Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bàn tay sờ mó' trên tàu điện ám ảnh phụ nữ thành thị Trung Quốc

Tấn công tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng là một vấn nạn đã kéo dài tại Trung Quốc, trong khi chính sách đối phó của nhà chức trách tỏ ra không hiệu quả.

Wanda lần đầu bị tấn công tình dục trên một chuyến xe buýt ở Bắc Kinh, khi cô còn là sinh viên. Mười năm trôi qua, Wanda đã ở tuổi 31, nhưng vẫn nhớ từng chi tiết và bị ký ức ghê sợ đó ám ảnh.

Đó là một ngày mùa hè, Wanda đang trên đường tới trường. Chuyến xe buýt hôm đó không thực sự quá đông, nhưng một người đàn ông ngoài 40 tiến một mạch tới và đứng gần một cách khó hiểu cạnh Wanda.

Gã đàn ông sau đó ép sát người vào cô gái và bắt đầu có hành vi bệnh hoạn. Cô nữ sinh cứng người vì bất ngờ, hoảng sợ trước hành động của gã đàn ông và không biết phải phản ứng như thế nào.

Nhưng lúc đó, chiếc xe bus rẽ đột ngột, khiến gã đàn ông ngã sang một bên. Wanda vội vàng di chuyển tới một vị trí khác. "Trong một khoảng thời gian sau này, tôi luôn nhìn những người đàn ông trưởng thành với sự nghi ngờ", Wanda nói.

Cô gái cho biết sau lần đầu tiên ấy, cô còn vài lần bị đụng chạm ở nơi công cộng. Lần gần nhất là vào năm 2018, Wanda đã phải dùng ví của mình để ngăn một gã đàn ông khác có ý định chạm vào chân cô trên tàu điện.

tan cong tinh duc tau dien Trung Quoc anh 1
Cảnh chen chúc tại các ga tàu điện ngầm trong giờ cao điểm. Ảnh: South China Morning Post.

Vấn nạn chưa có lời giải

Những gì Wanda trải qua là một tình trạng phổ biến và đã kéo dài, tuy nhiên các nỗ lực để giải quyết vấn nạn tấn công tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng ở Trung Quốc đang không mang lại hiệu quả. 

Tại hai thành phố lớn của Trung Quốc là Thâm Quyến và Quảng Châu, đều tại tỉnh Quảng Đông, chính quyền đã ra mắt toa chở khách dành riêng cho phụ nữ. Lần đầu tiên đưa vào vận hành năm 2017, các toa này được lắp tại hai đầu của các đoàn tàu, được sử dụng trong giờ cao điểm.

Những toa tàu này được trang trí ký hiệu màu hồng, với thông báo bằng tiếng Anh và tiếng Trung có nội dung "toa ưu tiên cho phụ nữ". Dù đàn ông không bị cấm sử dụng những toa này, họ được khuyến nghị nhường chỗ trên các toa này cho phụ nữ.

Nhà chức trách không nêu rõ việc đưa những tòa tàu ưu tiên vào vận hành nhằm ngăn chặn nạn tấn công tình dục. Thông báo chính thức từ chính quyền Quảng Châu và Thâm Quyến cho biết động thái trên nhằm "mang lại sự chăm sóc và tôn trọng đối với nữ giới". 

Tại Thâm Quyến, nhà chức trách đang xem xét điều chỉnh quy định đối với các toa ưu tiên. Theo đó, đối tượng được ưu tiên sử dụng có thể được mở rộng sang người khuyết tật và trẻ nhỏ, và chỉ áp dụng trong giờ cao điểm. Những người không thuộc đối tượng ưu tiên sẽ bị yêu cầu rời khỏi toa tàu.

Tuy nhiên, trên thực tế, những hạn chế áp dụng cho toa tàu ưu tiên hiếm khi được tôn trọng, và nam giới vẫn sử dụng những toa này như chẳng hề có quy định gì. Một số người vận động nữ quyền thì phàn nàn cho rằng việc sử dụng các toa tàu ưu tiên tạo ra sự phân biệt, thay vì giải quyết rốt ráo nguyên nhân của vấn đề.

tan cong tinh duc tau dien Trung Quoc anh 2
Số nam giới sử dụng tọa tàu ưu tiên cho phụ nữ đôi khi đông hơn nữ giới. Ảnh: South China Morning Post.

Một trong những lý do khiến toa tàu ưu tiên thất bại đó là bởi lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng quá lớn. Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, khoảng 5 triệu hành khách sử dụng tàu điện ngầm ở Thâm Quyến mỗi ngày. Con số này tại Quảng Châu thậm chí cao hơn, khoảng 8 triệu người.

Các nhân viên công lực cũng gặp khó khăn để thực thi các quy định đối với toa tàu ưu tiên. "Khi lần đầu đưa vào vận hành, các nhân viên tàu điện ngầm rất cố gắng để chỉ cho phép phụ nữ sử dụng các toa tàu ưu tiên, vì vậy nhiều phụ nữ đã lên những toa này", Zhang Ying, một cư dân Quảng Châu cho biết.

Tuy nhiên, qua một thời gian, sự nhiệt tình cũng biến mất. Giờ đây, những toa tàu ưu tiên cũng không khác gì bất cứ toa tàu nào đối với phần lớn người sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Zhang cho biết cô hiếm khi sử dụng các toa tàu ưu tiên bởi sự bất tiện do phải đi bộ tới đầu hoặc cuối của đoàn tàu.

Yêu cầu thay đổi chính sách

Việc sử dụng toa tàu ưu tiên thực tế không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Các nhà hoạt động nữ quyền phản đối kế hoạch sử dụng toa tàu ưu tiên ngay từ đầu.

"Lý lẽ của kế hoạch này đã có vấn đề ngay từ khi bắt đầu. Khi nhận thấy những nguy hiểm mà phụ nữ gặp phải tại nơi công cộng, phụ nữ yêu cầu được đi lại thuận tiện ở mọi nơi, nhưng chính phủ lại chỉ muốn vẽ ra một góc nhỏ và đặt chúng tôi vào đó, có nghĩa là họ vẫn sẽ bỏ mặc phụ nữ ở những nơi khác", Xiao Meili, một nhà hoạt động tại Quảng Châu, cho biết.

Xiao cho rằng kế hoạch của chính quyền Quảng Châu và Thâm Quyến, dù có vẻ như thân thiện và giúp cho phụ nữ, đã giới hạn không gian của nữ giới. "Những kẻ tấn công tình dục và cưỡng bức phần lớn là nam giới, vậy chẳng phải sẽ có hiệu quả hơn nếu đưa những kẻ tấn công đó vào một không gian giới hạn hay sao?", Xiao nhận xét.

Điều tra của một nhóm nữ quyền ở Thâm Quyến vào cuối năm 2017 cho biết 33,9% người được hỏi xác nhận từng bị tấn công tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng. Đối với nữ giới, 42% người trả lời phỏng vấn cho biết từng là nạn nhân, so với 6% đối với nam giới.

Phần lớn người trả lời phỏng vấn cảm thấy không hài lòng với phản ứng của cảnh sát, trong khi 64,9% người được hỏi cho rằng cảnh sát là người phải chịu trách nhiệm chính trong giải quyết nạn tấn công tình dục nơi công cộng.

tan cong tinh duc tau dien Trung Quoc anh 3
Biển thông báo "Toa tàu ưu tiên cho phụ nữ". Ảnh: South China Morning Post.

Trong 2 năm qua, Xiao và nhóm vận động của cô này đã đặt những bảng quảng cáo chống tấn công tình dục tại hệ thống tàu điện ngầm ở Quảng Châu và Thâm Quyến. Tuy nhiên, nhà chức trách hai thành phố đều can thiệp yêu cầu dỡ bỏ, với lý do những quảng cáo như vậy sẽ "gây hoảng loạn cho công chúng".

Mặc dù vậy, nhóm của Xiao đã thành công trong việc đặt quảng cáo chống tấn công tình dục tại một số hệ thống tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô.

Tại Thành Đô, một biển quảng cáo với nội dung "Không chào đón những bàn tay sờ mó" được nhân viên nhà ga lắp đặt. Biển quảng cáo có nội dung "Cất tiếng nói chống tấn công tình dục" được treo tại thủ đô Bắc Kinh.

Xiao cho biết cô hạnh phúc khi nhìn thấy những thay đổi, tuy nhiên cho rằng cố gắng cập nhật quy định về toa tàu ưu tiên ở Thâm Quyến là một ví dụ của cái mà cô gọi là "chính trị lười biếng".

Nhà hoạt động cho rằng những miếng dán cửa sổ màu hồng trên các toa tàu là không đủ để giải quyết vấn đề, và nhà chức trách cần nghĩ về một cơ chế thực sự hiệu quả để chấm dứt tình trạng tấn công tình dục, cũng như xử lý nghiêm khắc những kẻ bệnh hoạn khi chúng bị bắt.

"Phụ nữ không đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt bởi họ mềm mại và yếu đuối, phụ nữ muốn sự an toàn họ xứng đáng được hưởng và quyền đi lại thuận lợi", Xiao cho biết.

Chia tay vì bạn trai cấm mặc áo 2 dây và nỗi khổ ăn mặc của phụ nữ TQ

Vài tuần trước, Li Xiang, đăng ảnh lên WeChat bên cạnh cửa phòng ngủ, mặc áo hai dây và quần short ngắn. Nhưng bức ảnh lại khiến cô và bạn trai cãi nhau rồi chia tay.

Tỷ phú Trung Quốc chính thức bị truy tố vì tội ấu dâm

Các công tố viên ở Thượng Hải hôm 10/7 chính thức truy tố tỷ phú Trung Quốc Wang Zhenhua với tội lạm dụng tình dục trẻ em.





Duy Anh

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm