Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Bạn có đang trải qua 'hội chứng sợ chiều chủ nhật'?

Người đi làm hầu hết có chung một mối lo, và đó là sự căng thẳng mỗi chiều chủ nhật.

hoi chung so ngay chu nhat anh 1

Người đi làm hầu hết có chung một mối lo, và đó là sự căng thẳng mỗi chiều chủ nhật.

hoi chung so ngay chu nhat anh 2hoi chung so ngay chu nhat anh 3

Điểm chính:

  • Sunday Scaries là một dạng của chứng lo âu chờ đợi.
  • Ngoài tác động tâm lý, hội chứng này cũng đem đến một số biểu hiện thể chất.
  • Xem xét mối quan hệ của bạn với công việc, sắp xếp thời gian hợp lý và tự tạo động lực là cách vượt qua.

Đã bao giờ bạn cảm thấy lo lắng, bồn chồn từ trưa đến tối chủ nhật khi nghĩ về một tuần dài sắp đến?

Bạn không phải là trường hợp duy nhất. Sunday Scaries đến với rất nhiều người. Trong một khảo sát của trang Monster, có đến 76% người tham gia nói họ thấy bất an vào mỗi tối cuối tuần, thậm chí mất ngủ khi nghĩ về to-do list của mình.

Bài viết sau sẽ giải thích lý do, đồng thời gợi ý bạn cách tiến vào tuần mới dễ chịu hơn.


Sunday Scaries là gì?

Theo Tiến sĩ Susanne Cooperman, một nhà tâm lý học thần kinh và phân tâm học, Sunday Scaries, hay hội chứng sợ ngày chủ nhật, xuất phát từ việc bộ não dự đoán về những sự kiện sắp xảy ra.

Nói cách khác, đây là một dạng của chứng lo âu chờ đợi (anticipatory anxiety), nghĩa là ta cảm nhận được nỗi sợ hãi ngay cả khi chưa đối mặt với vấn đề.

Một ví dụ đơn giản là người sợ kim tiêm thường lo lắng khi vừa bước chân đến bệnh viện, dù họ chưa nhìn thấy hoặc chưa tới lượt tiêm ngừa.

Nỗi sợ ngày chủ nhật cũng ảnh hưởng đến tâm lý của bạn tương tự. Giống với mọi rối loạn lo âu khác, nó còn tác động đến thể chất. Cụ thể là khiến cơ thể giải phóng adrenaline và cortisol.

Đây là những hormone khiến tim đập nhanh, tăng huyết áp và tác động quá trình tiêu hóa, theo Webmd. Chúng tiết ra càng nhiều, bạn càng cảm thấy hồi hộp, sợ hãi.

Kết quả là thay vì tận hưởng thời gian rảnh rỗi, bạn than vãn, rên rỉ hoặc trải qua đêm cuối tuần trong hoang mang.


Vì sao chúng ta căng thẳng?

Mỗi người có lý do khác nhau để cảm thấy "đứng ngồi không yên". Ở góc độ tâm lý, nỗi sợ hãi mà bạn cảm nhận khi bước vào tuần mới có thể là phản ứng của cơ thể trước nhận thức về một mối đe dọa nào đó.

Verywell Mind đã chỉ ra 2 nguyên nhân phổ biến, bao gồm:

- Kiệt sức: Tình trạng burn out không mới, nhưng dường như trở nên nghiêm trọng hơn sau giai đoạn làm việc tại nhà.

Vì bận rộn trong tuần, nhiều người dành cả ngày thứ 7 để làm việc nhà, chăm sóc gia đình, hoặc tiếp tục xử lý deadline. Khi ngẩng mặt lên, họ chỉ còn ít hơn 24h để thư giãn và thực hiện các sở thích của mình.

Việc thiếu cân bằng về thời gian khiến ngày nghỉ trôi qua nhanh chóng, góp phần gợi chúng ta liên tưởng đến Sunday Scaries.

- Các vấn đề liên quan đến công việc: Lo lắng cho kế hoạch sắp đến là điều bình thường. Tuy nhiên, với một số người, hội chứng sợ ngày chủ nhật có thể là dấu hiệu của những bất ổn sâu xa hơn.

Có thể bạn đã nghiện làm việc đến nỗi đưa stress từ công việc vào đời tư.

Có thể bạn thực chất không thích trách nhiệm hàng ngày, không thích cách làm việc của người quản lý, hoặc bạn ở trong một môi trường độc hại và để tinh thần xuống dốc.

Lúc đó, điều bạn nên làm là dành thời gian suy nghĩ về cảm xúc của mình, đồng thời tìm hướng giải quyết cụ thể. Vấn đề không nằm ở ngày chủ nhật mà nằm ở mối quan hệ của bạn với nghề nghiệp.


Đối diện với Sunday Scaries như thế nào?

- Ngủ đủ giấc: Những giấc ngủ sâu 7-8 tiếng mỗi tối sẽ giúp bạn làm mới tinh thần và minh mẫn. Trong khi đó, thiếu ngủ lại là yếu tố khiến tâm trạng thay đổi theo hướng tiêu cực.

Vào tối thứ 7, bạn có thể cho phép mình thong thả một chút nhưng không nên thức quá khuya, dậy quá muộn, Insider gợi ý.

- Tạo ranh giới cho công việc: Trong 5 hoặc 6 ngày làm việc, hãy xác định khi nào là thời gian xử lý task, khi nào là lúc cần dừng lại và nghỉ ngơi.

Tương tự với cuối tuần, thay vì nghĩ về chuyện văn phòng, bạn nên có kế hoạch riêng như thử công thức nấu ăn mới, tập gym, hẹn gọi điện thoại với bạn bè,... để bắt đầu tuần mới mà không tiếc nuối.

- Xoa dịu tinh thần: Bạn có thể tự trấn an mình trước Sunday Scaries bằng một vài phương pháp tĩnh tâm như đọc sách, tắm nước ấm, nghe nhạc, chơi với thú cưng, tập các bài giãn cơ,...

Nếu khu vực xung quanh nhà bạn đủ điều kiện, 30-60 phút đi dạo cũng hữu ích trong việc thả lỏng tâm trí.

Theo Tiến sĩ tâm lý Rachel Goldman, trọng tâm của các hành động trên là bạn tìm cách "đánh lạc hướng" chính mình, tạm quên đi những việc trước mắt và tập trung vào thời gian riêng tư. Nhờ vậy, Sunday Scaries sẽ không thể làm phiền bạn.

- Tìm kiếm sự giúp đỡ của đồng nghiệp: Thông thường, nỗi sợ ngày chủ nhật đến từ sự không hài lòng về chính mình hay công việc. Bằng cách kết nối với ai đó hiểu tính cách và vị trí của bạn, bạn có thể có thêm nguồn chia sẻ khi bối rối.

Những người này cũng có thể cho bạn lời khuyên khi cần. Hơn nữa, có bạn bè đồng hành giúp ngày làm việc dễ chịu và thú vị hơn.

- Biến thứ 2 trở thành ngày đáng chờ đợi: Không ít người sợ đi làm vào thứ 2 vì đó là ngày có nhiều cuộc họp và báo cáo căng thẳng. Dĩ nhiên, bạn khó thay đổi lịch trình chung của công ty, nhưng bạn có thể tự tạo niềm vui bằng các cách cá nhân hơn.

Ví dụ, bạn có thể quy định thứ 2 là ngày mình được ăn món khoái khẩu trong bữa trưa, hoặc xem 1-2 tập phim yêu thích vào buổi tối.

Dần dần, khi đã quen với nhịp sinh hoạt, bạn sẽ ít ghét tuần mới hơn, từ đó giảm cảm giác lo lắng trong chủ nhật.

Thiên Hân

Đồ họa: Hina

Bạn có thể quan tâm