Khởi nghiệp trong gian khó
Sinh ra và lớn lên tại xã Phước Lưu - một xã nghèo thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh - cha làm nghề hốt thuốc Nam, mới 8 tuổi cô bé Lấn đã phải phụ việc gia đình sau giờ tan học. Những hôm rảnh rỗi, cô theo cha vào rừng tìm cây thuốc đem về phơi khô hốt thuốc chữa bệnh. Nhiều năm giúp việc cho cha, không biết từ bao giờ, cô bé Lấn đã thuộc làu cách thức tạo ra những thang thuốc quý. “Cha tôi hốt thuốc đắt khách nhưng tuyệt đối không thu tiền người nghèo. Mình còn nhỏ, muốn có sách vở, áo quần mới như bạn bè nên thấy tiền là mừng. Có dạo khách nhận thuốc xong dúi tiền vào túi tôi. Cha phát hiện và bắt trả lại, tôi làm theo nhưng nước mắt cứ thế ràn rụa. Ông xoa đầu con gái nói: Sống có đức mặc sức mà ăn con ạ. Cha để đức lại cho con, sau này đời con, đời cháu sẽ hưởng”, bà Lấn nhớ lại.
So với đám bạn cùng trang lứa, Lấn rời ghế nhà trường sớm vì gia cảnh nghèo. Giữ trách nhiệm chị cả trong gia đình, Lấn tần tảo lo cho đàn em nheo nhóc 8 đứa khi người mẹ qua đời. Vài năm sau, cô lập gia đình và theo chồng lên xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh lập nghiệp. Với gia đình có đến 10 đứa con, cuộc sống của cô tiếp tục những tháng ngày mưu sinh cật lực.
Để lo cho con ăn học, bà mẹ trẻ phải làm đủ công việc nặng nhọc, từ bán từng gánh rau hẹ hái được hay mò mẫm trong đêm soi cá, mò ốc đem ra chợ bán. Thời gian thoi đưa, 10 đứa con nheo nhóc ngày nào giờ đã khôn lớn, thành đạt, công việc ổn định và bà Lấn cũng bước sang tuổi ngoài sáu mươi. Tuổi già, trong người phát đủ thứ bệnh cao huyết áp, tiểu đường, thấp khớp, suy tim. Bà tâm sự: “Các con khuyên tôi nên điều trị ở bệnh viện, nhưng tôi nghĩ ngày xưa cha mình đã từng hốt thuốc giúp người, những cây thảo dược mình cũng quá rành, quá hiểu. Tôi tự vào rừng kiếm những loại cây thuốc (hoàn ngọc, lược vàng, kim ngân hoa...) đem về chế biến uống. Một thời gian sau khỏe hẳn”.
Doanh nhân Võ Thị Lấn, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trà Tâm Lan. |
- Bà có nhận được sự giúp đỡ của 10 người con?
- Khi tôi có ý định sản xuất thuốc Nam, các con đều phản đối. Dụng cụ, nguyên liệu làm thuốc chúng nó đem giấu kỹ. Các con nói làm thuốc để uống trị bệnh không cản, còn đưa ra thị trường bán khó cạnh tranh lại người ta. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản miễn sao mình làm tốt, mọi người sẽ ủng hộ, nên quyết tâm làm. Cơ sở của tôi đăng ký kinh doanh hợp pháp, người thật việc thật và có cạnh tranh mình mới phát triển. Tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự truyền miệng của những người nghèo uống trà Tâm Lan mà khỏe, chống chọi được với bệnh tật. Tôi không quên ơn họ. Do vậy, cứ làm ra 100 đồng lãi, tôi dành 70 đồng làm từ thiện, 30 đồng dùng để tái sản xuất.
Tầm cao bản lĩnh
Năm 2010, khi thị trường rộng lớn hơn, cơ sở thủ công của bà Lấn không thể đáp ứng nhu cầu người dùng. Từ chỗ chống đối, con cái đã đồng tình ủng hộ góp vốn nâng cấp cơ sở sản xuất cũ lên quy mô công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trà Tâm Lan, hoạt động kinh doanh sản xuất trà và nhập khẩu nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng. Trong thời gian này, bà Lấn sang Hàn Quốc tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, công nghệ các mô hình sản xuất thực phẩm chức năng tiên tiến. Trở về, bà quyết định đầu tư 10 tỷ đồng nhập dây chuyền sản xuất trà khép kín, tự động, công suất 200.000 sản phẩm/tháng. Trà Tâm Lan dù còn non trẻ nhưng dần trở thành cái tên quen thuộc và có uy tín trên thị trường. Nếu như trước đây sản phẩm chỉ tiêu thụ nội tỉnh, nay đã có mặt trên khắp 63 tỉnh, thành cả nước, với hệ thống 500 đại lý, cơ sở bán lẻ.
- Là công ty gia đình, đầu tư lớn như vậy bà có sợ rủi ro?
- Suốt 5 năm (2008-2013) gầy dựng doanh nghiệp lại trúng giai đoạn suy thoái kinh tế, song công ty không hề chùn bước. Chúng tôi kinh doanh không đặt nặng lợi nhuận mà luôn cố gắng tạo ra sản phẩm tốt nhất phục vụ sức khỏe người tiêu dùng, nên không lo không có chỗ đứng trên thị trường. Có thể hiểu cạnh tranh ở 2 khía cạnh: bị cạnh tranh và được cạnh tranh. Nếu được cạnh tranh, đó là vinh dự, tức sản phẩm của mình đã được chấp nhận. Bởi sản phẩm tốt, đối thủ cạnh tranh mới đưa vào danh sách nguy cơ đối với họ. Ngược lại, không ít doanh nghiệp muốn dìm đối thủ bằng tung tin đồn thất thiệt, bôi xấu uy tín, làm người tiêu dùng hoang mang. Tâm Lan không nằm ngoài sự cạnh tranh 2 mặt đó và chúng tôi đã đứng vững.
- Đâu là những yếu tố giúp Trà Tâm Lan đứng vững trên thị trường, thưa bà?
- Để cạnh tranh, doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm an toàn, hiệu quả, ưu việt, đặc biệt là về giá thành hợp lý và chất lượng đảm bảo. Sản phẩm chủ lực của công ty là trà túi lọc Tâm Lan, được chế biến từ 4 cây thảo dược quý (hoàn ngọc, lược vàng, kim ngân hoa, cúc hoa). Ngày 3/3/2012, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã làm lễ chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ đánh giá về “tính an toàn, tính chất lượng và tính hiệu quả” của trà túi lọc Tâm Lan. Theo đó, sản phẩm trà túi lọc Tâm Lan đạt xuất sắc cả 3 yếu tố này. Trên cơ sở đó, ngoài đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín, hiện đại, trau dồi kiến thức cho 200 lao động, công ty chủ động nguyên liệu đầu vào, giúp sản phẩm nâng cao tính cạnh tranh. Hiện Tâm Lan đầu tư khoảng 30ha đất trồng thảo dược. Đến nay hầu hết diện tích đã được phủ kín, đảm bảo 80% nhu cầu nguyên liệu sản xuất.
Vườn dược liệu trà Tâm Lan không dùng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, phân bón tận dụng từ 100 con bò công ty nuôi. Chính việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, từ khi có mặt trên thị trường, sản phẩm trà Tâm Lan chưa một lần tăng giá. Doanh thu đạt tăng trưởng trung bình 20-30%/năm.
Ở độ tuổi ngoài sáu mươi, lẽ ra doanh nhân Võ Thị Lấn có thể nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già. Nhưng với bà, kinh doanh, gia đình và công tác xã hội luôn có sự dung hòa. Ngoài công việc kinh doanh tất bật, bà Lấn dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội, từ thiện, như ủng hộ quỹ khuyến học vùng sâu vùng xa, đồng bào bị thiên tai; xây dãy nhà cưu mang khoảng 20 con em của địa phương có hoàn cảnh khó khăn, lo chi phí ăn học 100%...