Bạn đã bao giờ băn khoăn chiếc sạc điện thoại, laptop, tablet tiêu tốn bao nhiêu tiền mỗi năm nếu như lười tháo chúng ra khỏi ổ điện sau khi sạc xong? Thử nghiệm của How To Geeksẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Bạn có thể đo mức hao phí điện năng của sạc điện thoại bằng cách nào?
Thiết bị được sử dụng trong thử nghiệm dưới đây là Kill A Watt, một sản phẩm có giá 24 USD (tức khoảng hơn 500.000 đồng) trên Amazon. Cách sử dụng bộ đo điện năng sử dụng này rất đơn giản: Bạn chỉ cần cắm bộ đo vào ổ điện rồi cắm thiết bị mình đang sử dụng vào bộ đo. Màn hình của bộ đo sẽ hiển thị cho bạn lượng điện năng mà thiết bị sử dụng của bạn đang tiêu tốn.
Bạn có thể tìm các bộ đo tương tự như Kill A Watt để đo mức điện năng sử dụng của các thiết bị điện tử, điện lạnh trong nhà. Khi nhân con số chênh lệch do thiết bị này thông báo với giá điện của nhà cung cấp, bạn có thể dễ dàng tính toán được chi phí do thiết bị của mình tiêu tốn.
Mỗi bộ sạc sẽ sử dụng bao nhiêu điện?
Bài thử đầu tiên sẽ lần lượt thử nghiệm lần lượt các bộ sạc đến từ các thiết bị phổ biến như iPhone, iPad, MacBook, smartphone Android, tablet Android, sạc laptop chạy Windows, sạc ChromeBook và cả sạc máy chơi game Nintendo 3DS.
Điều đáng nói là với tất cả các bộ sạc đã thử nghiệm, trang tin công nghệ này luôn nhận được kết quả là 0,0 Watt trên thiết bị đo của mình. Điều đó có nghĩa rằng bạn có lẽ sẽ không cần tháo rời bộ sạc khi không sử dụng nếu như lo ngại về tình trạng tốn điện vô ích.
Nhưng dĩ nhiên mức 0,0 chỉ là tương đối
Rõ ràng là các thiết bị điện không thể không tiêu tốn một chút ít điện năng nào. Con số 0,0 mà How To Geek nhận được chỉ có thể là do mức điện năng tiêu tốn nhỏ tới mức thiết bị buộc phải làm tròn về mức 0.
Ý tưởng lúc này là sử dụng một bộ cổng cắm kéo dài có nhiều ổ để đo tổng mức tiêu thụ của rất nhiều loại sạc. Mặc dù bộ cổng cắm dùng trong thử nghiệm có gắn đèn LED nhưng mức độ tiêu thụ khi đo bằng máy Kill A Watt vẫn là 0,0. Tiếp sau đó, dù đã gắn vào rất nhiều cổng sạc nhưng mức điện tiêu thụ đo được vẫn chỉ là 0,0.
Cuối cùng, sau khi cắm đầy đủ 6 cổng của bộ cổng chia này, mức đồng hồ đo được mới tăng lên 0,3 watt. 6 bộ sạc nói trên bao gồm sạc của: iPhone 6, iPad Air, MacBook Air 2013, Surface Pro 2, Samsung ChromeBook và Nexus 7.
Bạn sẽ tốn bao nhiêu tiền mỗi năm cho các cổng sạc không sử dụng?
Giả sử bạn sẽ cắm sạc 24 giờ mỗi này, 7 ngày mỗi tuần trong vòng cả năm. Như vậy, bạn sẽ cắm sạc 8.760 giờ liên tục. Điện năng tiêu thụ khi cắm cả 6 chiếc sạc nói trên sẽ là 2,628 kilowatt giờ (kWh).
Theo giá điện dân dụng cao điểm tại Việt Nam là vào khoảng 2.300 đồng ở thời điểm hiện tại, mức tiền mà bạn tiêu tốn trong vòng 1 năm nếu không tháo sạc sẽ là vào khoảng 6.000 đồng.
Dĩ nhiên, mức tiêu tốn thực tế sẽ thấp hơn bởi 2 lý do: Thứ nhất, bạn sẽ có lúc tháo sạc và cũng có lúc cắm sạc vào thiết bị, do đó mức tiêu tốn sẽ không áp dụng. Thứ hai, giá điện được sử dụng ở trên là mức cao điểm, cao hơn đáng kể so với giá điện vào giờ thấp điểm.
Nói tóm lại, thử nghiệm này cho thấy rằng khoản tiền mà bạn tiết kiệm được khi chịu khó tháo sạc không sử dụng trong vòng 1 năm sẽ là... ngang ngửa một que cây kem ốc quế.
Thử nghiệm này chỉ mang tính tương đối
Bên cạnh 2 yếu tố kể trên, một yếu tố khác có thể dẫn tới giá điện thay đổi là mức tiêu thụ thực tế của từng loại sạc. Ví dụ, sạc iPad có thể tiêu tốn nhiều điện hơn iPhone, sạc laptop có thể tiêu tốn nhiều điện hơn tablet... Do đó mức chi phí thực tế mà bạn sẽ phải trả khi cắm sạc quanh năm suốt tháng có thể sẽ lớn hơn mức 6.000 đồng mà chúng ta vừa tính ở trên. Song, thử nghiệm của How To Geek cũng đã cho thấy lượng điện năng tiêu thụ thực tế khi cắm sạc quanh năm sẽ là không đáng kể.
Dù thực tế là như vậy nhưng trên diện rộng, với số lượng thiết bị điện tử nhiều như hiện nay, tổng mức điện năng bị lãng phí vô ích vào hành vi cắm sạc khi không sử dụng sẽ là khá lớn. Điều này có nghĩa rằng nếu thực sự có ý thức bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên điện, bạn vẫn nên tháo sạc khi không sử dụng.