Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bàn giải pháp cứu đàn cá Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Quản lý mật độ, loài cá cho phù hợp sức tải dòng kênh, đóng mở hợp lý các cửa ngăn triều, tăng ý thức bảo vệ môi trường là những giải pháp được nhóm nghiên cứu đưa ra.

Ngày 28/10, hội thảo “Cơ sở khoa học về sức tải thủy lực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” đã được tổ chức tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Cân bằng tỷ lệ các loài cá

Ông Trần Văn Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, cho biết cá chết hàng loạt theo định kỳ vào thời điểm chuyển mùa tháng 4 và tháng 5 hằng năm. Năm 2014, cá chết hơn 10 tấn, năm 2015 hơn 20 tấn. Năm 2016, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP thống kê cá chết hơn 70 tấn.

Theo ông Sơn, lượng cá phát triển qua các năm là do sinh trưởng, sinh sản tốt nhờ thức ăn tự nhiên và cá phóng sinh được người dân thả xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào các dịp lễ lớn. Về nguyên nhân cá chết hàng loạt, ông Sơn cho biết do nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ khiến dưỡng khí cho cá bị thiếu.

TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp trong việc vận động nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường, cải tạo kênh bằng chế phẩm khoáng chất tự nhiên, chế phẩm vi sinh hoặc các chế phẩm khác phù hợp với quy định hiện hành trong những năm tiếp theo…

PGS-TS Vũ Cẩm Lương - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết đề tài “Cơ sở khoa học về sức tải thủy lực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” hướng đến việc quản lý đàn cá dựa trên cơ sở khoa học về sức tải thủy vực, tức khả năng dòng kênh tiếp nhận, dung nạp đàn cá.

ca chet tren Nhieu Loc anh 1
Cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào thời điểm chuyển mùa.

Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy các loài cá sống trên kênh chủ yếu là rô phi, chép, trê, rô đồng, tra, cá lóc… Trong đó, cá rô phi chiếm số lượng áp đảo với hơn 84%. Vào thời điểm chuyển mùa mưa, do hệ thống cống thu gom nước thải dùng chung với cống thoát nước mưa, một lượng nước thải hòa lẫn với nước mưa thoát ra ngoài kênh, khiến tăng ô nhiễm kênh nên cá chết hàng loạt.

TS Lương cho rằng việc phát triển cân bằng tỷ lệ các loài cá sinh sống trong dòng kênh sẽ bảo đảm môi trường sống, giảm thiểu tình trạng cá chết. Do vậy, cần phải có quá trình quản lý đàn cá ở mức phù hợp với sức tải sinh thái của môi trường. Nếu để lượng cá rô phi phát triển quá nhanh sẽ dẫn đến mất cân bằng chuỗi thức ăn các loài cá.

Vì vậy, phải tăng cường các loài cá có cơ quan hô hấp phụ (trê, rô đồng, tra, lóc…), thích nghi tốt hơn với điều kiện môi trường biến động khi làm lượng DO xuống thấp; đồng thời giảm bớt sự tăng trưởng của cá rô phi.

Cần nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ

Theo TS Lương, các cửa ngăn triều thường được xây dựng nhằm điều tiết lượng nước thủy triều của sông Sài Gòn. Khi mực nước sông vượt ngưỡng 2,8 m, các cửa ngăn triều đồng loạt đóng lại để chống ngập cho nội đô TP.HCM.

Trường hợp mực nước giảm xuống mức dưới 2,8 m, cửa ngăn triều sẽ mở ra tự do. Vào tháng 1 và tháng 3 trong năm, có lúc mực nước thủy triều xuống ở mức cực đại nhưng vì cửa ngăn triều mở tự do, lượng nước trong kênh thoát ra ngoài làm cho hàm lượng DO trong nước xuống thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hô hấp của cá.

Do đó, TP.HCM nên thực hiện việc quản lý đóng mở các cửa ngăn triều vào đầu và giữa mùa mưa theo nguyên tắc không tháo nước quá kiệt, không tháo nước kiệt cực đại vào giữa khuya và sáng sớm để giảm tối đa các thay đổi đột ngột về môi trường, đặc biệt là chỉ số DO tác động lên cá.

Ngoài ra, TS Lương khuyến nghị cần phải chủ động quản lý nguồn cung DO để tăng cường lượng ôxy trong nước bằng những biện pháp cụ thể, như: thiết lập máy quạt nước, đặt các máy phun nước tạo ôxy trên dòng kênh. Việc đưa ôxy vào nước sẽ giúp trung hòa các chất hữu cơ làm sạch thủy vực, cải tạo môi trường dòng kênh.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho rằng để bảo đảm sự phát triển của đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cần có những giải pháp căn cơ, sự quản lý đồng bộ của nhiều cơ quan quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cả cộng đồng. Với đề tài nghiên cứu của PGS-TS Vũ Cẩm Lương, bà Cúc đề nghị lập thành báo cáo hoàn chỉnh để kiến nghị UBND TP.HCM các giải pháp thực hiện.

Cá nổi trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, vô số cá bất ngờ nổi dày đặc trên mặt nước, ngoi ngóp thở không khí cùng hàng nghìn xác cá chết nằm rải rác dọc bờ kênh.

Khuyến khích không phóng sinh cá rô phi

Đại diện Quan Âm Tu viện (đường Trường Sa, phường 2, quận Phú Nhuận) cho biết những năm trước, hằ̀ng tháng, tu viện tổ chức phóng sinh 2 lần, mỗi lần khoảng 500-1.000 kg cá giống.

Các loại cá được phóng sinh là rô phi, chép và trê do chúng dễ sống. Sau sự cố cá chết hàng loạt vừa qua, tu viện không thả cá nữa mà chuyển sang mua thức ăn cho chúng. Khi nghe thông tin cá rô phi áp đảo trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vị đại diện này cho biết sẽ khuyến khích phật tử không phóng sinh cá rô phi nữa.


http://nld.com.vn/ban-doc/ban-giai-phap-cuu-dan-ca-nhieu-loc-thi-nghe-20161028225838526.htm

Theo Sỹ Đông/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm