Các đơn vị truyền hình tại nhiều quốc gia thường xuyên rơi vào cuộc chiến bản quyền truyền hình mỗi mùa World Cup. Có nơi đây là cuộc chiến giữa các hãng truyền hình, cũng có nơi đây lại là cuộc chiến giữa nhóm doanh nghiệp và đơn vị nắm bản quyền.
Tăng giá gấp 2-4 lần so với năm 2014
Mùa World Cup 2018, liên minh 9 doanh nghiệp Thái Lan, trong đó có những doanh nghiệp không hề liên quan đến truyền hình, đã cùng góp một khoản trị giá 44 triệu USD để mang 64 trận đấu của giải bóng đá lớn nhất hành tinh đến với người xem truyền hình Thái một cách hoàn toàn miễn phí.
Bản quyền truyền hình World Cup đang ngày càng trở nên đắt đỏ. Ảnh: Getty. |
Con số 40 triệu USD bản quyền truyền hình của mùa World Cup 2018 đã gấp đôi so với mức 20 triệu USD mà người Thái bỏ ra trong kỳ World Cup 4 năm trước đó để mua bản quyền.
Tính trên đầu người, giá bản quyền World Cup tính trên tổng dân số Thái Lan là khoảng 0,3 USD/người vào năm 2014 và tăng lên mức 0,64 USD/người năm 2018.
Tại Singapore, không được xem miễn phí như người Thái, tuy nhiên khán giả xem truyền hình nước này vẫn có thể thở phào vì gói xem World Cup 2018 sẽ không tăng giá, giữ ở mức 112 SGD, dù tiền bản quyền truyền hình đã tăng gần gấp đôi.
Cụ thể, năm 2014, các nhà đài của Singapore đã chi khoảng 15 triệu USD để mang giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh về kinh doanh. Con số này năm nay đã lên tới 25 triệu USD.
Sau khi con số này được tiết lộ, nhiều chuyên gia nhận định giá của gói xem World Cup 2018 nhiều khả năng sẽ tăng. Tuy nhiên các nhà đài Singapore đã bất ngờ giữ nguyên giá cước cho gói xem này, bên cạnh 8 trận cầu quan trọng được phát miễn phí, tăng 3 trận so với mùa 2014.
Đây cũng là lần đầu tiên ba đơn vị là Singtel, StarHub và Mediacorp cùng chung tay để mang bản quyền truyền hình World Cup về Singapore. Nếu tính trên dân số, giá bản quyền World Cup năm 2014 tại Singapore là 2,7 USD/người và năm 2018 là 4,5 USD/người, cao gấp nhiều lần so với Thái Lan.
So với mùa giải 4 năm trước, bản quyền truyền hình World Cup năm nay thậm chí còn tăng giá gấp 4 lần tại Mỹ. So với con số 50 triệu USD mà ESPN bỏ ra cho mùa 2014, Fox đã mạnh tay chi 200 triệu USD để độc quyền khai thác giải bóng đá này trên truyền hình Mỹ mùa 2018.
Tuy nhiên tính bình quân đầu người, giá bản quyền World Cup tại Mỹ chỉ ngang giá Thái Lan, ở mức 0,15 USD vào năm 2014 và tăng lên 0,6 USD vào năm 2018.
Nếu so với các quốc gia trên, giá bản quyền truyền hình World Cup tại Việt Nam năm 2014 là rất rẻ. VTV đã có được bản quyền năm 2014 với mức giá 7 triệu USD và nếu tính trên đầu người, giá bản quyền mà Việt Nam mua được ở mức 0,07 USD/người.
Doanh nghiệp tìm cách thu hồi vốn
Với cái giá đắt đỏ bỏ ra để có được bản quyền truyền hình, các doanh nghiệp mua bản quyền sẽ buộc phải tìm giải pháp thương mại để thu hồi vốn.
Tại Anh, dù mức giá bản quyền chi tiết không được tiết lộ, nhiều nguồn tin đều nhận định mức giá mà BCC và ITV bỏ ra là không hề rẻ.
Để thu hồi vốn, ngoài thu tiền từ người xem, ITV và BCC sẽ thu mạnh qua quảng cáo. Một mẩu quảng cáo 30s chiếu trong một trận đấu quan trọng có giá lên tới hơn 400.000 USD trên sóng của ITV.
Theo một hãng quảng cáo tại Anh, giá một mẩu quảng cáo 30s giữa hai hiệp đấu trong các trận Anh gặp Uruguay hay Anh gặp Costa Rica có thể lên đến 450.000 USD và dự báo sẽ tăng thêm 20% trong các trận thuộc vòng knockout nếu tuyển Anh vào sâu.
Giá thành bản quyền đắt đỏ cùng tính cạnh tranh cao để giành mua đã khiến Optus phải thương mại hóa tối đa gói truyền hình World Cup. Khán giả Australia có thể xem miễn phí 25 trận đấu của giải trên sóng của SBS. Thế nhưng để thưởng thức trọn vẹn 65 trận cầu, họ sẽ phải đăng ký dịch vụ của Optus với giá 14,95 AUD một tháng.
Năm 2011, FIFA tuyên bố lượng tiền thu về từ bản quyền truyền hình World Cup 2018 và 2022 đã lên tới con số 1,85 tỷ USD . Ảnh: FIFA. |
Khán giả tại UAE cũng là những người cảm nhận rõ nhất sự đắt đỏ của các gói bản quyền World Cup 2018 khi gói xem rẻ nhất tại đây cũng đã lên giá tới 120 USD, tăng 50% so với kỳ World Cup 4 năm trước.
Chuyên gia truyền thông, TS. Sam Duncan cho hay người hâm mộ có quyền bực bội vì cách mà bản quyền truyền hình World Cup ngày nay vận hành.
"Tôi nghĩ rằng người hâm mộ thể thao đều đã quen với việc xem miễn phí các giải đấu và họ có quyền bực bội khi các giải thể thao ngày càng đắt đỏ hơn để xem", TS. Duncan chia sẻ.
"Trong một thị trường thể thao ngày càng cạnh tranh và cần ngày càng nhiều tiền, đây là điều dễ hiểu, nhưng không hề dễ chấp nhận. Người xem đang ngày càng phải chi trả nhiều hơn cho những nội dung thể thao mà trước đây là miễn phí", ông nói thêm.
Ngay từ năm 2011, FIFA tuyên bố lượng tiền thu về từ bản quyền truyền hình World Cup 2018 và 2022 đã lên tới con số khổng lồ 1,85 tỷ USD. Tới nay chưa có con số thống kê mới hơn từ tổ chức này.