngày thấp nhất quán mình cũng bán được hơn 100 cái bánh”.
Anh Hiếu cũng là một trong ba bạn trẻ nghĩ ra ý tưởng món bánh cá nghìn lớp này.
“Mình từng sống ở Nhật 5 năm nên biết món bánh cá tráp nướng Taiyaki là một trong năm món ăn vặt nổi tiếng nhất tại đất nước mặt trời mọc. Người Việt mình có lẽ đã quen thuộc với bột bánh đặc và xốp rồi, vì thế mình cùng người bạn từ thời học trung học cơ sở quyết định “khoác áo mới” cho bánh. Tên bánh cá Taiyaki nghìn lớp ra đời từ đó”, Hiếu chia sẻ.
Thay vì được làm từ bột mì đặc (truyền thống), vỏ bánh được thay bằng lớp vỏ croissant nghìn lớp (xuất xứ từ Pháp). Được làm bằng bột mì và bơ với tỉ lệ riêng nên vỏ bánh tạo thành nhiều lớp mỏng tang và xếp đều với nhau. Nhân bánh ban đầu chủ yếu là đậu đỏ ngọt bùi hay vị trà xanh hơi chát, sau được biến tấu với các loại nhân đa dạng hơn từ phô mai, gà cay hay cá ngừ... Được đổ từ khuôn hình cá nên bánh Taiyaki thường được gọi tắt là bánh cá.
Không chỉ bán bánh cá nghìn lớp, vỏ bánh còn được biến tấu với phong cách mới với nhân kem, tạo thành món kem cá mát lạnh. Giá những chiếc kem cá từ 28.000 – 30.000 đồng/chiếc, rẻ hơn bánh cá từ 3.000 đồng/chiếc. Nhờ biến tấu này mà món bánh cá này khá hút khách tại Sài Gòn.
Với giá từ 28.000 – 33.000 đồng/chiếc bánh cá, bánh của anh Hiếu nhỉnh hơn so với các cửa hàng kinh doanh khác Taiyaki truyền thống.
Anh lý giải chi phí giá vốn hàng hóa của sản phẩm không hề rẻ do nguồn gốc của bánh là chủ yếu nguyên liệu ngoại nhập. Do vậy, giá bán hiện tại là rất cạnh tranh.
Các bạn trẻ TP.HCM háo hức thưởng thức món bánh cá nổi tiếng của Nhật Bản. Ảnh: NVCC |
Không chỉ bánh cá nghìn lớp được săn đón, những cửa hàng bán bánh cá truyền thống kiểu Nhật cũng “thu bội” trong trào lưu này.
Vừa nhanh tay lật bánh, vừa nhận điện thoại khách đặt hàng, chị Kim Ánh (chủ cửa hàng bán bánh cá trên đường 3/2) chia sẻ: “Yêu thích bánh cá Taiyaki đã lâu nên mình học hỏi thêm trên mạng để làm bánh. Không ngờ là bánh bán rất hút khách. Quán mở vào tháng 3 nhưng được nửa tháng thì khách đã nườm nượp. Giờ cả gia đình đều phụ cửa hàng vì khách đến liên tục”.
Với giá 12.000 đồng cho một bánh thường và 20.000 đồng cho bánh thập cẩm, chị Ánh cho biết giá như vậy để dễ bán. Chưa kể vì chế biến theo phong cách bánh cá Taiyaki truyền thống nên nguyên liệu và giá thành rẻ hơn.
Bạn Thế Anh (quận 3) là khách hàng quen của quán, mỗi ngày đều ghé cửa hàng để đặt mua từ 7 chiếc bánh cá về cho cả nhà cùng ăn. Một trong những lý do bạn yêu thích bánh cá ở đây vì “vừa rẻ mà nhân lại thơm. Mang về nhà thì vẫn giữ được độ giòn, ngon”.
Quỳnh My (quận Bình Thạnh) lại cho biết: “Bánh cá truyền thống ăn hơi ngán do bột bánh hơi dày, ngọt. Nhưng giá bánh để ăn chơi thì hợp lý”.
Taiyaki là một loại bánh nướng truyền thống của Nhật Bản. Như cái tên, bánh có hình dạng 1 chú cá nhưng điều khiến loại bánh này trở nên cuốn hút hơn cả là lớp nhân bánh được làm đủ vị từ đậu đỏ Azuki ngọt bùi cho đến Custard béo ngậy. Đây là một trong top 5 những món ăn phổ biến tại các quán ăn vỉa hè của người Nhật. Thậm chí, còn trở thành một chủ đề cho một ca khúc nổi tiếng của thập niên 70 mang tên “Oyoge! Taiyaki-kun!”