Nhưng các nhà khoa học vẫn rất lạc quan, hy vọng sẽ tìm thấy dấu hiệu của sự sống ở các hành tinh ngoài Trái Đất. Ảnh: Adobe. |
Theo nghiên cứu vừa được công bố trên The Astrophysical Letters, ngoại hành tinh GJ 1252b được phát hiện từ năm 2019 sẽ không thể có sự tồn tại của người ngoài hành tinh. Hành tinh này từng được xem là cơ hội cho việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất và là dữ liệu để phân tích các yếu tố cấu tạo nên sự sống trong dải Ngân hà.
Điều kiện khí hậu khắc nghiệt
Các ngoại hành tinh quay quanh sao lùn đỏ thường không có khí quyển. Đây là hệ sao phổ biến nhất trên vũ trụ. Do đó, Scitech Daily cho rằng phát hiện này sẽ là bước tiến lớn để tìm ra sự sống trên các hành tinh khác của các nhà khoa học.
Theo các nhà khoa học của Đại học California - Riverside, vũ trụ tồn tại rất nhiều hành tinh xoay quanh ngôi sao lùn đỏ. Chúng thường không có bầu khí quyển nên sẽ không thể có sự sống trên các hành tinh này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngoại hành tinh GJ 1252b được phát hiện từ năm 2019 sẽ không thể có sự tồn tại của người ngoài hành tinh.
Có kích thước gấp 1,2 lần và nặng gấp đôi Trái Đất, GJ 1252b có chu kỳ xoay quanh ngôi sao lùn đỏ tương đương với hành tinh của chúng ta.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa hành tinh này với sao lùn đỏ quá gần, gần hơn giữa Trái Đất với Mặt Trời nên nhiệt độ ở đây rất cao, khó có thể tồn tại sự sống. “Lượng bức xạ từ ngôi sao lùn đỏ rất lớn, đủ để thổi bay bầu khí quyển trên hành tinh này”, nhà vật lý thiên văn Michelle Hill của Đại học California - Riverside cho biết.
Lượng bức xạ khổng lồ mà GJ 1252b nhận được từ sao lùn đỏ có thể thổi bay toàn bộ khí quyển của hành tinh này. Ảnh: NASA. |
Với Trái Đất, hành tinh xanh của chúng ta cũng bị mất một phần khí quyển cho bức xạ từ Mặt Trời nhưng các vụ phun trào núi lửa và các chu trình carbon khác đã bù lại phần bị thất thoát. Trong trường hợp của GJ 1252b, với khoảng cách gần như vậy, hành tinh này không thể bù đắp lại lượng khí quyển đã mất.
Theo Scitech Daily, vấn đề này cũng tương tự với Thủy tinh. Bầu khí quyển trên hành tinh này rất mong manh, được hình thành từ gió Mặt Trời, bụi núi lửa và các mảnh vỡ thiên thạch cực nhỏ. Điều này khiến Thủy tinh không thể giữ lại nhiệt từ Mặt Trời, làm bề mặt hành tinh có sự chênh lệch rất cao.
Vẫn còn hy vọng về sự sống ngoài Trái Đất
Để chứng minh rằng GJ 1252b không có khí quyển, các nhà thiên văn học đã đo lượng tia hồng ngoại khi nguyệt thực bán phần xảy ra, chặn mọi tia sáng đến từ hành tinh này. Số bức xạ thu được cho thấy GJ 1252b sẽ đạt 1.228 độ C vào ban ngày.
Nhiệt độ này có thể làm tan chảy toàn bộ vật chất từ vàng, bạc hay đồng có trên hành tinh. Lượng nhiệt khổng lồ này cùng với áp suất thấp chính là bằng chứng rõ ràng nhất để kết luận rằng hành tinh này không có khí quyển.
Bên cạnh đó, với một lượng lớn CO2 vốn có nhiệm vụ ngăn không để nhiệt lượng thoát ra ngoài không gian, các nhà khoa học cho rằng GJ 1252b cũng không thể giữ lại khí quyển cho hành tinh của mình.
“Hành tinh này có lượng CO2 lớn hơn Trái Đất 700 lần và vẫn chưa có khí quyển. Tuy nhiên, rất có thể một lớp khí quyển mỏng đã được hình thành nhưng sau đó đã bị thổi bay và biến mất nhanh chóng”, nhà vật lý thiên văn Stephen Kane của Đại học California - Riverside nói.
Trong 5.000 ngoại hành tinh, sao lùn đỏ chiếm đa số. Ảnh: NASA. |
Theo Scitech Daily, sao lùn đỏ thường có nhiều tia lửa và hoạt động hơn Mặt Trời nên các hành tinh lân cận cũng sẽ khó giữ khí quyển hơn. “Điều kiện khí hậu khắc nghiệt của GJ 1252b cho thấy có thể những hành tinh khác cũng phải chịu hoàn cảnh tương tự”, Hill cho biết.
Song, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng đây không phải là dấu hiệu tuyệt vọng trong việc tìm kiếm sự sống bên ngoài Trái Đất. “Nếu một hành tinh cách sao lùn đỏ đủ xa, rất có thể nó vẫn sẽ có khí quyển”, nhà vật lý thiên văn Michelle Hill chia sẻ. Theo chuyên gia, chúng ta không nên quá bi quan mà kết luận rằng tất cả ngoại hành tinh đất đá đều có kết cục “bi thảm” giống Thủy tinh.