Tháng 2/2008, hai nhân vật nổi tiếng trong thế giới bằng sáng chế, chuyên viên thực thi bằng sáng chế, John Amster, và luật sư nguyên đơn, Eran Zur, đến thăm Mallun Yen, người khi đó là Phó chủ tịch Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Toàn cầu (Worldwide Intellectual Property) tại Cisco, để đưa ra một đề xuất độc đáo.
Họ muốn từ bỏ việc thực thi bằng sáng chế chống lại các công ty như Cisco, một công việc kinh doanh nhiều lợi lộc, để tạo dựng doanh nghiệp thực sự giúp các công ty tránh được các bằng sáng chế có tính rủi ro ngay từ đầu.
Để thành công, công việc của họ đòi hỏi xây dựng mối quan hệ tin cậy với một số lượng lớn công ty kinh doanh (operating companies) và tạo ra một mạng lưới, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh “truyền kiếp”, những người sẽ cộng tác với nhau để đạt được những hiệu quả không thể nào đạt được nếu chỉ theo đuổi chúng đơn thương độc mã.
Hai người vừa thuyết trình được hai phút, Yen đã cắt lời và nói: “Đây là ý tưởng tuyệt vời, các bạn phải làm điều đó và Cisco sẽ là khách hàng đầu tiên của các bạn".
Lớn lên ở Thung lũng Silicon, Mallun Yen đã quen lắng nghe những ý tưởng mới và giúp nuôi dưỡng những cái có triển vọng. Đây chính là một trong số ý tưởng đó và cô đã thu xếp dành vài tháng tiếp theo để giúp Amster và Zur tinh chỉnh mô hình kinh doanh của cái sẽ được gọi là Công ty RPX có trụ sở đặt tại San Francisco ngày nay.
Và Cisco thực sự đã trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của họ. Ba năm sau đó, Mallun Yen gia nhập RPX.
Trong vòng chưa đầy bốn năm tồn tại, RPX đã có hơn 120 thành viên, bao gồm các công ty đổi mới sáng tạo và am hiểu bằng sáng chế (patent-savvy) như Google, IBM, Verizon, Microsoft, eBay và Oracle - những công ty này trả hàng triệu đôla mỗi năm cho phí đăng ký thường niên.
Điều này cho phép RPX sử dụng hiệu quả một khoản vốn gần 500 triệu đôla để đảm bảo quyền lợi cho gần 3.000 bằng sáng chế mà nó (RPX) sẽ không bao giờ thực thi, nhưng có thể bị những kẻ khác thực thi để chống lại các thành viên của nó.
Được hỗ trợ bởi những nhà đầu tư mạo hiểm có tiếng như John Doerr của Kleiner Perkins, thu nhập của RPX trong ba năm đầu tăng nhanh một cách phi thường, có thể nhiều hơn bất cứ công ty khởi nghiệp nào khác trong lịch sử, và đến tháng 5/2011, RPX trở thành công ty đại chúng với định giá gần 1 tỷ USD.
RPX sớm nhận ra bản chất thay đổi của bằng sáng chế, và tác động ngày càng tăng của chúng đối với các công ty kinh doanh, cũng như nhu cầu về một giải pháp phi truyền thống, chỉ dựa-trên-thị-trường.
Không một cuộc trò chuyện nào về đổi mới sáng tạo là đầy đủ nếu không có thảo luận về các bằng sáng chế, những thứ mà, tùy theo bạn đang nói chuyện với ai, có thể được xem là đồng nghĩa với đổi mới sáng tạo.
Apple và Samsung từng vướng vào vụ kiện kéo dài liên quan đến bằng sáng chế. Ảnh: WSJ. |
Mục đích ban đầu của hệ thống bằng sáng chế của Mỹ là tưởng thưởng cho các nhà phát minh bằng cách cho phép họ độc quyền một thời gian những phát minh của mình để tạo cho họ một khởi đầu thuận lợi trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Quyền này được cấp với dụng ý để sau đó những người khác sẽ cải tiến những phát minh này và phát triển những đổi mới sáng tạo tiếp theo, điều sẽ đem lại lợi ích cho toàn xã hội nói chung.
Nói cách khác, bằng sáng chế có thể được xem là một biểu hiện pháp lý của đổi mới sáng tạo, nhằm cả hai mục đích: thúc đẩy tạo ra các sản phẩm mới và cung cấp sự bảo hộ pháp lý cho những sản phẩm này trên thị trường.
Một lý do giải thích bản chất khó hiểu của bằng sáng chế là sự hoàn toàn thiếu minh bạch trong thị trường bằng sáng chế. Hầu hết giao dịch đều được bảo vệ bởi các điều khoản bảo mật nghiêm ngặt, và do đó, thị trường thiếu các công cụ cơ bản của nó: các sản phẩm có sẵn có để so sánh (readily available comparables), khả năng biết được các bằng sáng chế khác đã được đăng ký, các thông lệ định giá được chấp nhận rộng rãi... Vì thế, không ngạc nhiên khi các công ty công nghệ đòi hỏi phải cải cách và thay đổi hiện trạng (status quo).
Điều có lẽ quan trọng không kém là danh mục bằng sáng chế của một công ty có mục đích phục vụ cho việc duy trì một dạng cân bằng quyền lực về sở hữu trí tuệ. Một cách truyền thống, các công ty thường dự trữ các bằng sáng chế để dè chừng các công ty khác, không phải vì họ rất thường xuyên kiện tụng, mà vì họ muốn tìm kiếm một sự hòa hoãn (détente) trước nguy cơ “chắc chắn hủy diệt lẫn nhau” (“mutually assured destruction”) nếu phải tiến hành kiện tụng.
IBM, HP và Microsoft lần lượt có các danh mục bao gồm khoảng 70.000, 30.000 và 26.000 bằng sáng chế, trong khi những công ty tương đối “chân ướt, chân ráo” như Google, với số bằng sáng chế của họ đã tăng từ khoảng 701 lên đến hơn 25.000 với việc mua lại Motorola Mobility cũng như đang tiến hành những thương vụ mua lại lớn để bắt kịp các công ty khác.
Tuy nhiên, các công ty kinh doanh vẫn kiện tụng lẫn nhau để đòi quyền lợi về bằng sáng chế, lúc vì cạnh tranh, lúc chỉ để tạo doanh thu, thường xuyên nhưng không luôn luôn, khi hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp bắt đầu giảm sút hoặc sự tăng trưởng bắt đầu chậm lại.
Nhưng những loại tranh chấp này, đặc biệt trong những năm gần đây, xảy ra không thường xuyên (ví dụ, Apple, Samsung và kiện tụng liên quan đến Android) vì người ta luôn ngầm hiểu rằng, bất cứ vụ kiện nào đều sẽ được đáp trả bằng một vụ kiện ngược lại, và hầu hết công ty thích dàn xếp những bất đồng của họ ở hậu trường hơn: “Anh không muốn kiện tôi về những bằng sáng chế này đâu, vì tôi hầu như chắc chắn rằng chính anh cũng đang vi phạm một số bằng sáng chế trong danh mục của tôi”, Yen nói.
Tập hợp bằng sáng chế phòng vệ (defensive patent aggregation), một hiện tượng tương đối mới, là việc tập hợp các nguồn lực để chủ động mua các bằng sáng chế rủi ro trước khi chúng bị khẳng định bởi các cơ quan thực thi bằng sáng chế.
Bằng sáng chế ít liên quan đổi mới sáng tạo theo nghĩa truyền thống. Do cách thức phát triển của hệ thống bằng sáng chế và kiện tụng, cũng như cách các công nghệ hội tụ (converging technologies), các bằng sáng chế đem lại một rủi ro không đoán trước được, và một chi phí đắt đỏ cho phần lớn các công ty công nghệ, hơn là một phương tiện đo lường, hoặc một chỉ báo về đổi mới sáng tạo.
Hãy nghĩ xem có biết bao công nghệ được tích hợp trong một chiếc điện thoại thông minh có hỗ trợ WiFi - RPX ước tính có hơn 250.000 bằng sáng chế liên quan công nghệ điện thoại thông minh.