Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) vừa có công văn gửi Ban Chỉ đạo tại các địa phương, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế… yêu cầu tăng cường công tác chống buôn lậu trong thời gian tới.
Văn bản do Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo thường trực 389 Quốc gia Đinh Tiến Dũng ký ngày 17/6.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định hiện nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các tuyến địa bàn. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các sai phạm còn ít.
Có những vụ việc xảy ra các sai phạm kéo dài trên địa bàn, điển hình như vi phạm tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường.
Nhật Cường đã vi phạm kéo dài. |
Từ đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo tại các địa phương, các lực lượng chức năng như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Quản lý Thị trường… tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh các lực lượng phải kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) được giao chỉ đạo các Cục địa phương tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thị trường nội địa. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu không để xảy ra tình trạng các vi phạm kéo dài, thành các đường dây tụ điểm, nơi tập kết hàng lậu, hàng giả.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý Thị trường không được để xảy ra tình trạng gian lận nhãn mác xuất xứ Việt Nam trong nội địa.
“Thực hiện phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường và các đơn vị liên quan nếu có trong trường hợp để xảy ra vi phạm”, văn bản nêu yêu cầu tới Tổng cục Quản lý Thị trường.
Trước đó, vào sáng 9/5, nhiều cửa hàng thuộc hệ thống Nhật Cường Mobile bất ngờ bị lực lượng cảnh sát thuộc Bộ Công an ập vào kiểm tra, khám xét.
Ngoài cửa hàng chính của Nhật Cường Mobile ở 33 Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cảnh sát còn khám xét các cửa hàng ở số 214 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), C4 Giảng Võ... Một số cửa hàng Nhật Cường Mobile khác ở Hà Nội đóng cửa.
Cùng lúc này, các số điện thoại đường dây nóng, tổng đài chăm sóc khách hàng, bán hàng, bảo hành cũng bị ngắt kết nối. Tối 9/5, toàn bộ các kênh truyền thông của Nhật Cường Mobile gồm fanpage và website đều không thể truy cập được.
Sau nhiều ngày “án binh bất động”, đến ngày 14/5, trung tâm sửa chữa của Nhật Cường Mobile tại phố Hàng Bông và trung tâm bảo hành của Nhật Cường Mobile tại Giảng Võ đã mở cửa trở lại.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường được thành lập năm 2001. Năm 2017, doanh nghiệp nằm trong danh sách 50 công ty về công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam.
Nhật Cường có 9 cửa hàng ở khắp Hà Nội. Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 20/6/2001. Người đại diện pháp luật là ông Bùi Quang Huy, ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.
Tối 14/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile) và 8 người khác để điều tra về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.