Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bản làng như ốc đảo, dân bơi lội vượt sông

Bị ngăn cách bởi dòng sông Đặt, bản Hón Cánh (Thanh Hóa) biệt lập như một ốc đảo. Học sinh đến trường, người lớn muốn đi ra ngoài phải liều mình bơi lội qua dòng nước xiết.

Nằm cách TP Thanh Hóa gần 100 km về hướng Tây, bản Hón Cánh (xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) có khoảng 16 hộ dân người Thái và Kinh với 72 nhân khẩu. Bản làng vùng cao này nằm cô lập với bên ngoài bởi dòng sông Đặt và lọt thỏm giữa những ngọn núi cao và rừng nguyên sinh.

Người dân nơi đây quanh năm bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Ruộng nương canh tác ít, người dân chủ yếu sống bám rừng bằng nghề chăn nuôi, bám rừng nên bản làng này gần như 100% là hộ nghèo và cận nghèo

Vào được bản Hón Cánh, người dân phải lội qua dòng sông Đặt rộng gần 100 m và đi bộ tiếp 4 km. Mùa khô, người dân bắc tạm chiếc cầu gỗ tre tạm bợ để qua lại. Đến mùa mưa lũ, cầu bị dòng nước xiết cuốn trôi, phải bơi lội qua suối hoặc chế bè mảng.

Để được tới trường, những ngày này em Lê Đình Khương (lớp 11, trường THPT Thường Xuân 3) phải vượt sông với nhiều mỏm đá trơn tuột. 

“Mùa khô còn có cầu tạm để đi. Nhưng mùa mưa lũ, em cùng các bạn rất khổ. Băng qua sông, ngày nào đến trường em cũng ướt sũng, chuyện té ngã, chân bầm dập là thường xuyên”, Khương kể.

Muôn
Muốn qua được vùng khác giao thương, người dân bản Hón Cánh phải vượt dòng nước xiết và những ghềnh đá trơn tuột. Ảnh: Nguyễn Dương.

Vừa qua được sông, hì hục mang chiếc gùi đựng đầy măng đặt thịch xuống đất, chị Lương Thị Sình (37 tuổi) cho hay, đất nông nghiệp của cả bản chỉ chưa đầy 4 ha. 

“Chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi bò, hái rau quả rừng. Mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, người dân trong bản không ai dám qua. Muốn qua sông đi chợ mua gạo, mua cá cũng đành chịu, nhiều hôm phải nhịn đói ăn tạm củ khoai, bắp ngô”, chị Sình nói.

Để bán được số măng hái được, chị Sình phải bất chấp nguy hiểm vượt sông, đi bộ hàng chục cây số mới đến được chợ gần nhất. Khi về, nước sông dâng cao, chị phải hét lớn gọi người chèo mảng qua chở về giúp.

Cảnh
Cảnh các em học sinh phải bơi lội qua sông không còn xa lạ ở bản vùng cao Hón Cánh. Ảnh: Nguyễn Dương.

Thầy Cầm Bá Khuyển – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Vạn Xuân 1 cho hay, bản Hón Cánh có gần 20 học sinh ở lứa tuổi các cấp. Những ngày mưa lũ, các em học sinh cấp 3 mới đủ can đảm về nhà. Các em cấp 1, cấp 2, nhà trường không yên tâm, nên căn dặn phụ huynh gửi ở nhà người quen.

Theo ông Cầm Bá Huế - Phó chủ tịch xã Vạn Xuân, bản Hón Cánh được thành lập đã lâu do người dân vượt sông khai hoang rồi dựng nhà cửa sống với nhau. Ngôi làng bị cô lập hoàn toàn. Do dòng nước sông Đặt xiết và hồ thủy điện Cửa Đạt hay xả lũ nên cầu tạm người dân bắc không được bao lâu lại bị cuốn trôi.

 “Người dân và các cháu học sinh vượt sông bất chấp nhiều nguy hiểm. May mắn là chưa có thiệt hại về người. Địa phương còn nhiều khó khăn nên không thể xây cầu cứng cho người dân đi lại. Mong các cấp chính quyền cấp trên quan tâm để cuộc sống bà con bản Hón Cánh được ổn định hơn”, ông Huế bày tỏ.

Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm