Thời gian tiêm mũi tăng cường được ban chuyên gia đề nghị là 5 tháng từ sau khi tiêm mũi 2, theo Reuters.
"Số ca mắc Covid-19 đang gia tăng tại các bệnh viện và bệnh viện nhi ở Mỹ", tiến sĩ Katherine Poehling - thành viên Ủy ban Cố vấn về Tiêm chủng (ACIP) và cũng là giáo sư tại Trường Y khoa Wake Forest - cho biết. "(Liều vaccine tăng cường) là công cụ chúng ta cần sử dụng, để giúp con cái mình vượt qua đại dịch".
Khuyến nghị trên cần sự phê duyệt từ giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ để chính thức được triển khai.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky dự kiến xem xét quyết định và sớm thông qua ngay trong tuần này.
Hôm 3/1, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng cho phép trẻ em nhóm 12-15 tuổi được tiêm liều tăng cường.
Cần cả FDA và CDC phê duyệt để chiến dịch tiêm vaccine mũi tăng cường cho trẻ 12-15 tuổi ở Mỹ bắt đầu. Ảnh: Reuters. |
Tiến sĩ Peter Marks, chuyên gia hàng đầu tại FDA, cho biết việc mở rộng đối tượng trẻ 12-15 tuổi là hợp lý, khi số ca bệnh tại Mỹ đang tăng cao kỷ lục.
Tỷ lệ lây nhiễm tăng cao khi người lao động và trẻ em quay lại nhịp sống thường ngày sau kỳ nghỉ lễ, làm dấy lên lo ngại quá tải hệ thống y tế, khiến doanh nghiệp và trường học có thể phải đóng cửa.
Một số nhà khoa học lo ngại việc tiêm nhắc lại, do số ít trường hợp viêm cơ tim hiếm gặp liên quan đến vaccine Pfizer và Moderna, đặc biệt là ở trẻ em nam.
Tuy nhiên, FDA dẫn bằng chứng từ Mỹ và Israel cho thấy nguy cơ viêm cơ tim ở nam giới 18-40 tuổi sau khi tiêm nhắc lại thấp hơn đáng kể so với liều thứ 2.
Theo dữ liệu Bộ Y tế Israel, chỉ có 2 trường hợp viêm cơ tim trong số 44.000 trẻ 12-15 tuổi được tiêm liều thứ ba bằng vaccine Pfizer.