Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bán thận để mua hộ khẩu cho con

Liu Fei, một công nhân kho hàng ở Bắc Kinh Trung Quốc bị phạt khoản tiền 330.000 nhân dân tệ (54.200 USD), gấp 14 lần tổng tiền lương hàng năm của cô vì sinh con thứ 2.

Nếu không kham nổi số tiền nộp phạt, điều đó có nghĩa con của cô sẽ không được nhập hộ khẩu và mất những quyền cơ bản về giáo dục và y tế.

“Khi nhìn vào bảng tiền nộp phạt, tôi không thể tin đó là sự thật. Nếu biết trước, tôi đã không sinh con”, Liu Fei cho biết. Lực bất tòng tâm, Liu Fei đã phải tuyệt vọng nghĩ đến giải pháp bán thận để lấy tiền “mua” hộ khẩu cho con. Đau lòng hơn, cậu con trai 8 tuổi của cô cũng tình nguyện bán thận để giúp mẹ.

Tuy nhiên, những người mua thận trên các diễn đàn đều chê thận của Liu Fei đã quá “lớn tuổi” vì năm nay cô đã 41 tuổi. Thế “tiến thoái lưỡng nan” của người phụ nữ này đã “châm ngòi” cho một cuộc đấu tranh chống lại chính sách nhập hộ khẩu hiện nay của Trung Quốc. Vụ việc sẽ được xử vào ngày mai, 6/12, trong một phiên tòa ở Bắc Kinh.

Nếu bố mẹ không có tiền nộp phạt, con cái của họ sẽ chẳng khác nào "con mèo, con chó nuôi trong nhà". Ảnh: First Post Word.

Thông cảm với hoàn cảnh của người phụ nữ này, mới đây, một nhóm 10 luật sư và học giả đã gửi thư đến các cơ quan Chính phủ Trung Quốc, trong đó có Quốc vụ viện, Hội đồng chính phủ và Bộ Công an thúc giục họ xem xét bỏ quy định nộp phạt trước khi cấp “hộ khẩu”.

“Nếu không có hộ khẩu, bạn không thể đi học, không thể gia nhập quân đội, tham gia các kỳ thi, thậm chí kết hôn hay mở tài khoản tại ngân hàng. Bạn sẽ giống như một con chó con, mèo con nuôi trong nhà”, Huang Yizhi, luật sư của Liu cho biết. “Thứ giấy tờ đó liên quan đến quyền cơ bản nhất của con người, nhưng do Liu không thể chi trả tiền nộp phạt nên con của cô ấy không được cấp loại giấy tờ này. Tôi nghĩ rằng điều này là bất hợp lý và bất hợp pháp”, vị luật sư này cho biết thêm.

Cô Liu Fei không phải trường hợp duy nhất ở Trung Quốc. Trước đây, truyền thông nước này cũng đưa tin về nhiều vụ phá thai hoặc cưỡng bức triệt sản. Hiện khoảng 13 triệu trẻ em ở Trung Quốc không được “pháp luật công nhân”, và bị gọi là “con đen”. Mới đây, hồi đầu tháng 7, một cô gái 16 tuổi ở nước này cũng chỉ được ghi tên vào hộ khẩu sau khi cô định tự tử bằng thuốc độc.

Khoản nộp phạt này được gọi là “phí hỗ trợ xã hội”. Tuy nhiên, làn sóng phản đối của người dân Trung Quốc đang lên cao liên quan tới tính minh bạch của việc sử dụng nguồn quỹ này. Năm 2012, lượng tiền mà cha mẹ nộp phạt để “mua hộ khẩu” cho con họ lên tới 16,5 tỷ nhân dân tệ, Wu Youshui, một luật sư cho biết.

Thanh Hương

Bạn có thể quan tâm