Trong phần trả lời chất vấn các đại biểu sáng 13/7, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, cho hay hạ tầng nhiều khu vực đang bị quá tải trong khi việc thi công các dự án gặp khó khăn về mặt bằng cũng như nguồn vốn.
Chờ mặt bằng
Ông Trần Quang Lâm đánh giá cầu Thủ Thiêm 2 kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TP được thiết kế cầu dây văng, hàm rồng rất đẹp nên khi hoàn thành không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà còn là biểu tượng về kiến trúc.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 được đầu tư theo hình thức BT, thi công từ năm 2015 nhưng đến nay mới chỉ đạt hơn 18% khối lượng. Đường dẫn và các trụ cầu phía quận 2 đang triển khai. Trong khi đó, phía quận 1 vừa bắt đầu làm nhưng gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng.
Cầu Thủ Thiêm 2 thi công ì ạch sau 4 năm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Vướng ở đây là mặt bằng liên quan đến đất của Bộ Quốc phòng. Cách đây 1 tháng, Ban Thường vụ Thành ủy đã làm việc với Quân ủy Trung ương, thống nhất trong quá trình làm thủ tục sẽ giao một phần mặt bằng khoảng 5.000 m2 trên đường Tôn Đức Thắng để làm trước”, ông Lâm thông tin.
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết đã làm việc với nhà đầu tư để tháo gỡ những khó khăn, phấn đấu quý II/2020 sẽ hợp long cầu chính. Riêng phần cầu dẫn ở quận 1 từ đường Lê Duẩn băng qua Thủ Thiêm và nhánh cầu Tôn Đức Thắng sẽ cố gắng hoàn thành vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
“Nếu đẩy nhanh tiến độ, cây cầu này sẽ là công trình chào mừng đại hội Đảng, một cây cầu rất đẹp”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ngoài cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng và cầu Thủ Thiêm 1 đã hoàn thành, khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 2 cây cầu nữa kết nối với các khu vực khác của TP. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 3 kết nối với quận 4, cầu Thủ Thiêm 4 kết nối với quận 7.
Ông Lâm nói rằng theo kịch bản, năm 2020 phải xong cả 4 cầu này để đảm bảo kết nối giữa khu đô thị mới Thủ Thiêm đi các hướng.
Nam Sài Gòn còn kẹt xe đến năm 2025
Liên quan đến các dự án trọng điểm, ông Lâm cho hay thời gian qua, thành phố tập trung vào các dự án đường hướng tâm, quốc lộ kết nối TP.HCM với các vùng như quốc lộ 50, 22 và 13. Tiếp đó là các tuyến đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và các dự án giao thông kết nối cảng Cát Lái.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin cơ quan này đã có mô hình đánh giá mô phỏng giao thông. Nếu đúng như mô phỏng dự báo, thành phố đang có 2 điểm nghẽn là sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực phía nam, trong đó năng lực thông hành của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt ngưỡng 1,2 lần.
Đối với giao thông khu Nam Sài Gòn, dự án cầu đường Nguyễn Khoái kết nối quận 7, quận 4 với quận 1 vẫn chưa được HĐND TP thông qua để đưa vào kế hoạch bố trí vốn. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án cầu Bình Tiên kết nối quận 8 với quận 6 cũng nằm trên giấy gần chục năm khiến nhiều đại biểu bức xúc và đề nghị thành phố sớm thực hiện.
Kẹt xe nghiêm trọng trên cầu Kênh Tẻ. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết đến năm 2021, phía nam và cửa ngõ sân bay hướng Trường Chinh - Âu Cơ cũng gặp khó khăn. Đến năm 2025, khi tuyến metro số 1 và BRT đi vào khai thác thì khu vực phía nam Sài Gòn vẫn chưa giải quyết được điểm nghẽn.
“Hiện dự báo này hoàn toàn có cơ sở khoa học dựa trên số liệu thực đến thời điểm 2018 và các điều tra đánh giá”, ông Lâm khẳng định.
Những dự báo này cho thấy các dự án mà HĐND TP ưu tiên bố trí vốn là thực sự cần thiết và cần đẩy nhanh để phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đang kìm hãm sự phát triển các cảng biển khu vực này. Ông Lâm cho biết thành phố đã duyệt dự án và đang duyệt thiết kế nút giao này, tổ chức đấu thầu. Sở GTVT phấn đấu cuối năm nay khởi công và hoàn thành vào quý I/2021.
Trong khi đó, đường Huỳnh Tấn Phát là tuyến vận tải, hiện đã quá tải và làm giảm khả năng vận chuyển hàng hóa từ cảng đi các nơi. Thời gian qua, con đường này đã làm trước được một đoạn từ cầu Phú Xuân ngược về Nguyễn Văn Linh. Đoạn còn lại từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh đã duyệt dự án và thiết kế, chủ đầu tư đang tổ chức đấu thầu, phấn đấu trong quý IV, chậm nhất tháng 12 sẽ khởi công.