Những người kinh doanh các mặt hàng từ đồ dùng cá nhân như mỹ phẩm, túi xách đến các loại dịch vụ cắt tóc, du lịch đều tìm cách gắn từ khóa “sống chung với mẹ chồng” để thu hút sự chú ý.
Từ khoá về bộ phim này xuất hiện dày đặc trên các trang báo cũng như các trang mạng xã hội. Cũng từ đó, không khó để bắt gặp những quảng cáo ăn theo sức nóng của bộ phim, từ những đồ dùng được nhân vật sử dụng đến cả những câu nói gây sốt trong bộ phim đình đám này đều được tận dụng triệt để để cho mục đích quảng cáo.
Đua bán đồng hồ, túi xách ăn theo nhân vật con dâu
Đồng hồ, túi xách được nữ diễn viên chính Bảo Thanh sử dụng trong phim được rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook. Dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong những phân cảnh nhỏ, những đồ dùng cá nhân này nhanh chóng lọt vào mắt các cửa hàng online và được rao bán với nhiều mức giá khá nhau.
Nhiều cửa hàng cũng tìm cách "biến hóa" những câu quảng cáo thông thường thành những câu chào mời hấp dẫn có liên quan đến trực tiếp đến nội dung bộ phim đang làm mưa làm gió này. Từ giày dép, quần áo, mỹ phẩm, thuốc giảm cân đến cả những dịch vụ làm đẹp, du lịch, mua bán chung cư đều tìm cách chèn từ khóa hoặc hashtag “Sống chung với mẹ chồng” nhằm gây sự chú ý của cư dân mạng.
Đồng hồ, túi xách giống của nữ diễn viên chính Bảo Thanh sử dụng trong phim được rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook
. |
“Trước khi về sống chung với mẹ chồng nhất định phải ăn thử những món này” hay "Trước khi giống cô con dâu Thanh Vân chị em phải tự sắm cho mình những thứ này” là những câu quảng cáo phổ biến trên mạng xã hội Facebook vài tuần trở lại đây.
Gần đây nhất, chàng trai làm việc trong một salon tóc đến từ Nghệ An còn gây chú ý khi tạo hình bà Phương (mẹ chồng trong phim) trên tóc. Nhờ sức nóng của bộ phim, không ít người đã tìm đến salon tóc của anh để được thực hiện sản phẩm đầy sáng tạo và độc đáo này. Không ít ý kiến cho rằng việc làm này của 9X xứ Nghệ cũng là ăn theo sức nóng của bộ phim.
Theo tìm hiểu của Zing.vn, cuốn tiểu thuyết được cho là nguyên tác kịch bản của bộ phim này cũng đang được săn lùng ráo riết. Trên các trang web mua bán sách trực tuyến, tiểu thuyết của tác giả người Trung Quốc Giả Hiểu luôn trong tình trạng hết hàng.
Bài toán về chất lượng sản phẩm
Việc kinh doanh các sản phẩm ăn theo phim ảnh hay các chương trình truyền hình thực tế vốn dĩ không phải là câu chuyện mới lạ. Nhiều năm gần đây, khi trào lưu mua bán online, mua bán qua mạng xã hội phát triển, việc kinh doanh loại này càng trở nên ồ ạt.
Tại Việt Nam, nhờ hiệu ứng từ các bộ phim đình đám của xứ Hàn, hàng loạt sản phẩm xuất hiện trên phim được rao bán tràn lan. Trang phục, phụ kiện, mỹ phẩm thậm chí là đồ uống, đồ ăn đều được săn lùng ráo riết. Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, không ít cơ sở kinh doanh đã đón đầu xu hướng, sản xuất và phân phối các sản phẩm này, kiếm được một khoản từ các cơn sốt.
Chị Quỳnh Chi, chủ một cửa hàng thời trang trên địa bàn Hà Nội, cho biết sau cơn sốt của bộ phim Hậu duệ mặt trời, cửa hàng chị bán được gần 500 sản phẩm gồm quần áo, váy được nhại lại theo trang phục của nữ diễn viên chính Song Hye Kyo.
Từ việc kinh doanh loại sản phẩm này, chị Chi cho hay ngay khi có bộ phim hay chương trình hot, chị luôn để ý các loại xuất hiện trên phim để đặt hàng sản xuất. Những sản phẩm này bán chạy hơn nhiều so với các loại thông thường.
Những câu thoại trong phim cũng được tận dụng vào quảng cáo bán sản phẩm. |
Tuy nhiên, câu chuyện mua bán các món đồ được cho là ăn theo phim này luôn nảy sinh những vấn đề phức tạp, một trong số đó là liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Những đồ dùng xuất hiện trong phim ảnh đa số đều có giá cao vượt quá túi tiền của đại bộ phận giới trẻ Việt. Do đó, nhiều cơ sở sản xuất đã bắt chước hình thức và bán lại với giá thành hợp lý hơn.
Thời điểm bộ phim Người thừa kế (The Heir) phát sóng, chị Mai Hiền (Nam Định) đặt mua áo len từ một cửa hàng online với giá 200.000 đồng (giá gốc của sản phẩm là hơn 3 triệu đồng).
Dù được người bán quảng cáo về chất lượng hàng không khác nhiều hàng "trong phim", chị Hiền không khỏi thất vọng khi nhận về chiếc áo đã đặt mua. Màu sắc chiếc áo khá nhạt so với áo len Krystal Jung mặc trong bộ phim, đường may vụng về, chất vải thô,…
Chị Hiền cho biết sau một vài lần mua loại hàng hoá ăn theo này, chị không còn bất ngờ về chất lượng sản phẩm nữa. “Tiền nào của nấy, giá thành những món đồ mình mua rất rẻ so với giá gốc nên chất lượng kém cũng là điều đương nhiên”, chị Hiền nói.