Việc kẻ xấu sử dụng thiết bị kết nối Internet để theo dõi vị trí của nạn nhân dễ dàng hơn bạn nghĩ. Ảnh: Wired. |
Sau 10 năm chung sống với chồng, Christine Dowdall (59 tuổi) muốn ly hôn vì anh ta đã lạm dụng và không chung thủy với cô. Tháng 9/2022, sau một cuộc cãi vã có dấu hiệu bạo lực, Dowdall đã trốn khỏi nhà ở Covington, Louisiana (Mỹ), lái chiếc Mercedes-Benz C300 đến nhà con gái.
Chồng cô không muốn để cô đi. Anh ta đã gọi điện cho cô nhiều lần. Đầu tiên là cầu xin cô quay lại, sau đó là đe dọa. Dowdall cho biết cô đã ngừng trả lời, mặc dù anh ta nhắn tin và gọi điện hàng trăm lần.
Thời điểm đó, người phụ nữ bắt đầu phát hiện một thông báo lạ trên màn hình chiếc Mercedes của mình. Thông báo đến từ một dịch vụ định vị có tên là “mbrace”. Cô chụp ảnh và tìm kiếm cái tên này trên Internet. “Lúc đó tôi mới nhận ra, ôi Chúa ơi, anh ta đang theo dõi tôi”, Dowdall nói.
“Mbrace” là một tiện ích của “Mercedes Me”. Đây là dịch vụ kết nối dành cho ôtô, có thể truy cập thông qua ứng dụng trên smartphone. Dowdall trước đây chỉ sử dụng Mercedes Me để thanh toán khoản vay mua ôtô. Cô đã không nhận ra nó cũng có thể được dùng để theo dõi vị trí chiếc xe.
Một đêm nọ, khi Dowdall đến thăm nhà một người bạn nam, chồng cô đã gửi cho người đàn ông đó một tin nhắn kèm biểu tượng cảm xúc thích. Theo thanh tra phụ trách vụ án của cô, một camera gần đó đã ghi lại cảnh xe của anh ta xuất hiện trong khu vực này.
Ôtô là “smartphone có bánh”
Đối với nhiều người, ôtô là một nơi rất riêng tư. Song trên thực tế, không đâu thiếu an toàn hơn ở đây, New York Times nhận định.
Một người phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện rùng rợn về việc người chồng cũ theo dõi cô thông qua chiếc Mercedes-Benz cô lái. Ảnh: New York Times. |
Những chiếc ôtô hiện đại ngày nay thường được gọi là “smartphone có bánh xe” vì chúng có kết nối Internet và vô số phương pháp thu thập dữ liệu, từ camera, cảm biến trọng lượng ghế cho đến theo dõi mức độ phanh và góc cua của người lái.
Chuyên viên nghiên cứu quyền riêng tư Jen Caltrider tại Mozilla cho biết hầu hết tài xế không nhận ra xe của họ đang thu thập bao nhiêu thông tin và ai có quyền truy cập vào thông tin đó.
Ai cũng nghĩ xe của họ là nơi riêng tư nhất. “Nếu chỉ là một chiếc máy tính bình thường, bạn sẽ biết camera ở đâu và có thể dán băng dính để ngăn ghi hình. Nhưng khi đã mua một chiếc ôtô và nhận thấy nó không đảm bảo quyền riêng tư, bạn phải làm gì đây”, chuyên gia Caltrider đặt vấn đề.
Đối với nhiều người, ưu điểm của hệ thống thông minh trên ôtô là tất cả dữ liệu được đồng bộ trên smartphone. Nó giúp họ kiểm tra vị trí của ôtô khi họ quên vị trí đỗ xe, khóa và mở khóa xe từ xa...
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những tính năng tiện lợi này biến thành vũ khí tiếp tay cho các vụ quấy rối, trong khi các nhà sản xuất ôtô không hề có ý hỗ trợ nạn nhân. Điều này lại càng phức tạp khi nạn nhân là người đồng sở hữu xe hoặc không có tên trên giấy chủ sở hữu.
Càng tiện lợi, những tính năng trên ôtô càng khiến hàng rào riêng tư của con người mong manh. Ảnh: iStock. |
Là người phụ trách điều tra chồng Dowdall về tội theo dõi, thanh tra Kelly Downey cũng đã liên hệ với Mercedes hơn chục lần nhưng không có kết quả. Trước đó, cô từng giải quyết một trường hợp quấy rối liên quan đến một ứng dụng kết nối qua ôtô.
Một người phụ nữ bị chồng bật hệ thống chiếc Lexus của cô khi nó đang đậu trong gara vào lúc nửa đêm. Đương nhiên, thanh tra Downey đã không thể yêu cầu hãng xe tắt quyền truy cập của người chồng. Do vậy, nạn nhân đành bán chiếc xe của mình.
“Công nghệ có thể là niềm tự hào của nhân loại, nhưng cũng rất đáng sợ vì nó có thể làm tổn thương ta”, nữ thanh tra chia sẻ.
Hệ thống định vị là "điểm mù" của tài xế
Trong trường hợp của Dowdall, cô đã gọi cho bộ phận chăm sóc khách hàng của Mercedes để cố gắng ngắt quyền truy cập vào xe của chồng cũ. Song, cô là người thanh toán, còn khoản vay và quyền sở hữu chiếc xe vẫn đứng tên người chồng cũ.
Do đó, đại diện của Mercedes cho biết anh ta mới là khách hàng. Họ không thể xóa anh ta khỏi ứng dụng và không duyệt lệnh khám xét của cảnh sát, mặc dù Downdall tìm thấy bằng chứng người chồng đang sử dụng Mercedes Me bằng cách lấy hồ sơ hoạt động Internet của anh ta.
Không nhận được sự giúp đỡ từ hãng xe, Dowdall đã trả 400 USD để thợ ngoài vô hiệu hóa tính năng theo dõi từ xa. Điều này cũng vô hiệu hóa hệ thống định vị của ôtô và hệ thống SOS - công cụ để nhận trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp.
“Tôi không quan tâm. Tôi chỉ không muốn anh ta biết tôi ở đâu. Các nhà sản xuất ôtô nên cung cấp khả năng tắt tính năng theo dõi”, người phụ nữ nói.
Hầu hết nạn nhân đều không biết mình bị ôtô theo dõi. Ảnh: Forbes. |
Nói về vấn đề này, luật sư Adam Dodge gọi việc theo dõi qua ứng dụng ôtô là “điểm mù đối với nạn nhân và nhà sản xuất ôtô”. “Hầu hết nạn nhân mà tôi từng nói chuyện đều không biết rằng chiếc xe họ đang sử dụng đã được kết nối ngay từ đầu với ứng dụng theo dõi”, chuyên gia cho biết.
Katie Ray-Jones - Giám đốc điều hành Đường dây nóng Bạo lực Gia đình Mỹ - cho biết những kẻ bạo hành đã sử dụng nhiều loại thiết bị kết nối Internet từ laptop đến các sản phẩm nhà thông minh để theo dõi và quấy rối nạn nhân. Chuyên gia khuyến khích trong một mối quan hệ, mọi người nên có quyền kết nối với các công nghệ được sử dụng để kiểm soát nhà cửa và đồ đạc như nhau.
“Nếu có một ứng dụng đang điều khiển ôtô, cả hai đều cần có quyền truy cập vào ứng dụng đó”, Ray-Jones nói.
Gian lao của Elon Musk khi xây dựng Tesla
Cuốn sách Elon Musk - Đặt cả thế giới lên bốn bánh xe điện kể về hành trình xây dựng công ty Tesla của Elon Musk, câu chuyện của vị giám đốc đầy tham vọng, dám chinh phục thị trường nhiều thách thức.