Trước khi trận đấu giữa Real Madrid và Bayern Munich diễn ra, người ta nói quá nhiều về Cuneyt Cakir - vị trọng tài đã gián tiếp giúp “Kền kền trắng” vượt qua MU để góp mặt vào vòng tứ kết Champions League cách đây 5 năm.
Lại là “dấu ấn” Cakir
HLV Jupp Heynckes đã phát biểu trong buổi họp báo trước trận rằng ông không muốn trận đấu được định đoạt bằng những quyết định của trọng tài. Song những vị vua áo đen vẫn khiến cho người hâm mộ hai đội phải tranh cãi gay gắt.
Cầu thủ Bayern Munich phản ứng với quyết định của trọng tài. Ảnh: UEFA. |
Đúng như những gì vị thuyền trưởng người Đức lo lắng, phút 45 của trận đấu, Marcelo để bóng chạm tay trong vòng cấm sau đường tạt của Joshua Kimmich. Thế nhưng không có tiếng còi nào được cất lên, ngoài tiếng còi kết thúc hiệp đấu đầu tiên không lâu sau đó.
Bản thân Marcelo cũng thừa nhận rằng mình để bóng chạm tay ở buổi họp báo khi trận đấu kết thúc. Tỷ số khi đó đang là 1-1. Nếu “Hùm xám” được hưởng 1 quả penalty và thực hiện thành công, họ mới là người chiếm thế chủ động khi bước vào hiệp 2 nhờ luật bàn thắng sân khách.
Kết thúc trận đấu, Bayern chấp nhận dừng bước ở bàn kết khi để đối thủ cầm hòa 2-2. Họ nên tự trách mình, song không thể không nói đến quyết định của trọng tài người Thổ Nhĩ Kỳ.
AS Roma thua vì trọng tài?
Bắt chính trong trận đấu còn lại giữa AS Roma và Liverpool là trọng tài người Slovenia - Damir Skomina - một người không có nhiều “tiếng tăm” như Cuneyt Cakir. Dù vậy, người hâm mộ Roma chắc hẳn sẽ còn nhắc tên vị trọng tài này rất nhiều lần sau ngày hôm nay.
Ông Skomina điều khiển trận bán kết lượt về giữa AS Roma và Liverpool. Ảnh: UEFA. |
AS Roma đã chơi trận đấu quật cường và thể hiện điều đó ngay từ những phút đầu tiên. Liverpool tất nhiên cũng không để cho trận đấu kém phần nhạt nhẽo khi trình diễn món “đặc sản trượt chân” của mình.
Rất may, cú “trượt chân” của "The Kop" lần này không bị quá đà, và Liverpool vẫn góp mặt tại chung kết khi thắng Roma với tổng tỷ số sát nút 7-6 sau hai lượt trận.
Đáng chú ý, ở phút 50 của trận đấu, trọng tài biên đã từ chối một quả phạt đền cho AS Roma khi thủ môn Loris Karius lao ra cản phá khiến Edin Dzeko ngã trong vòng cấm. Pha phạm lỗi của thủ thành người Đức là quá rõ ràng, thế nhưng quyết định của trọng tài lại có phần chưa hợp lý bởi đây là một tình huống việt vị nhạy cảm.
Chưa hết, chỉ 13 phút sau, lại một lần nữa đội chủ nhà bị từ chối phạt đền trong một tình huống lộn xộn phía trước khung thành của Liverpool. Hậu vệ trẻ Alexander-Arnold dùng tay để cản phá nỗ lực dứt điểm của Stephan El Shaarawy. Nếu xem lại băng quay chậm, đây thậm chí có thể là một tình huống buộc Liverpool phải chơi với 10 người trong suốt thời gian còn lại của trận đấu.
Chỉ khi trận đấu bước vào phút bù giờ cuối cùng, AS Roma mới được nhận uả penalty sau khi Ragnar Klavan để tay chạm bóng trong vòng cấm. Song đó cũng là những nỗ lực cuối cùng của đại diện đến từ Italy bởi ngay sau đó, vị trọng tài này đã thổi hồi còi mãn cuộc khi bóng vừa trở lại cuộc chơi.
Chưa thể khẳng định AS Roma có thể lội ngược dòng trong trận đấu này hay không. Tuy nhiên, nếu được hưởng 2 quả phạt đền từ sớm, cục diện trận đấu sẽ hoàn toàn khác và thầy trò HLV Eusebio Di Francesco ít nhất đã có thể kéo Liverpool vào hiệp phụ.
Nên hay không sử dụng VAR?
Những quyết định gián tiếp làm ảnh hưởng đến kết quả của trận đấu thêm một lần nữa lại dấy lên tranh cãi: nên hay không sử dụng VAR (công nghệ vide trợ giúp trọng tài) trong các trận đấu bóng đá?
Tình huống trọng tài không cho AS Roma hưởng quả penalty. Ảnh: Sports. |
Đầu năm nay, Premier League, Champions League và Europa League là 3 giải đấu lớn tuyên bố không sử dụng VAR. Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin nói rằng: “Chúng tôi không hề phản đối công nghệ này. Thay vào đó, UEFA sẽ chú trọng vào công tác đào tạo đội ngũ trọng tài để có thể hạn chế tối đa những sai sót. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định sau khi xem VAR làm được gì trong World Cup năm nay”.
Nhiều người cho rằng sự tiến bộ của khoa học công nghệ sẽ triệt tiêu đi cảm xúc của con người. Cụ thể hơn, với công nghệ VAR, những quyết định của trọng tài sẽ có thiên về lý trí nhiều hơn là cảm xúc - điều vốn dĩ đã trở thành “đặc sản” của bóng đá.
Tuy nhiên, sau cặp đấu bán kết này, Liên đoàn bóng đá châu Âu rất có thể sẽ bị chỉ trích nặng nề khi mà UEFA từ lâu đã được cho là có phần “thiên vị” đối với một số đội bóng.
Bên cạnh đó, quyết định có hay không sử dụng VAR chắc chắn sẽ còn được đặt lên bàn cân thêm nhiều lần nữa. Giới lãnh đạo sẽ còn phải đau đầu dài dài bởi khi lựa chọn, họ phải chấp nhận đánh đổi.