Chúng ta vẫn có cơ hội chiến thắng và có bí quyết để chiến thắng. Thành công trong giai đoạn khó khăn nhất đã đưa DN của họ vượt lên, và đó là khẳng định mạnh mẽ nhất về vị thế của doanh nhân Việt Nam trên con đường cạnh tranh và hội nhập.
Giành giật trên sân nhà
"Tôi khẳng định chúng ta không thua Formosa!" Tôi dám chắc!". Chủ tịch Hoa Sen Group, ông Lê Phước Vũ đã nói điều tâm huyết tại Đại hội đồng cổ đông Hoa Sen mới đây khi phân tích về cuộc cạnh tranh giữa Hoa Sen với dự án thép của đại gia nước ngoài hàng chục tỷ USD tại Hà Tĩnh.
Đây có thể là điều khó tin với nhiều nhưng với những đại gia sắt thép như Trần Đình Long - Hòa Phát, hay Lê Phước Vũ - Hoa Sen lại cho chúng ta một niềm tin DN Việt có thể cạnh tranh với các tập đoàn thép lớn trên thế giới.
Khởi nghiệp với cửa hàng bán tôn có số vốn 2 chỉ vàng vào 1994 ở Sài Gòn, rồi mở ra một xưởng cán tôn nhỏ vào 1997 để mưu sinh, ông Lê Phước Vũ đã nhanh chóng phát triển cơ sở kinh doanh của mình thành một DN với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng. Và sau hơn 20 năm khởi nghiệp, ông Lê Phước Vũ đang đứng đầu một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với doanh thu hướng tới ngưỡng 1 tỷ USD.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen Group |
Với tất cả trải nghiệm và sự chuẩn bị của bản thân và DN, vị lãnh đạo được vinh danh giải cao nhất "Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp" 2014 hoàn toàn tự tin khi tuyên bố như trên.
Ông cũng cho rằng, nền kinh tế hội nhập phải do chính DN Việt Nam đi đầu. Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông nói: "Chúng ta vẫn có cơ hội để chiến thắng và có bí quyết để thắng. Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Úc mang 1 tỷ USD đầu tư ở Phú Mỹ; JSBC - công ty con của China Steel - Đài Loan đầu tư 1 tỷ USD. BlueScope Steel là nhà sản xuất tôn mạ số 1 của thế giới, họ có nhà máy ở Úc, ở Indonesia, ở Thái Lan, Malaysia. Khi vào Việt Nam, họ rất tham vọng nhưng đến nay chỉ có được vài ba phần trăm thị phần. Trong khi chúng tôi vẫn nắm trên 40% thị phần trong nước".
Hiện nay, Hoa Sen đang xây tiếp các nhà máy ở Nghệ An, Bình Định, Hải Dương hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng thị phần và gia tăng xuất khẩu.
Trong 5 năm khó khăn, Tôn Hoa Sen vẫn tăng trưởng 100% mỗi năm, doanh thu năm 2009 chỉ hơn 3.000 tỉ đồng đã tăng lên hơn 15.000 tỉ đồng trong năm 2014. Mục tiêu năm 2015: sản lượng sẽ gần 1 triệu tấn, doanh thu 16,5 nghìn tỷ, lợi nhuận 450 tỷ đồng.
Ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long - top 3 người giàu nhất chứng khoán Việt Nam, khởi nghiệp từ một DN chuyên buôn bán các loại máy xây dựng, đến nay Hòa Phát nằm trong Top 3 DN sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam. Năm 2014, Hòa Phát đã mở rộng xuất khẩu théo sang Úc, Thái Lan và Philippines...
Ở trong nước, Hòa Phát là DN đã đạt mức kỷ lục sản xuất 1 triệu tấn thép và chiếm 20% thị phần Đây cùng DN Việt ít ỏi thuộc nhóm có doanh thu tính bằng tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ tăng lên trong 2015, khi Hòa Phát sẽ hoàn thành giai đoạn 3 Khu Liên hợp gang thép với sản lượng tiêu thụ 1,2 triệu tấn/năm.
Trong một lĩnh vực xương sống của công nghiệp và nền kinh tế mà Việt Nam đang ở thế yếu kém và bị cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà bởi hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài hàng trăm triệu hay hàng tỷ USD, thì câu chuyện của Hoa Sen hay Hòa Phát sẽ tiếp thêm niềm tin cho DN Việt trong cuộc đối đầu trực diện với các đối thủ nước ngoài.
... Bước ra thế giới
Cho đến bây giờ, khi Vinamilk vẫn độc chiếm vị trí số 1 Việt Nam cả thể thị phần và quy mô DN, thì bà Mai Kiều Liên và các đồng sự của mình vẫn chưa bao giờ 'giảm tốc độ".
Bà Mai Kiều Liên được Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực của châu Á. |
Người phụ nữ với gần 40 năm cuộc đời gắn bó với ngành sữa vẫn đang quyết liệt đẩy guồng máy của Vinamilk vượt qua cái ngưỡng của chính mình để ghi dấu trên bản đồ ngành sữa thế giới. Năm 2015, những "siêu" nhà máy hiện đại bậc nhất thế giới với các robot tự hành và hệ thống nhà kho thông minh đã được Vinamilk đầu tư, với mục đích đạt doanh thu 3 tỷ USD, đứng trong Top 50 DN sữa lớn nhất thế giới vào 2017.
Năm 2014, Vinamilk lọt vào danh sách ASEAN 100 do Tạp chí Nikkei Asian Review bình chọn, và là công ty sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 50% thị phần. Bà Liên được Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực của châu Á.
Từ một nhà máy cũ kỹ có số vốn vài trăm nghìn USD, giờ đây Vinamilk có vốn hóa gần 5 tỷ USD với hàng loạt các nhà máy đang được xây dựng ở Campuchia, Ba Lan. Trong 3 năm tới, bà Liên sẽ tập trung tấn công vào thị trường Trung Đông, châu Phi, Cuba, Mỹ.
Một DN Việt mạnh mẽ trong việc đầu tư ra nước ngoài là Viettel. Nam qua, đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viễn thông Quân đội này gấp đôi trong nước và đã khai trương dịch vụ thêm 2 nước Peru và Cameroon, nâng số nước Viettel đã đầu tư lên 9 quốc gia với tổng dân số 175 triệu dân. Tổng doanh thu nước ngoài tăng trưởng 25% và đạt 1,2 tỷ đôla Mỹ với lợi nhuận trước thuế 156 triệu đôla, tăng 32%.
Lãnh đạo Viettel cho biết, DN xây dựng chiến lược phải trở thành công ty toàn cầu và tới năm 2020 và trở thành Top 10 doanh nghiệp viễn thông thế giới, với thị trường nước ngoài từ 600-800 triệu dân.
Thủy sản Minh Phú của vợ chồng ông Lê Văn Quang, bà Chu Thị Bình trong vài năm gần đây cũng đã chinh phục vị thế hàng đầu thế giới về chế biến tôm và số 1 Việt Nam về xuất khẩu thủy sản. Minh Phú được xếp hạng 100 DN thủy sản có ảnh hưởng nhất toàn cầu. Con tôm Việt Nam đã được Minh Phú đưa đến các thị trường khó tính nhất như EU, Mỹ, Nhật. Doanh thu của đang hướng đến mốc 1 tỷ USD.
Năm 2014, Thiên Minh Group và ông chủ Trần Trọng Kiên đã gây ấn tượng với việc mua lại hãng hàng không Hải Âu và nhập 2 chiếc thủy phi cơ đầu tiên về Việt Nam. Trước đó, đại gia ngành du lịch này đã bỏ ra 45 triệu USD mua đứt chuỗi 6 khách sạn nổi tiếng Victoria của nhà đầu tư ngoại ở Sapa, Hội An, Phan Thiết, Cần Thơ và Châu Đốc và tại Angkor Wat tỉnh Siem Riep, Campuchia. Gần đây, Thiên Minh cũng được vinh danh trong danh sách 20 công ty tăng trưởng nhanh nhất Đông Á năm 2014 theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Trong chặng cuối của một chu kỳ khó khăn, những doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy một sự chuẩn bị kỹ lưỡng chiến lược và sức mạnh để tiến vào một giai đoạn mới. Với các doanh nhân và DN trên đây, họ đã thành công khi tích lũy được tài sản lớn hàng trăm triệu hay cả tỷ USD, DN có thương hiệu và vị thế trên thương trường... nhưng với họ, cuộc trường chinh chưa thể dừng lại và chưa thể giảm tốc độ. Với khát vọng và sức mạnh của mình, những doanh nhân không chịu thua đang trở thành nhân tố dẫn dắt DN Việt vào hội nhập, cạnh tranh không chỉ trên sân nhà mà vươn ra phạm vi toàn cầu.