Thao túng cảm xúc (tác giả Chou Mu-Tzu) hướng dẫn cách tránh bị thao túng cảm xúc, đồng thời tránh vô tình trở thành người đi thao túng, bảo vệ cái tôi của bạn, giúp nó trưởng thành, mạnh mẽ bước đi trước vô vàn mối quan hệ cuộc đời.
Được sự đồng ý của Nhã Nam - đơn vị giữ bản quyền tiếng Việt cuốn sách - Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
“Thao túng cảm xúc” (Emotional Blackmail) là khái niệm mà nhà tâm lý học nổi tiếng Susan Forward đã đưa ra trong cuốn Thao túng cảm xúc.
“Thao túng cảm xúc” thường xuất hiện trong các mối quan hệ giữa con người với con người, bao gồm trong công sở, giữa bố mẹ con cái, vợ chồng, bạn bè…
Kẻ thao túng cảm xúc có thể cố ý hoặc vô tình sử dụng các biện pháp “thao túng” trực tiếp hoặc gián tiếp như yêu cầu, đe dọa, gây áp lực, chiến tranh lạnh… khiến người bị thao túng sản sinh các loại cảm xúc tiêu cực, ví dụ như cảm giác thất bại, cảm giác tội lỗi, cảm giác sợ hãi…
Sách Thao túng cảm xúc do NXB Hà Nội và Nhã Nam phát hành. |
Những cảm giác này sẽ lên men trong lòng người bị thao túng, làm tổn thương họ; để xoa dịu chúng, người bị thao túng có thể sẽ thuận theo yêu cầu của đối phương, lâu dần sẽ hình thành một vòng tròn luẩn quẩn, người bị thao túng bị người thao túng khống chế, kiểm soát mọi quyết định và hành vi của họ bằng những biện pháp như trên, mất đi năng lực và sự tự do “tự quyết”.
Cuối cùng, “cái tôi” của người bị thao túng sẽ bị ăn mòn trong quá trình này, cho đến khi họ không còn một chút tâm lực nào nữa thì thôi.
“Thao túng cảm xúc” đúng là một mối quan hệ khó chịu. Hành vi “thao túng” này chẳng phải là “kẻ thao túng không hề quan tâm đến tâm trạng của người bị thao túng, chỉ biết yêu cầu người bị thao túng đáp ứng nguyện vọng của mình” đó sao?
Tại sao nó lại xuất hiện trong một mối quan hệ khá quan trọng với chúng ta như vậy? Hơn nữa, điều đáng sợ nhất là, dường như cả hai bên đều không cảm thấy quan hệ giữa họ có vấn đề.
Tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta không phát hiện ra sự bất thường mà điều chỉnh lại? Và quan trọng hơn nữa là: Mối quan hệ như thế này đã bắt đầu ra sao?
“Nếu như tôi bị ‘thao túng’, tôi phải là người cảm nhận được điều đó, và kẻ thao túng tôi ắt sẽ không quan tâm đến sự sống chết của tôi. Giống như tội phạm thao túng người khác trên phim ảnh vậy, chỉ quan tâm đến việc mình có được thứ mình muốn hay không, còn mặc kệ đối phương sống hay chết. Thế nhưng trong cuộc sống hiện thực, kẻ thao túng cảm xúc này lại là người rất quan trọng đối với tôi… Sao anh ta lại có thể làm như vậy với tôi, không lẽ anh ta cố tình làm vậy? Anh ta không coi trọng tôi sao?”.
Khi bạn đọc xong định nghĩa về “thao túng cảm xúc”, nhìn nhận lại mối quan hệ giữa mình và người quan trọng của mình, thấy nó phù hợp với những gì được miêu tả bên trên, có thể trong lòng bạn sẽ nảy sinh hoài nghi: Không lẽ đối phương không coi trọng mình ư? Không yêu mình ư? Anh ta cố tình làm vậy sao? Anh ta chỉ muốn làm mình đau khổ thôi sao?
Trên thực tế, với tư cách là kẻ thao túng cảm xúc, họ cũng không ý thức được rằng mình đang có hành vi “thao túng cảm xúc”, chỉ là đã quen dùng cách này để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân.
Có thể anh ấy không nhận ra rằng việc này khiến bạn khó chịu, thậm chí, khi đối diện với mối nguy “không được đáp ứng nhu cầu”, anh ta có thể sẽ trở nên hung dữ để bảo vệ quyền lợi bản thân mà không còn tâm trí chú ý đến cảm nhận hay nhu cầu của bạn nữa.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sở dĩ có thể bắt đầu một “vòng tuần hoàn thao túng cảm xúc” chứng tỏ bạn đã chấp nhận kiểu thao túng của kẻ thao túng; bạn tình nguyện dâng hiến những nguồn lực của mình, để đáp ứng nhu cầu của họ, dùng nó để vỗ về con tim bất an của bạn, đổi lấy sự bình yên tạm thời trong lòng bạn.
Đừng quên rằng: Chỉ khi bạn chấp nhận bị thao túng, bạn mới có thể bị thao túng.