Dù đưa ra giải thưởng “khủng” trị giá hàng tỷ đồng như xe hơi... và đặc biệt yêu cầu khách hàng phải trả tiền trước qua tài khoản khi mua sản phẩm nhưng thông tin giới thiệu về công ty rất sơ sài, không có thông tin gì về chủ sở hữu, tên thương nhân...
Trò đố ai giải cũng đúng
Trong một xấp tờ rơi, quảng cáo đủ loại đặt trên bàn cà phê, anh Tuấn (TP Huế) bị thu hút bởi trò đố của một công ty có tên Best Products: “Giải thưởng đặc biệt của năm 2014: Honda CRV vẫn chưa có chủ. Tham gia ngay nếu tìm ra được số may mắn 114, quý khách chính là người trúng giải đặc biệt và sẽ được trao ngay một chiếc ôtô Honda CRV”.
Thấy thủ tục đơn giản, anh Tuấn làm theo hướng dẫn để tham gia trúng thưởng: “Lấy hai chữ số cuối của năm sinh + số tuổi dương lịch tính đến 2014, nếu kết quả bằng 114 thì quý khách là người thắng cuộc”.
Cộng năm sinh 67 với tuổi mình là 47 thấy kết quả đúng là 114, anh vui mừng gửi thông tin vào địa chỉ của công ty này ở TP.HCM. Vài hôm sau, anh nhận lại một tờ rơi hướng dẫn tiếp tục cuộc chơi. Gọi điện vào số đường dây nóng, nhân viên đơn vị này hướng dẫn muốn tiếp tục hãy đặt mua bất kỳ món hàng gì trong catalogue họ gửi. Công ty này yêu cầu phải chuyển tiền trước mới nhận hàng sau.
Cẩn thận, anh Tuấn vào trang mạng www.bestproducts.com.vn kiểm tra thì thấy thông tin rất giản đơn. Sau đó, vợ anh lật lại trang quảng cáo và thử cộng tuổi mình theo cách trên cũng ra được kết quả đúng là 114.
Thử cộng tuổi từng đứa con của anh chị, kết quả cũng đều ra 114 và theo thể lệ thì coi như bước đầu thành công. “Hóa ra với trò này, bất cứ ai hai số cuối của năm sinh nào cộng với số tuổi dương lịch của người đó đều bằng 114 cả”, anh Tuấn kể.
Trên một quảng cáo khác, đơn vị này tiếp tục rao thưởng với câu đố tìm ra ba số còn thiếu điền vào ô số Sudoku: “Ô số Sudoku kỳ diệu này sẽ mang lại cho quý khách 1 tỉ đồng”, quảng cáo của công ty này đưa lời mời hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tới văn phòng công ty này, một căn biệt thự thuê trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM để thử đăng ký tham gia và xin catalogue, nhân viên công ty mời tìm báo đăng ký và nộp qua bưu điện, dứt khoát không nhận đăng ký trực tiếp dù chúng tôi chuyện trò mặt đối mặt tại văn phòng.
Mua nhiều để trúng thưởng lớn?
Sau khi gửi thư đăng ký tham gia về cho công ty tại TP.HCM, khách được gửi lại một catalogue hàng hóa và hướng dẫn đặt mua hàng để tham gia giải thưởng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này quy định luôn là phải mua lượng hàng trị giá trên 1 triệu đồng mới có cơ hội trúng 1 tỷ đồng này. Khách cũng được khuyến nghị mua càng nhiều thì cơ hội càng cao.
“Giải thưởng” hấp dẫn của một công ty đã thu hút nhiều bạn đọc tham gia mua hàng và giải câu đố. |
Đọc qua catalogue, danh sách hàng hóa bao gồm các thứ hàng gia dụng như xoong nồi, hộp nhựa đựng thức ăn, máy matxa... được bán khắp từ siêu thị, vỉa hè cho tới các trang online. Giá cả nhìn chung tương đồng với giá thị trường, một số mặt hàng có giá nhỉnh hơn mặt bằng chung chút ít. Chẳng hạn, bộ giẻ nhấc nồi có giá gần 100.000 đồng, trong khi giá thị trường cho hàng cùng loại tầm 70.000 - 90.000 đồng.
Anh Nguyễn Văn Nam (quận Gò Vấp) cho biết cũng đã tham gia sau khi giải được câu đố. Tuy nhiên, khi gửi thông tin tới công ty trên, nhận được catalogue và hướng dẫn làm tiếp các bước sau, anh Nam đã từ bỏ vì bắt đầu lờ mờ thấy được mục đích của công ty này.
“Lúc đầu thấy dễ nên tham gia liền. Sau thấy họ nhấn mạnh vào việc mua hàng, mà ghi rõ là mua càng nhiều càng dễ trúng thưởng, phải từ 1 triệu đồng trở lên mới mong trúng 1 tỷ đồng, tôi thấy không ổn. Rõ ràng họ đánh vào kỳ vọng trúng thưởng để dụ mua thật nhiều, trong khi mấy mặt hàng này cần gì mua nhiều vậy, xài sao hết”, anh Nam nói.
Mập mờ thông tin
Trao đổi với PV, đại diện Best Products cho biết đối với hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình khuyến mãi mang tính may rủi, công ty đã đăng ký hoạt động khuyến mãi tại 63 sở công thương khắp cả nước đối với chương trình này.
Trao đổi với trưởng phòng quảng cáo một tờ báo từng đăng chương trình của Best Products, vị này cho biết khi tiếp nhận đơn hàng đều kiểm tra rất kỹ các giấy phép, hồ sơ theo đúng Luật quảng cáo mới cho đăng.
Ông Ngô Bách Phong, chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng nội dung giao kết kiểu mua hàng trúng thưởng như vậy “có vẻ là hợp pháp”. Tuy nhiên, người tiêu dùng bị thiệt thòi do quảng cáo quá so với bản chất hàng hóa, chưa thể hiện được quy trình trả thưởng minh bạch, giao dịch chủ yếu có tính may rủi... có thể xâm hại lợi ích của người tiêu dùng.
“Có thể thấy đây là hình thức kinh doanh mới dựa vào may rủi, cũng như các trò chơi may rủi hiện có nhan nhản trên mạng viễn thông và bắt đầu bị cơ quan quản lý sờ gáy vạch mặt chỉ tên”, ông Phong nói.
Một chuyên gia marketing tại TP.HCM cũng cho rằng ý tưởng về loại hình kinh doanh này khá bài bản và có nhiều công ty áp dụng, song cách quản lý ở VN, từ cơ quan chức năng đến bản thân các doanh nghiệp khởi xướng chương trình, đều chưa chặt chẽ và minh bạch khiến dễ bị hiểu sai lệch và dẫn tới thất bại về lâu dài, sau vài đợt tăng doanh thu nhất thời.
Trong khi đó, luật sư Trần Duy Cảnh - công ty Luật Việt - cho rằng luật pháp không cấm loại hình khuyến mãi để “bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mãi mang tính may rủi”, do được quy định tại Luật thương mại.
Tuy nhiên, theo ông Cảnh, kiểu thanh toán chuyển tiền trước nhận hàng sau chỉ phù hợp với các trang mạng lớn, có uy tín, có địa chỉ, do thương nhân công khai thông tin điều hành. Trong khi đó vào trang web của công ty này tìm mỏi mắt cũng không có những thông tin cần thiết về chủ sở hữu, thương nhân, địa chỉ... “Tôi cho rằng người tiêu dùng không nên tham gia các chương trình mua bán mà thông tin bên bán rất mù mờ như thế này, sẽ vô vọng nếu muốn khiếu nại khiếu kiện người bán” , ông Cảnh nói.
Ông Ngô Bách Phong (Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM):
Cẩn thận với “lợi ảo”
Việc lấy cái “lợi ảo” để câu người tiêu dùng trả tiền thật đã xảy ra nhiều, vì vậy người tiêu dùng cần cảnh giác, đặc biệt với hình thức giao dịch điện tử vì khó kiểm chứng thông tin, khó lưu giữ chứng từ để khiếu nại, tố cáo khi bị lừa.
Hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nghị định về xử phạt tổ chức, cá nhân kinh doanh và cả bên thứ ba về sai phạm trong thông tin với người tiêu dùng đã có, nhưng thực tế còn vướng mắc ở khâu thực thi.
Chẳng hạn, việc phân công cơ quan quản lý và xử phạt còn nhiều lúng túng, chồng chéo nên người tiêu dùng thường xuyên chịu thiệt hại khi rơi vào bẫy của các doanh nghiệp làm ăn gian dối.