Áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán đang ngày càng lan rộng. VN-Index sau khi đánh mất các vùng hỗ trợ trong buổi sáng thì tiếp tục rơi sâu hơn về phiên chiều.
-
Chỉ số đại diện sàn HoSE có lúc đã rơi hơn 30 điểm
Chỉ số đại diện sàn HoSE có lúc đã rơi hơn 30 điểm nhưng hồi phục nhẹ. Vào lúc 13h30, VN-Index giao dịch quanh mốc 1.430 điểm (tức giảm hơn 28 điểm hay -1,92%), mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021 đến nay.
Tương tự trên các sàn tại Hà Nội, HNX-Index lao dốc gần 14 điểm (-3,35%) về dưới 403 điểm hay như UPCoM-Index cũng rơi 2,36% để tuột mất mốc 110 điểm.
Toàn thị trường phủ bóng tiêu cực khi có tổng cộng 838 mã giảm giá, trong đó có 113 mã giảm kịch sàn. Ngược lại chỉ có 196 mã tăng điểm, chủ yếu thuộc nhóm thủy sản, dệt may, công nghệ.
-
Hơn 700 mã chứng khoán chìm trong sắc đỏ
Tâm lý tiêu cực nối tiếp từ đợt giảm điểm tuần trước khiến thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc khi mở cửa phiên 18/4. Chỉ số chính mở cửa ngay lập tức chìm trong sắc đỏ và càng lùi sâu hơn về cuối buổi sáng.
Tạm dừng trước giờ trưa, VN- Index bốc hơi thêm 22,94 điểm (-1,57%) về mốc 1.435,62 điểm. Trong khi đó chỉ số HNX-Index cũng lao dốc 10,99 điểm (-2,64%) về 405,72 điểm và UPCoM-Index mất 1,73% xuống 110,42 điểm.
Tâm lý bi quan bao phủ toàn thị trường, sàn chứng khoán ghi nhận đến 776 mã giảm giá (trong đó có 75 mã giảm sàn). Ngược lại chỉ có 221 mã tăng giá.
Chỉ số đại diện sàn HoSE tiếp tục lao dốc trong buổi sáng 18/4. Đồ thị: TradingView.
-
Cổ phiếu nhóm VN30 lao dốc
Nhóm vốn hóa lớn diễn biến tiêu cực với sự lao dốc của nhóm VN30, chỉ số mất hơn 26 điểm (-1,74%) với 21/30 mã giảm giá. Trong đó bộ đôi VHM của Vinhomes và VIC của Vingroup diễn biến rất tiêu cực với mức giảm lần lượt 4% và 2%, hay như SSI cũng ngấp nghé giá sàn.
Trước đó vào sáng 18/4, rổ VN30 lao dốc 17,63 điểm (-1,18%) với 16/30 mã giảm giá. Ảnh hưởng tiêu cực nhất là bộ đôi VHM của Vinhomes và VIC của Vingroup lần lượt giảm giá 3,7% và 2,5%. Tiếp đến là các mã ngân hàng cũng giảm sâu như BID, VPB, VCB, CTG...
-
Cổ phiếu đầu cơ đã nằm sàn hàng loạt
Trong đó toàn bộ cổ phiếu có thanh khoản liên quan đến FLC Group đang chất sàn hơn 23 triệu đơn vị. Tương tự khi nhà đầu tư cũng đang tranh bán sàn cổ phiếu họ Louis, Apec, DNP Corp, Gelex…
Cổ phiếu họ Louis cũng lao dốc về giá sàn tại các mã TGG, BII, APG, SMT, LDP, AGM. Cổ phiếu họ Apec và DNP Corp cũng ngấp nghé tại giá sàn. Cổ phiếu họ Licogi hay Gelex cũng giảm phổ biến quanh mức hơn 5%.
-
Chứng khoán bị bán tháo liên tiếp từ đầu tháng 4
Diễn biến bán tháo đã diễn ra liên tiếp kể từ đầu tháng 4 khi các thông tin tiêu cực về vụ bắt tạm giam Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết về hành vi thao túng chứng khoán và Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng về những ồn ào liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cũng dần chán nản khi cổ phiếu liên tục dò đáy và tâm lý bi quan khi các tin đồn bất lợi về doanh nghiệp liên tiếp xuất hiện. Một số nhà đầu tư đã bắt đầu lo lắng về hoạt động bán giải chấp có thể xuất hiện dây chuyền nếu đà giảm còn tiếp diễn.
-
Cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng rơi tự do
Cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng rơi tự do khi hàng loạt mã bị bán hết biên độ như HBC, CTD, HQC, LCG, FCN, NVT, QCG… Bên cạnh đó nhóm tài chính, năng lượng hay nguyên vật liệu cũng giảm trung bình quanh 2%.
Một số mã giảm mạnh và các nhóm giảm sâu nhất. Nguồn: VNDirect.
-
Điểm sáng từ nhóm cổ phiếu công nghệ
Điểm sáng nhất trong thị trường đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ khi tăng giá bình quân hơn 2%, trong đó đáng kể là FPT tăng hơn 1,7% lên 117.000 đồng, CMG tăng 1,6% lên 70.000 đông hay ELC dư mua trần tại 29.400 đồng.
Ngoài ra cổ phiếu thủy sản cũng bứt phá mạnh mẽ khi có ANV, ACL và AAM tăng hết biên độ trong sắc tím. Bên cạnh IDI tăng hơn 6% hay CMX tăng 5%, mã đầu ngành cá tra là VHC cũng tăng hơn 1%.
Một số mã chứng khoán nhóm cổ phiếu công nghệ. Nguồn: VNDirect.
-
VN-Index lùi về ngang mốc tháng 10/2021
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 25,96 điểm (-1,78%) về mốc 1.432 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 28/10/2021 đến nay. Còn nếu so với vùng đỉnh hồi đầu năm thì chỉ số đã bốc hơi gần 96 điểm (tức giảm gần 6,3% vốn hóa.
Nhóm cổ phiếu trụ, đặc biệt là khối ngân hàng và Vingroup, có tác động rất xấu lên chỉ số đại diện sàn HoSE. Trong đó VCB lao dốc 3,1% về 77.700 đồng là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất; tiếp đến là CTG, VPB hay HPG.
Ngược lại một số cổ phiếu lớn vẫn ghi nhận đà tăng tích cực có thể kể đến GVR của Tập đoàn Cao su tăng 2,2% đạt 36.800 đồng. Các công ty dịch vụ hàng hóa như PNJ, Vinamilk, Sabeco, DIgiworld cũng ghi nhận cổ phiếu tăng giá trong hôm nay.
-
Diễn biến bán tháo liên tục cũng xuất hiện tại các sàn tại Hà Nội
Trong đó HNX-Index lao dốc 13,59 điểm (-3,26%) về 403,12 điểm và UPCoM-Index rơi 1,91% về 110,21 điểm. Toàn thị trường chìm trong sắc đỏ khi có đến 822 mã giảm giá (trong đó có 149 mã giảm kịch sàn). Ngược lại thị trường chỉ có 251 mã tăng giá và 103 mã đứng tại mức tham chiếu.
-
Áp lực bán trên diện rộng đã đẩy giá trị giao dịch lên mức cao
Tổng giá trị giao dịch trên toàn sàn quay về mức trên 30.000 tỷ đồng (trong đó riêng sàn HoSE chiếm trên 26.000 tỷ đồng). Các nhóm ngành được giao dịch nhộn nhịp nhất là tài chính ngân hàng, công nghiệp và bất động sản.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giao dịch khá cân bằng khi mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1.441 tỷ và bán ra 1.435 tỷ, tương đương mua ròng nhẹ 6 tỷ đồng trên sàn HoSE. Các mã bị xả mạnh nhất là HPG (-107 tỷ), BVH (-103 tỷ) hay CTG (-62 tỷ), ngược lại mua ròng mạnh GEX (81 tỷ) và DXG (66 tỷ).