Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bàn cờ 9 khúc Biển Đông của Trung Quốc

Tính toán của Trung Quốc để độc chiếm Biển Đông trong phạm vi “cửu đoạn tuyến” (đường 9 đoạn) là một cuộc sắp xếp rất tinh vi, binh pháp chu đáo.

Quy mô xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá Huy Gơ - Ảnh: Võ Xuân Hiệp
Quy mô xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá Huy Gơ. Ảnh: Võ Xuân Hiệp

"Bốn mục đích xây đảo (nhân tạo) của Trung Quốc là: chủ quyền, quân sự, kinh tế biển, kiểm soát giao thương hàng hải, trong đó quan trọng nhất vẫn là chủ quyền".

Giới chuyên gia quốc tế

Nước cờ biến đá thành đảo

Năm 2014, Trung Quốc tập trung bồi đắp xây dựng các bãi đá thành đảo nhân tạo. Bãi Huy Gơ (Tư Nghĩa) được khởi công xây dựng từ ngày 1/1/2014, giờ gần xong, quy mô tạm tính khoảng 8,8 ha.

Trung Quốc đưa các tàu vận tải quân sự chở nguyên vật liệu, sắt đá, máy móc đến và xây dựng ào ạt. Mỗi ngày có 30 - 50 lượt chiếc, lớn nhất là tàu vận tải 42.000 tấn.

Chạy đua với thời gian và ánh sáng công luận thế giới, Bắc Kinh đẩy nhanh tốc độ, tàu vận tải đưa nguyên vật liệu, sắt đá, sà lan có lưỡi xúc ra bãi đá Huy Gơ. Ôtô chạy thẳng từ tàu lên bờ.

Họ trang bị ở đây 4 xe ben, 6 cần cẩu, trong đó có 2 cẩu siêu trường siêu trọng 70 tấn, 4 cẩu loại bình thường, 60 container, 2 máy trộn bêtông loại lớn, 2 xe bồn liên tục chở bêtông tươi đi phụt vào các công trình đang thiết lập.

Trong đợt xây dựng ồ ạt từ đầu năm 2014, họ triển khai đồng loạt trên 7 bãi đá cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988 và năm 1995.

Nhìn chung, công trình xây dựng trên 7 bãi đá này có hình mẫu như nhau. Chúng đều có màu trắng, nhìn xa như một “chiến hạm”, giống một khu trục hạm kiểu 45 của hải quân Hoàng gia Anh. Đê kè xung quanh nghiêng thoai thoải.

Một tòa nhà 7 tầng cao lừng lững gồm 6 tầng dài, một tầng trên ngắn hơn làm đài quan sát. Một cầu cảng được xây dựng ở phía bắc đảo dài 200 m, âu tàu dài 600 m. Từ âu tàu dẫn luồng vào cảng dài 200 m.

Đầu bắc và đầu nam của Huy Gơ đã thành hình 2 lô cốt. Một nhà lục giác ở đầu phía đông nhìn từ đảo Sinh Tồn Đông đang được lắp kính vào sáng 11/5. Đây có thể là đài chỉ huy dẫn bay (trạm không lưu).

Nóc tòa nhà có bãi đáp trực thăng. 3 - 4 tàu vận tải, tàu quân sự đang neo đậu thường trực.

Đá vẫn là đá

Trước năm 1988, Trung Quốc chưa có một giọt biển, một cục san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Từ năm 1988, họ tấn công vũ lực chiếm đến nay đã 7 bãi đá. Theo công pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), một quốc gia không thể tuyên bố chủ quyền trên bãi đá ngập sâu trong biển ở cách xa quá 200 hải lý ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ đường cơ sở của mình.

Điều 13.2 của UNCLOS quy định: Khi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo ở khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì chúng không có lãnh hải riêng.

Do vậy, họ phải nhanh chóng tiến hành cuộc đấu sức với công luận, với tự nhiên để chế tạo bãi đá thành đảo.

Thủ đoạn tôn tạo, xây dựng ào ạt là để nhanh chóng làm đảo lộn định nghĩa các thực thể địa lý đá thành đảo, để tuyên bố chủ quyền kèm theo yêu sách vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh và có thể ngang ngược hơn nữa là yêu sách vùng đặc quyền kinh tế.

Từ đó họ tính âm mưu vạch ra một vòng compa bán kính 200 hải lý bao trọn quần đảo Trường Sa và thềm lục địa DK1 của Việt Nam, hiện thực hóa yêu sách đường chữ 9 đoạn, bá chiếm 80% diện tích Biển Đông.

Vì vậy, các bên liên quan tố cáo Trung Quốc đã xáo trộn, làm “phức tạp tình hình”.

Khi đã làm được việc biến đá thành đảo, họ nghĩ rằng đã đạt được 2 mục đích chính: chủ quyền và vấn đề bán kính 12 hải lý.

Nhưng họ chưa thể thành công. Cuộc đấu tuy vậy không dễ dàng. Hơn một năm qua Việt Nam, Philippines và thế giới phản đối. Dù Trung Quốc làm trò phù thủy, đá vẫn là đá. Đá không thể biến thành đảo.

Vụ kiện của Philippines về thực thể địa lý còn đang thụ lý. Cho đến giờ không ai gọi 7 đảo nhân tạo này của Trung Quốc là đảo để không trúng kế của họ.

Với đảo nhân tạo chỉ được lập ra vùng an toàn tối đa không quá 500 m bán kính, theo quy định tại điều 60.5 cho các quốc gia lập đảo nhân tạo trong vùng có quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Chính vì vậy, Hải quân Mỹ có kế hoạch cho tàu chiến vào sâu trong vùng 12 hải lý để làm phép thử pháp lý với Trung Quốc về danh nghĩa các đảo nhân tạo này.

Dù vậy, “sói Trung Hoa” - như cách gọi của người Trung Hoa hiện nay - vừa đặt được thêm một bước chân. Một bước chân nhỏ của con sói biển nhưng lại là một bước tiến lớn vào Biển Đông, không chỉ các bên liên quan mà cả thế giới cần ngăn chặn. Vì đó là một bước tiến mang lại hệ lụy ngày càng phức tạp tình hình cho bàn cờ Biển Đông, bây giờ và mai sau.

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150528/ban-co-chin-khuc-bien-dong-cua-trung-quoc/753174.html

Theo Đoàn Công Lê Huy/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm