Một số cá nhân, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) có cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán đã phớt lờ việc công bố thông tin giao dịch cổ phiếu, khiến cổ đông cũng như nhà đầu tư lo lắng. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do việc xử phạt quá nhẹ nên họ thấy bán “chui” cổ phiếu có lợi hơn nên chấp nhận chịu phạt.
Bỏ túi nhiều tỷ đồng
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico (mã KSS-HoSE) và kế toán trưởng là bà Hà Thị Thu Huyền vừa bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra về những vi phạm cá nhân.
Điều đáng nói là trước khi bị khởi tố, từ ngày 1/6 đến 5/6, ông Dĩnh đã bán 1,93 triệu cổ phiếu KSS nhưng không công bố thông tin. Đây là toàn bộ cổ phiếu mà ông Dĩnh nắm giữ tại KSS.
Ngay sau khi hay tin, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã chính thức đưa cổ phiếu KSS vào diện kiểm soát đặc biệt. Theo đó, cổ phiếu KSS chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận (từ 13h-5h).
Nhà đầu tư giao dịch tại Sàn Chứng khoán SJC ngày 17/6. (Ảnh có tính minh họa) |
Lãnh đạo HoSE cho biết, lý do cổ phiếu KSS bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt là do chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc và ủy viên HĐQT kiêm kế toán trưởng của công ty bị khởi tố để phục vụ điều tra. Đồng thời con dấu giao dịch và toàn bộ hồ sơ hành chính của công ty đang bị cơ quan điều tra thu giữ, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư.
Như vậy, việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên theo dự kiến vào ngày 30/6 tới của KSS chưa biết có diễn ra hay không.
Việc vi phạm này không phải lần đầu, trước đây ông Dĩnh từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xử phạt 50 triệu đồng, vì mua và bán ngay chính cổ phiếu KSS của mình với số lượng hàng triệu cổ phiếu mà không công bố thông tin.
Giám đốc tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán cho rằng, chắc chắn ông Dĩnh đã “ôm” được số tiền khá lớn từ việc bán cổ phiếu “chui”. Bởi trong thời gian giao dịch “chui”, giá cổ phiếu của KSS ở mức 3.100-3.200 đồng/cổ phiếu. Với tổng số trên 1,93 triệu cổ phiếu đã bán ra, giá trị giao dịch là khoảng 6,2 tỷ đồng, trong khi nếu tính theo giá trị giao dịch hiện tại thì chỉ còn khoảng 4,3 tỷ đồng.
Bán “chui” lợi hơn bị phạt
Trường hợp của ông Dĩnh không phải cá biệt. Thời gian qua, SSC liên tục xử phạt các cá nhân là lãnh đạo DN, hoặc những người mua cổ phiếu với số lượng lớn nhưng không công bố thông tin. Đơn cử như giữa năm 2014, bà Lâm Thị Thu Phương bị phạt 50 triệu đồng do chậm báo cáo việc mua 495.224 cổ phiếu của Công ty CP Vải sợi may mặc Miền Bắc (TET), dẫn đến tỷ lệ sở hữu tăng từ 0% lên 10,42%.
Ông Nguyễn Văn Tốn cũng bị phạt 50 triệu đồng vì mua 200.000 cổ phiếu của Công ty CP Vinatex Đà Nẵng (mã VDN - HNX) vào ngày 18/4, dẫn tới tỷ lệ sở hữu đạt 10,15%, và trở thành cổ đông lớn của VDN nhưng không báo cáo theo quy định. Hay việc bà Nguyễn Thị Dung, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), cũng bị phạt vì báo cáo muộn khi bán toàn bộ 120.000 cổ phiếu OGC...
Ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ nhiệm CLB các DN niêm yết, cho rằng có hai khả năng các cá nhân, DN không công bố thông tin xảy ra trên thị trường. Một là họ không biết hoặc quên việc công bố thông tin. Hai là rất nhiều trường hợp biết nhưng cố tình không công bố, chấp nhận chịu phạt vì thấy rằng bán “chui” lợi hơn mức chịu phạt.
“Mặc dù Nghị định 108 của Chính phủ đã tăng mức phạt nhưng vẫn chưa đủ 'đô' đối với các DN cố tính ém thông tin. Chính vì vậy SSC cần mạnh tay hơn để nhà đầu tư yên tâm”, ông Tâm kiến nghị.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC, nhà đầu tư không nên quan tâm và bỏ tiền vào những cổ phiếu có vấn đề. Nhất là những cổ phiếu mà lãnh đạo DN thường vi phạm công bố thông tin, không tạo quan hệ tốt với nhà đầu tư, đặc biệt là đừng bao giờ mua cổ phiếu khi chỉ nghe thông tin phiếm.
Cổ đông lớn chạy trước
Tuần đầu tiên của tháng 6, trước khi ông Dĩnh bị khởi tố, cổ đông lớn của KSS là Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản miền Trung cũng bất ngờ thông báo bán toàn bộ 7 triệu cổ phiếu KSS, tương đương 14,16% và thoái hết vốn tại KSS.
Trước khi thoái vốn, Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản miền Trung là cổ đông lớn nhất của KSS, nhưng thời gian làm cổ đông lớn chỉ 2 tháng. Tháng 4/2015, công ty này đã thực hiện chuyển đổi 700.000 trái phiếu để sở hữu 7 triệu cổ phiếu KSS, ứng với tỷ lệ 14,16% vốn cổ phần KSS.