Hai vụ việc ảnh hưởng đến Apple gần đây đều liên quan đến pin, cụ thể hơn là loại pin lithium-ion trong các thiết bị của họ.
Tuần trước, Cục quản lý hàng không Mỹ (FAA) đã cấm mang những chiếc MacBook Pro 15 inch thuộc diện bị Apple thu hồi vì lỗi pin. Trước đó, Apple khiến nhiều người dùng bức xúc khi khóa tính năng kiểm tra tình trạng pin nếu người dùng thay pin iPhone ở những cơ sở không được ủy quyền.
Trong thông báo về vụ việc pin iPhone, Apple cho biết họ làm vậy để "bảo vệ người dùng của chúng tôi khỏi các loại pin hỏng, kém chất lượng hoặc cũ có thể đem lại nguy cơ hoặc giảm hiệu năng". Cách xử lý tốt nhất trong cả 2 trường hợp trên, theo Apple, đều là đến những cơ sở dịch vụ ủy quyền của Apple để thay pin.
Khi người dùng thay pin không chính hãng, các chức năng kiểm tra tình trạng pin trên iPhone sẽ không hoạt động. Ảnh: PhoneArena. |
Mặc dù vấp phải sự phản đối từ nhiều người dùng và những người ủng hộ quyền "tự sửa chữa" thiết bị, Apple vẫn có lý của họ khi muốn đảm bảo người dùng không bị ảnh hưởng từ những loại pin kém chất lượng.
Pin kém chất lượng nguy hiểm như thế nào?
Phần lớn thiết bị công nghệ hiện nay sử dụng pin lithium-ion. Đây là loại pin có thể sạc lại nhiều lần để tiếp tục cung cấp năng lượng, thường được lắp trực tiếp bên trong thiết bị và sử dụng Lithium hóa học làm nhiên liệu chính.
Pin Lithium-ion đặc biệt phổ biến trong các thiết bị điện tử như máy tính xách tay và điện thoại do có khả năng lưu trữ năng lượng hiệu quả.
Stephen Hackney, Giáo sư thuộc lĩnh vực Khoa học và Kỹ thuật vật liệu tại Đại học Công nghệ Michigan cho biết: "Năng lượng mà Lithium-ion cung cấp so với một số loại pin công nghệ cũ cùng kích thước thường nhiều hơn từ 2 đến 4 lần".
Những viên pin rởm, kém chất lượng có thể gây nguy hiểm cho chính người dùng. Ảnh: Kfor. |
Giáo sư Hackney giải thích lý do bạn có thể "nhồi nhét" quá nhiều năng lượng vào pin Lithium-ion là vì về cơ bản, lithium "có thể phản ứng với hầu như tất cả mọi thứ" và điều này đôi khi dẫn tới hậu quả là những vụ nổ pin.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến loại pin này có thể nổ là do các lỗi mắc phải trong quá trình sạc điện. Bên trong thiết bị được cài đặt phần mềm cho biết chính xác lượng điện cần sạc và thời gian sạc dự tính.
Nếu những giao thức này được thiết lập không đúng cách thì chúng sẽ khiến một số hóa chất bên trong pin trở nên bất ổn và gây ra một phản ứng dây chuyền mà các nhà nghiên cứu gọi là quá trình "thermal runaway" (Tạm dịch: thoát nhiệt) có thể dẫn đến hiện tượng cháy nổ.
Điện thoại quá nóng cũng có thể gây ra các vụ nổ. Vì vậy đôi khi bạn sẽ nhận được cảnh báo của điện thoại về việc làm mát thiết bị.
Một nguyên nhân khác có thể là chất lượng sản xuất không tốt hoặc người dùng sử dụng không đúng cách. Nếu một số vật liệu không mong muốn như phế liệu kim loại vô tình lẫn trong pin khi nó đang được sản xuất, chúng có thể gây ra quá trình thoát nhiệt.
Không dễ để nhận biết một viên pin kém chất lượng nếu như không có công cụ kiểm tra. Ảnh: Strange Parts. |
Pin giả, kém chất lượng với ngoại hình giống hệt pin xịn là vấn đề không riêng với Apple mà với tất cả hãng sản xuất điện thoại.
"Người Trung Quốc rất giỏi trong việc lấy pin của những chiếc máy mới do Apple, Samsung hay LG vừa ra mắt, sau đó đo đạc và làm một viên pin giả. Trong cái vỏ đó, chẳng ai biết được là loại pin hạng 2 hay hạng 3, 4", Nadim Maluf, CEO công ty Qnovo chuyên sản xuất phần mềm kiểm tra pin cho biết.
Pin giả có thể được mua từ những nguồn như cửa hàng sửa chữa điện thoại hay trên mạng. Những viên pin như vậy tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, khi không đảm bảo an toàn về hóa học.
"Những nguy cơ cháy nổ có thể làm ảnh hưởng tới danh tiếng của hãng. Nếu một vụ việc xảy ra, Apple sẽ chịu tiếng xấu dù pin thực chất đến từ nguồn trôi nổi", ông Maluf nhận xét.
Để chống lại nguy cơ này, Apple giới thiệu tính năng trên iPhone có thể cảnh báo người dùng khi thiết bị không thể xác nhận viên pin trong thiết bị là pin xịn. Khi đó, các thông tin chi tiết về tình trạng pin và mức dung lượng thực tối đa sẽ không hiển thị nữa. Ông Maluf cho rằng các hãng khác có thể sẽ làm tương tự.
Apple cũng khuyến khích người dùng thay pin tại các cửa hàng ủy quyền để đảm bảo an toàn. Họ không bán lẻ pin thay thế, và kể cả khi người dùng có kiếm được pin xịn "bóc máy" thì tính năng kiểm tra pin cũng không hoạt động nếu pin không được thay ở cửa hàng ủy quyền.
Đối với MacBook Pro, Apple cũng đưa ra chương trình thu hồi và thay pin miễn phí cho các máy nằm trong danh sách lỗi pin.
Pin giả nguy hiểm cho người dùng và cả uy tín Apple
Đối với những nhà sản xuất bán số lượng lớn như Apple, chỉ vài phần trăm máy bị ảnh hưởng cũng là rất lớn. Chỉ riêng tại Mỹ, số MacBook Pro phải thu hồi đã lên đến 432.000 máy.
Cục An toàn Sản phẩm của Mỹ cho biết Apple đã nhận được 26 báo cáo về pin quá nhiệt, tương đương 6 báo cáo trên mỗi 100.000 máy, hay 0,006%.
Tuy nhiên, chỉ cần 1 trường hợp được quay phim lại và chia sẻ rộng rãi cũng có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của Apple. Trên Reddit, một bài viết của thành viên có tên whitepandamusic2 về chiếc MacBook bị nổ đã nhận hơn 5.000 lượt thích, 1.300 bình luận.
Steven Gagne, một nhà thiết kế tại Mỹ cũng thu hút sự chú ý khi đăng tải hình ảnh chiếc MacBook Pro bị cháy thủng cả phần đáy.
Những vụ việc như pin MacBook Pro gây cháy nổ, nguy hiểm đến người dùng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Apple. Ảnh: Steve Gagne. |
Số lượng MacBook bán ra cũng rất nhỏ nếu so với iPhone. Trong năm tài chính 2018, Apple đã bán được 217 triệu chiếc iPhone. Thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp những thông tin về iPhone cháy nổ, đôi khi còn gây nguy hiểm cho người dùng. Những sự việc như vậy có thể đến từ pin, sạc "rởm".
Nếu một vụ cháy nổ xảy ra trên máy bay, mọi việc sẽ còn tệ hơn. Theo thống kê của FAA, đã có 256 vụ việc trên máy bay liên quan đến pin lithium từ năm 1991 đến nay.
Nguồn cung pin hiện nay giống như "miền Tây hoang dã", theo nhận xét của ông Maluf. Khi mà mỗi người sở hữu đến vài thiết bị thông minh sử dụng pin lithium, những hành động mạnh tay của các công ty để kiểm soát chất lượng pin không phải là thừa thãi.