Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bán lẻ nội bắt đầu xây thành lũy phản đòn doanh nghiệp ngoại

Hơn 1 tháng sau khi BigC buộc các nhà cung cấp tăng chiết khấu cao thêm 4,25% - 5,5%, có ngành hàng lên đến 17-25 %, Vingroup đã cùng 250 doanh nghiệp trong nước bắt tay phòng thủ.

Cái bắt tay này là các nhà cung cấp được Vingroup tư vấn công nghệ, quản trị, kiểm soát chất lượng ưu đãi phân phối, tăng cường sự hiện diện của các thương hiệu nội… Đặc biệt, hơn 140 nhà sản xuất phân phối thực phẩm tươi sống được đưa hàng vào siêu thị với mức chiết khấu 0% trong vòng 1 năm.

Tiên phong để tạo sự lan tỏa

Chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan cho hay, điều lâu nay bà vẫn đau đáu là gắn kết các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại với nhau.

“Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển bền vững khi có cộng đồng doanh nghiệp nội địa mạnh, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với mối lo: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều, chiếm phần lớn thị phần sản xuất công nghiệp chế tạo và đầu tư xuất khẩu, tới 70%, và con số này đang ngày càng tăng lên”, bà Chi Lan nêu quan điểm.

Theo bà Chi Lan, hiện nhiều mặt hàng mang danh Việt Nam, nhưng thực tế lại của thương hiệu nước ngoài.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, việc ký kết, bán hàng thực phẩm không thu chiết khấu với doanh nghiệp nội là để thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần tạo nguồn thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng có chất lượng cho thị trường. Từ đây sẽ xây dựng các thương hiệu quốc gia, tiến tới là các thương hiệu đẳng cấp quốc tế”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phân tích, việc Vingroup liên kết với doanh  nghiệp thể hiện cái tâm trong việc gỡ khó không chỉ ở hệ thống phân phối, mà còn trên nhiều mặt khác.

“Sự tiên phong này sẽ tạo ra sự lan tỏa kéo theo sự đồng hành, tiếp sức của các doanh nghiệp khác cũng như cơ quan chức năng với hoạt động của doanh nghiệp nói chung”, bà Hạnh nêu quan điểm.

Song bà Hạnh mong muốn chương trình sẽ mang lại ý nghĩa, giá trị thiết thực chứ không chỉ có tính chất “lễ tân”.

ban le noi bat tay,  Thuc Pham Sach,  Doanh nghiep noi lien ket anh 1

lần đầu tiên, 140 doanh nghiệp sản xuất, phân phối thực phẩm tươi sống trong nước sẽ được bán hàng không phải trả chiết khấu trong 1 năm. Ảnh:

Hoàng Hà

 

Tạo đà cho những cái bắt tay mới

Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp trong nước ngồi lại với nhau, đưa ra phương án kinh doanh tốt trong thị trường. Trước đó đã có sự liên kết giữa những nhà phân phối trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam, nhưng không đem lại kết quả cao. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, việc bắt tay có thể đã đi vào bản chất hơn, cũng tạo một đà tâm lý tốt hơn để đối phó với khối ngoại.

Bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ, trước đây đã có sự kết hợp giữa 4 doanh nghiệp về phân phối, nhưng chỉ là việc cộng hưởng kênh phân phối thông thường. Nhưng ở lần bắt tay này thì sự tương quan về lợi ích nhiều hơn, vì diễn ra giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Trước mắt là hỗ trợ tốt về vấn đề tâm lý cho cả hai bên, vì đây là mối tương quan không thể tách rời.

Trong một thời gian ngắn, hơi nóng từ các thị trường lân cận cũng đang phả vào thị trường bán lẻ Việt. Đó là điều tất yếu khi thị phần bán lẻ hiện đại cũng có xu hướng dịch chuyển dần về khối ngoại. Nên những lo ngại về việc chi phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài không phải là không có cơ sở.

Điều dễ nhận thấy nhất là hàng hóa của Trung Quốc, Thái Lan… đang phủ khắp các siêu thị. Bất lợi dễ nhận thấy của doanh nghiệp Việt Nam là chi phí đầu vào quá cao, trong khi đầu ra cũng đang loạy hoay. Vì vậy, khi họ nắm được kênh phân phối thì việc phủ định hàng Việt chỉ còn là thời gian.

Từ trước đến nay, việc bảo hộ cho hàng Việt cũng chỉ dừng lại ở tuyên truyền vận động, nhưng điều cần vẫn là liên kết để cộng sinh thì vẫn làm ở mức nửa vời. Doanh nghiệp sản xuất vẫn luôn muốn có được sự “bảo kê” của các ông lớn bán lẻ nội địa, để yên tâm tái đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, với sự kết nối của Vingroup thông qua sự kiện ký kết hợp tác này, chính là phát súng đầu tiên tạo đà cho những cái bắt tay tiếp theo.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, 97% DN vừa và nhỏ tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm hiện nay không đủ khả năng tự làm được tất cả các khâu, đặc biệt là khâu phân phối sản phẩm. Vì vậy, việc bắt tay với nhà bán lẻ có thể nói là luồng gió, tạo nên sức bật mới để qua đó tạo ra “đầu kéo” nhằm thúc đẩy việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải liên kết, sáp nhập ngay từ bây giờ, đừng để quá muộn. Có thể sáp nhập toàn bộ hoặc liên kết từng phần trong chuỗi sản xuất, chẳng hạn cùng mua bao bì để gia tăng số lượng, giảm giá mua cũng như tăng sức mạnh đàm phán với nhà cung cấp... Chỉ có con đường liên kết mới là phương án tối ưu để doanh nghiệp nội phản đòn và tự cứu mình.


Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm