Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Băn khoăn khi thay đổi toàn bộ lãnh đạo Quốc hội

“Tôi thấy rất e ngại về việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo Quốc hội kỳ này khi tính kế thừa của khóa XIV cho khóa XV là rất ít”, đại biểu Hoàng Đức Thắng chia sẻ.

Chiều 25/3, thảo luận tại tổ về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề cập tới công tác nhân sự và bày tỏ băn khoăn khi tới đây, Chủ tịch và tất cả phó chủ tịch Quốc hội đều nghỉ. Bên cạnh đó, chỉ có 5 trong tổng số 18 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục công tác trong khóa mới.

Ông cho biết qua các hội nghị Trung ương, cử tri và cả đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận phần nào đó thông tin, nhưng nhiều người lo lắng tính kế thừa để có thể đảm bảo sự liên tục của đội ngũ lãnh đạo trong Quốc hội.

“Tôi thấy rất e ngại về việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo Quốc hội kỳ này khi tính kế thừa của khóa XIV cho khóa XV là rất ít”, ông Thắng nói.

lo ngai khi thay toan bo lanh dao Quoc hoi anh 1

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) lo ngại tính kế thừa khi thay đổi toàn bộ lãnh đạo Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Ông cho rằng nhiều lãnh đạo các ngành khác về Quốc hội không dễ bắt ngay vào công việc khi chưa có kinh nghiệm. Chắc chắn sẽ có những lúng túng, bỡ ngỡ và điều đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động giai đoạn tới.

Từ thực tế đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng gợi ý cần suy nghĩ về chiến lược quy hoạch cán bộ để những nhiệm kỳ sau để Quốc hội đảm bảo được tính kế thừa, vững chắc.

Cũng đề cập đến công tác nhân sự, đại biểu Bùi Đặng Dũng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách) chúc mừng nhiều đại biểu đắc cử, tái đắc cử Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tại Đại hội Đảng vừa qua.

Theo ông Dũng, các đại biểu này đã và sẽ tiếp tục là những lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước sẽ được kiện toàn tới đây.

Sau Đại hội Đảng XIII, khối Quốc hội có 12 thành viên không tham gia Trung ương khóa XIII. Trong đó có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và tất cả 4 phó chủ tịch Quốc hội.

Ngoài ra còn có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm các ủy ban: Quốc phòng và An ninh, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đối ngoại, Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng và Trưởng ban Công tác đại biểu.

Vì thế tại kỳ họp 11, Quốc hội sẽ kiện toàn các chức danh này (trừ hai vị trí của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, do nhân sự dự kiến giới thiệu giữ các chức danh này chưa phải đại biểu Quốc hội).

Trong khi đó, sau Hội nghị hiệp thương lần 2 đã xuất hiện một số gương mặt mới ứng cử khối Quốc hội, gồm: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường; Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh.

Bộ Chính trị thống nhất sớm kiện toàn lãnh đạo Nhà nước

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm