Trong tiểu thuyết Để em khỏi lạc trong khu phố, Patrick Modiano viết: “Nhưng mùa hè, mọi thứ đều lơ lửng - một mùa “siêu hình”.
Sự hư ảo của quá khứ vốn là điều vẫn luôn hiện diện trong văn chương của Modiano, nhưng đến Từ thăm thẳm lãng quên thì trở nên mãnh liệt vô cùng. Các nhân vật đều đi lại trong một vùng không gian siêu thực của Paris mùa hè.
Mùa hè thừa nắng. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Những tưởng là rất thực ấy, nhưng lại bảng lảng giữa những cao xanh nhễ nhại của những buổi trưa hè. Những buổi trưa hè dễ sa chân vào từng cơn mộng du, bước đi bước lại giữa Paris, London, hay hôm nay, hôm qua mà miên viễn tưởng tượng trong vô vàn ảo ảnh phản chiếu của tâm trí.
Từ “mùa hè siêu thực” có lẽ Modiano mượn từ Người xa lạ của Albert Camus. Bởi trong mùa hè, dưới cái nắng của nước Pháp thuở ấy, chàng trai Meursault đã giết người mà thậm chí chẳng nhận ra là mình vừa giết người. Đó là hành động trong cơn lóa mắt của mùa hè hay mộng du của tâm trí?
Với tôi, mùa hè thật đúng là mùa của những cơn mộng du. Tôi nhớ một người bạn từng bảo, mỗi khi tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa mùa hè, nhễ nhại trong căn gác trọ, đều có cảm giác chán.
Nắng hè đem về những cơn mộng du thật kỳ quặc. Dĩ nhiên, bạn tôi không rời khỏi cõi tạm này. Cậu đem hết những cơn mộng của mình viết thành thơ, tặng cho người yêu.
Họ không còn bên nhau nữa, nhưng tôi biết cô ấy vẫn còn giữ những bài thơ ấy. Đôi lúc, qua mạng xã hội, tôi thấy những ngày hè nóng bức, cô lại đăng những bài thơ.
Thật là giữa băn khoăn nhịp đời hiện tại, đôi khi giữa trưa hè chang chang nắng, ta vẫn mộng du về thời quá vãng.
Mùa hè, tháng sáu ở xứ nhiệt đời này, hoang hoải nắng, đầy nỗi u buồn. Thế nên, mùa hè nơi đây mới khắc sâu trong tâm tư Duras đến thế, khiến bà xa rồi vẫn da diết viết nên Người tình, dày vò, gợi cảm và nhễ nhại đến vậy.
Đọc Người tình trên một chuyến tàu chạy vào Nam, bên ngoài là dòng sông nắng, tôi cứ tự hỏi, Duras đã gói ghém ký ức bằng cách nào, phải bao nhiêu lần “du hành” trong miền ký ức ấy để viết nên những dòng chữ này.
Cái không gian choáng đầy ánh nắng, bức bí và chết chóc ấy lại có thể nảy nở một tình yêu. Tình yêu càng cuồng điên, càng mãnh liệt thì dòng sông Mê Kông càng cuộn sóng. Cô trở về Pháp. Có lẽ đó là sự giải thoát cho cô suốt những năm tháng tuổi trẻ bị vùi dập trong những ám ảnh.
Nhưng hóa ra, cuối cùng của tất cả, cái tình yêu đau đớn tuyêt vọng, trên cái mảnh đất thuộc địa ngàn ngạt khói buồn thê lương ấy lại chính là tình yêu theo đuổi anh và cô đến trọn cuộc đời.
Mùa hè trong tôi là những ngày nắng đến siêu thực như thế. Những mối tình của mùa hè, tạo nên cảm giác sống động về nỗi ly biệt.
Đỗ Bảo viết Bài ca tháng sáu: “Tháng sáu nóng như đổ lửa, nên chúng mình chẳng ai nói gì”.
Bản tình ca nào cho mùa hè, bản tình ca nào cất lên, để yêu thương có thể tưới đẫm những ngày nắng hè. Để tình yêu tràn trong thực tại chứ không phải khiến ta ngất ngưởng mộng mị trong quá khứ.
Lúc tình cờ nghe bài hát này, tôi nhớ đến Lưu Quang Vũ. Vũ từng viết: “Dành cho em, im lặng của mùa hè”.
Im lặng mà Vũ gợi lên thật dễ chịu. Nếu tôi muốn có thể dịu lòng lại, không khắc khoải bởi những trưa hè nắng như đổ lửa, tôi sẽ đem bài thơ của Vũ ra đọc.
Tôi đọc cho tôi, an ủi tâm tư, tưới đẫm tâm tư mình bằng những vần thơ êm đềm, dịu dàng ấy.
Mối tình cảm ở Dành cho em hiện hữu ngay trong giây khắc này, không mộng mị, không hư cấu quá khứ. Mùa hè đột ngột đổ tràn lên tâm trí cảm giác của tình yêu nảy nở, lặng thầm và da diết.
Ấy thế nên dẫu trong mùa hè nắng đến siêu thực này, khi mọi cảm giác đều hư hư thực thực, tôi có thể nằm ra sàn nhà, bên cạnh chiếc quạt máy phành phạch, đọc mấy vần thơ nhỏ. Thế cũng là giây phút thơ mộng lắm - an ủi cả một mùa hè.