Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bản đồ chi tiết gần 2 tỷ ngôi sao trong Dải Ngân hà

Các nhà nghiên cứu thuộc dự án Kính viễn vọng Gaia vừa công bố dữ liệu, bản đồ chi tiết nhất của gần 2 tỷ ngôi sao trong Dải Ngân hà.

Ngày 13/6, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã đăng tải bộ dữ liệu mới nhất từ Kính viễn vọng Gaia, thuộc dự án lập bản đồ các nguồn sáng của Dải Ngân hà. Chúng bao gồm hàng tỷ ngôi sao và tiểu hành tinh, có thể nhìn thấy từ Trái Đất bằng mắt thường.

Bộ dữ liệu mới công bố của Gaia chứa bản đồ vị trí khoảng 1,8 tỷ ngôi sao nằm trong, hoặc rất gần so với Dải Ngân hà. Với các ngôi sao nằm trong mục tiêu nghiên cứu, các thông tin mới được công bố gồm tính chất hóa học, tính kim loại, nhiệt độ, khối lượng, tuổi và vận tốc chuyển động, được phân tích bằng cách tách ánh sáng từ quang phổ của sao thành các màu cấu thành.

Su menh lap ban do bau troi co buoc tien moi anh 1

Tính kim loại của các sao trong Dải Ngân hà, chấm xanh biểu thị hàm lượng kim loại thấp, chấm đỏ là các sao "giàu" kim loại. Ảnh: ESA/GAIA/DPAC.

Trước đó vào tháng 12/2020, ESA đã chia sẻ thông tin cơ bản về màu sắc, độ sáng của các ngôi sao. Nhờ tính toán thêm vận tốc xuyên tâm của khoảng 33 triệu ngôi sao, các nhà khoa học đã xác định tốc độ di chuyển nhanh/chậm của chúng khi đến gần hoặc ra xa Trái Đất. Kết hợp những dữ liệu trước đây, chúng ta đã có thông tin chuyển động 3 chiều của các sao.

Bộ dữ liệu mới công bố cũng cho thấy Gaia có khả năng nghiên cứu về dao động của sao, gọi là asteroseismology. Đây là nghiên cứu tập trung vào sự cộng hưởng bề mặt của sao (subtle surface resonances), giúp các nhà khoa học xác định kích thước và tuổi của chúng.

Theo BBC, toàn bộ dữ liệu hiện có của Gaia gồm 2 tỷ nguồn sáng, đa số là ngôi sao cùng các vật thể trong Hệ Mặt Trời và Dải Ngân hà. Tiếp theo là dữ liệu quang phổ tiết lộ nhiệt độ, tính chất hóa học, khối lượng và tuổi của hàng trăm triệu vật thể.

Su menh lap ban do bau troi co buoc tien moi anh 2

Gaia còn có thể nhìn thấy những sao di chuyển ra xa Trái Đất (vùng sáng) và đến gần hơn (vùng tối). Ảnh: ESA/GAIA/DPAC.

Kính viễn vọng Gaia còn giúp các nhà khoa học thu thập dữ liệu của 1,9 triệu chuẩn tinh (quasar hay quasi-stellar, thiên thể giống sao, cách xa hàng tỷ năm ánh sáng và có độ sáng còn lớn hơn thiên hà thông thường), cuối cùng là 156.000 tiểu hành tinh để tìm hiểu nguồn gốc, khả năng chúng di chuyển đến gần Trái Đất.

"Về cơ bản, trước đây chúng tôi có thể cho biết chính xác các ngôi sao nằm ở đâu, bây giờ thì có thể nói chúng là gì", Giáo sư Nick Walton từ Đại học Cambridge, thành viên của nhóm khoa học Gaia cho biết.

Kính viễn vọng Gaia được ESA phóng lên không gian vào năm 2013, cách Trái Đất hơn 1,6 triệu km. Với khả năng quay 1 độ/phút quanh trục, Gaia có thể chụp lại các vật thể phát sáng hoặc chuyển động xung quanh với camera độ phân giải tỷ pixel do Anh chế tạo, giúp đo vị trí và khoảng cách của chúng.

Su menh lap ban do bau troi co buoc tien moi anh 3

Kính viễn vọng Gaia được phóng lên không gian từ năm 2013. Ảnh: ESA.

Những thông tin từ Gaia giúp các nhà nghiên cứu hiểu biết thêm về cấu trúc và sự phát triển của Dải Ngân hà. Không chỉ lập bản đồ 3D các ngôi sao trong Dải Ngân hà, Gaia còn hỗ trợ lập bản đồ một số sao thuộc Thiên hà Tiên nữ, giúp chúng ta biết được thời điểm nó sẽ hợp nhất với Dải Ngân hà, dự kiến xảy ra trong vài tỷ năm tới.

Khi phân tích dữ liệu của Gaia, một số chủ đề cũng được giới nghiên cứu quan tâm như tìm kiếm những ngôi sao có vận tốc cao (hàng trăm km/s), tính kim loại của các sao.

Đến nay, các dữ liệu được công bố chỉ bao gồm 34 tháng hoạt động đầu tiên của kính viễn vọng. Với việc Gaia tiếp tục thu thập dữ liệu đến năm 2025, nhiều khả năng phải đến cuối thập kỷ, hoặc đầu những năm 2030, toàn bộ dữ liệu mới được xử lý và công bố rộng rãi.

Giải mã bí ẩn về những 'hòn đá biết đi' ở Thung lũng Chết Hiện tượng hòn đá chuyển động ở Thung lũng Chết cần hội tủ đủ các điều kiện môi trường khác nhau bao gồm: nước, nhiệt độ thấp vào mùa đông và tốc độ gió đủ lớn.

NASA mất 2 vệ tinh do tên lửa phóng thất bại

Hợp tác với công ty vũ trụ tư nhân để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên NASA đã mất tổng cộng 6 vệ tinh sau 2 lần phóng tên lửa thất bại.

Những kính viễn vọng có thể thay đổi cách con người nhìn vũ trụ

Trong 10 năm tiếp theo, những kính viễn vọng không gian như Extremely Large, James Webb hay Thirty Meter được kỳ vọng thay đổi cách con người nhìn nhận vũ trụ.

Giả thuyết mới về vũ trụ đối xứng

Các nhà khoa học cho rằng tồn tại phiên bản đối xứng của vũ trụ với hạt mang điện tích ngược và thời gian đi lùi.

Phúc Thịnh

Theo BBC

Bạn có thể quan tâm