Ban Kinh tế trung ương sẽ có 120 cán bộ
Sáng 23/7, Ban Kinh tế trung ương đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 kể từ khi được tái lập vào cuối năm 2012.
Theo ông Lê Hồng Anh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, Ban Tổ chức trung ương đã thống nhất Ban Kinh tế trung ương sẽ có biên chế 120 người. Hiện tại Ban Kinh tế mới đạt được hơn một nửa con số này. Ông Lê Hồng Anh yêu cầu Ban Kinh tế sớm hoàn thiện bộ máy, xem xét hồ sơ để tìm người có tâm, có tài nhằm thực hiện được nhiệm vụ rất nặng nề của Ban Kinh tế trung ương.
Theo báo cáo của Ban Kinh tế trung ương, sau thời điểm thành lập, ban chỉ có 32 cán bộ, trong đó điều động 30 người từ Vụ Kinh tế, Vụ Xã hội, Tạp chí Văn phòng cấp ủy của Văn phòng Trung ương Đảng. Bên cạnh những thuận lợi, Ban Kinh tế nêu đã gặp không ít khó khăn như: mọi điều kiện hoạt động phải xây dựng từ đầu, từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị; công chức thì thiếu… trong khi vẫn phải khẩn trương tiến hành các hoạt động chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ.
Mặc dù mới thành lập nhưng báo cáo của Ban Kinh tế trung ương nêu khá nhiều việc đã làm được và đang làm, trong đó có nhiều đầu việc khá lớn và nhạy cảm, như: báo cáo sơ kết 7 năm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành dầu khí; tham gia nghiên cứu, đề xuất chủ trương mới trong thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng thu hút nhà đầu tư có tiềm năng lớn, lĩnh vực quan trọng; nghiên cứu đề xuất tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm thế giới gắn với thực tiễn Việt Nam.
Đáng lưu ý, Ban Kinh tế cho biết đã hoàn thành thẩm định 10 đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin; đề án tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đến 2020; chủ trương khai thác than đồng bằng sông Hồng.
Ban Kinh tế nêu cũng đã tham gia ý kiến nhân sự, bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, như trường hợp vừa bổ nhiệm thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Cao su Việt Nam, tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Phương hướng 6 tháng cuối năm, Ban Kinh tế nêu sẽ tập trung nghiên cứu đề xuất, thẩm định và giám sát nhiều vấn đề, trong đó có đề án tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Ban đầu đóng trụ sở tạm ở số 3B Hoàng Diệu, từ ngày 12/7 chuyển về và được dành cho một số tầng ở tòa nhà Hapro (tổng công ty Thương mại Hà Nội), Ban Kinh tế nêu để nâng cao hiệu quả công tác, đảm bảo tiết kiệm, tập trung, ban đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu bố trí, sắp xếp ổn định trụ sở làm việc cũng như đảm bảo kinh phí hoạt động cho ban.
Theo Tuổi Trẻ