Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bản lĩnh của U22 Việt Nam khi đánh bại Singapore

Trước U22 Singapore, các tuyển thủ Việt Nam đã thể hiện tinh thần thi đấu quyết tâm cao và hoàn toàn xứng đáng với 3 điểm ở trận đấu diễn ra tối 3/12.

Khi ông Park Hang-seo lựa chọn Thanh Sơn - Việt Hưng là cặp tiền vệ trung tâm, và U22 Việt Nam có hiệp 1 bế tắc trước U22 Singapore, không ít người sẽ băn khoăn với câu hỏi “Tại sao ông Park lại thay đổi một công thức đã vận hành tốt trước U22 Indonesia cách đây hai ngày?”. Câu hỏi ấy càng dễ ám ảnh hơn khi Quang Hải ra sân và Hùng Dũng vào thay nhưng lại không chơi ở vị trí sở trường.

U22 Viet Nam anh 1
Chấn thương của Quang Hải khiến những toan tính của HLV Park phải thay đổi. Ảnh: Việt Linh. 

U22 Việt Nam gặp khó trong việc ghi bàn

Tuy nhiên, HLV Park có lý do với lựa chọn đó. Mật độ thi đấu 2 ngày một trận khiến ông không muốn mạo hiểm những trụ cột của mình, nhất là với các tuyển thủ quốc gia vừa thi đấu ở vòng loại World Cup 2022.

Việc thay Quang Hải và đưa Hùng Dũng vào là bất đắc dĩ và rõ ràng ý đồ dưỡng sức cho Hùng Dũng của ông Park cho thấy ông đánh giá cầu thủ tiền vệ ấy quan trọng thế nào.

Thực tế trận đấu cho thấy Singapore không có cơ hội nào trước khung thành của Văn Toản. Việc đội bạn không thể tạo ra cơ hội có nhiều lý do cả chủ quan và khách quan.

U22 Singapore thực sự không mạnh, không sắc bén trong tấn công. Và kế đến, vẫn là lý do cũ, cách phòng ngự của U22 Việt Nam quá kín kẽ và chặt chẽ.

Tuy nhiên, đối thủ không thể tạo ra cơ hội uy hiếp khung thành vẫn có thể khiến cho chúng ta gặp khó khăn. Đó chính là khó khăn trong khâu ghi bàn. Cái cách Singapore chủ động đá thấp, co cụm, phòng ngự nhiều tầng đã tạo ra thách thức thực sự cho các cầu thủ U22 Việt Nam.

Và nên nhớ, thách thức kiểu ấy sẽ còn nhiều nữa. Đơn giản, dường như các đối thủ ở khu vực đã và đang có thói quen chơi cửa dưới mỗi khi gặp Việt Nam lúc này.

U22 Viet Nam anh 2
Sự quyết liệt của Singapore khiến U22 Việt Nam có trận đấu vất vả. Ảnh: Quang Thịnh. 

Điều thực sự đáng khen ngợi với U22 Việt Nam chính là cách họ vượt qua thách thức ấy. Khi đối thủ tập quen đưa chúng ta lên cửa trên, chúng ta cũng cần tập với thói quen xử trí trước những đối thủ cửa dưới chơi phòng ngự chặt với số đông. Dường như U22 Việt Nam bắt đầu tìm ra cách xử trí cần thiết ấy.

Việc ông Park đưa Thanh Sơn ra sân và Tiến Linh vào thay đã thay đổi hoàn toàn cục diện. Tiến Linh và Đức Chinh chứng minh họ chính là đối tác tấn công phù hợp của nhau qua những pha phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Thực sự, nếu bắt nhịp tốt hơn nữa, Tiến Linh - Đức Chinh đã có thể mở tỷ số sớm hơn chứ không phải đợi đến cuối hiệp 2.

Cách giải quyết khó khăn cuối trận

Tuy nhiên, điều cần nói nhất từ trận thắng của U22 Việt Nam chính là cách các cầu thủ tăng tốc nhịp độ tấn công ở nửa cuối hiệp 2. Đó không phải sự tăng tốc bản năng theo kiểu nôn nóng, kiểu tăng tốc rất dễ khiến phải trả giá.

Đó là sự tăng tốc bằng bản lĩnh và sự khôn ngoan, với cách điều phối nhịp độ rất nhịp nhàng. U22 Việt Nam vẫn giữ được sự khoan thai khi phát động và triển khai. Họ chỉ tăng tốc thực sự khi bóng bắt đầu được đưa vào vị trí thuận lợi ở khoảng cách khoảng 30 m trước khung thành U22 Singapore.

Những pha tăng tốc bất ngờ ấy khiến hàng thủ U22 Singapore bắt đầu có những xộc xệch. Chỉ đáng tiếc là chúng ta chưa đủ may mắn cũng như các cầu thủ chưa vào nhịp chuẩn xác để những pha tăng tốc ấy trở thành bàn thắng.

U22 Viet Nam anh 3
Quyết định đưa Tiến Linh vào sân của HLV Park đã thay đổi cục diện trận đấu trong hiệp 2. Ảnh: Việt Linh. 

Trong bóng đá, thực sự chỉ nhanh - chậm 1% giây thôi cũng có thể lỡ nhịp ghi bàn. Song, không tạo thành bàn thắng cụ thể thì từ những pha tăng tốc ấy, U22 Việt Nam có những pha đá phạt góc dồn dập. U22 Singapore “toang” cũng vì nhịp độ uy hiếp dày đặc như vậy.

Pha đánh đầu của Đức Chinh thực sự đáng khen ngợi khi ý đồ đá phạt, ý đồ chuyền bóng của Văn Hậu là rất mạch lạc và bài bản. Tuy nhiên, cú ghi bàn ấy thực sự chỉ là nét tô điểm cuối cùng để hoàn thành bức tranh đẹp mang tên “Chinh đen” mà thôi.

Đức Chinh chơi quá hay trận này, khi không chỉ phối hợp nhịp nhàng với đồng đội trên hàng công bằng các pha bật nhả, làm tường mà còn rất xông xáo, năng nổ khi lùi sâu về tìm bóng và hỗ trợ phòng ngự. Nếu được chấm điểm, chắc chắn không ít người sẽ chấm cho Đức Chinh điểm cao nhất trên sân.

U22 Viet Nam anh 4
Đức Chinh xứng đáng nhận điểm cao nhất bên phía Việt Nam. Ảnh: Việt Linh.

Học trò của HLV Park ngày càng trưởng thành

Tất nhiên, khen ngợi Đức Chinh xuất sắc, chúng ta cũng không nên quên Trọng Hoàng. Nếu nói vui, người ta gọi anh là “Hoàng bò” không phải anh khoẻ như bò mộng mà có khi còn khoẻ hơn thế và để có sức bền bỉ như vậy, chắc “Hoàng bò” đủ sức một mình ăn hết cả chú bò.

Cái cách Trọng Hoàng có mặt ở mọi điểm nóng, bó vào trung tâm khi cần để hỗ trợ cặp tiền vệ, khoét sâu xuống nách đối thủ bằng những cú tăng tốc dũng mãnh cho thấy anh xứng đáng là một trong số hiếm những cầu thủ quan trọng nhất của đội tuyển Việt Nam hiện nay.

U22 là lứa tuổi ai cũng nói là “còn quá trẻ”. Song thực tế, cách các cầu thủ “còn quá trẻ” chơi bóng cho thấy họ quá già dặn. Họ chơi bóng như những người đàn ông trưởng thành với sự điềm tĩnh cần thiết, nhưng lại có thể bùng nổ đúng lúc đúng với cái khí chất của tuổi trẻ. Những cầu thủ trẻ của chúng ta thực sự quá chín chắn, sự chín chắn mà nhiều thế hệ trước không có được khi cũng ở lứa tuổi ấy.

Và điểm rất đáng lưu ý, đó là pha bóng của Văn Toản ở phút 20. Nó rất giống với pha bóng của Bùi Tiến Dũng ở trận gặp U22 Indonesia. Văn Toản chọn cách xử lý khác và chắc chắn, anh phải rút kinh nghiệm từ chính người đồng đội của mình. Pha xử lý đó, cùng cách ra vào rất hợp lý của Toản, cộng thêm bàn thắng của Đức Chinh đã để lại một suy ngẫm rất lý thú.

U22 Viet Nam anh 5
Văn Toản đã không vấp phải vết xe đổ như ở trận trước của Tiến Dũng. Ảnh: Thuận Thắng.

Đức Chinh cũng gặp quá nhiều “tai nạn” nghề nghiệp trong suốt thời gian qua. Từ những pha bỏ lỡ ở AFF Cup cho tới những chuyện với HLV Lê Huỳnh Đức ở CLB Đà Nẵng mà thực sự không ai biết nguyên do. Vậy mà “Chinh đen” vẫn bình tĩnh bước qua những sóng gió ấy, để khẳng định bản lĩnh và năng lực của mình.

Cách “Chinh đen” đã làm, có lẽ Bùi Tiến Dũng cũng sẽ làm được. Nghề nào mà chẳng có “tai nạn”, và đối diện tai nạn thế nào mới là quan trọng. Bùi Tiến Dũng vẫn là thủ thành giàu năng lực và năng lượng. Chắc chắn, qua những vận rủi này, Tiến Dũng sẽ trở lại và lợi hại như xưa. Đó mới chính là thứ bản lĩnh đàn ông, thứ mà U22 Việt Nam đã và đang chứng minh trên sân ở SEA Games này.

U22 Viet Nam anh 6
Highlights SEA Games 30: U22 Singapore 0-1 U22 Việt Nam Khoảnh khắc tỏa sáng của Hà Đức Chinh ở phút 85 mang về chiến thắng cho thầy trò HLV Park Hang-seo trước U22 Singapore trên sân Rizal Memorial tối 3/12.

Đức Chinh tỏa sáng giúp U22 Việt Nam đánh bại Singapore

Tiền đạo thuộc biên chế CLB Đà Nẵng là chủ nhân của bàn thắng duy nhất giúp U22 Việt Nam hạ Singapore 1-0 ở trận đấu thuộc bảng B môn bóng đá nam SEA Games 30 tối 3/12.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm