Bán bắp luộc với pin
Bắp luộc bán khắp hang cùng ngõ hẻm ở TP.HCM với giá rất rẻ, chỉ 1.500-2.500 đồng/trái, trông thơm ngon, bắt mắt nhưng được nấu với muối diêm, đường hóa học, thậm chí cả... pin
Tại chợ bắp ngã ba Bầu, ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn - TP.HCM, vào buổi chiều hằng ngày, hàng trăm phương tiện - từ xe tải nhỏ, xe ba gác đến xe máy… - đến để lấy hàng. Bắp ở đây chỉ bán với giá 700-800 đồng/trái. Khi chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc bắp, một người bán khẳng định: “Đây là hàng Việt Nam chất lượng cao, yên tâm đi!”.
Bắp luộc tại hẻm 249 Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú - TP.HCM |
Hẻm bắp luộc
Theo chân một người đàn ông đi xe ba gác lấy hàng tại chợ bắp ngã ba Bầu, chúng tôi đến hẻm bắp luộc ở hẻm 249 Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú - TP.HCM. Hơn 100 nồi bắp bày ngoài con hẻm nhếch nhác đang sôi sùng sục. Để bắp ngay trên nền đất rồi dùng dao chặt cùi, một phụ nữ cho biết: “Giờ này ít người luộc bắp vì bán buổi chiều và tối không được nhiều. Bình thường, chúng tôi luộc từ 2h để kịp bán buổi sáng”.
Hẻm bắp luộc có khoảng 40 hộ dân, sống trong những căn nhà thuê xập xệ. Trời chập choạng tối, hàng chục xe máy, xe ba gác bắt đầu chở bắp về để chuẩn bị luộc hôm sau bán. Thông thường, mỗi hộ lấy khoảng 10 bao bắp/ngày, mỗi bao 500 trái. Với mỗi trái bắp luộc giao cho người bán, họ lời khoảng 500-600 đồng. Như vậy, với công việc luộc bắp, mỗi ngày, một hộ thu nhập 300.000 – 400.000 đồng.
Trong khi trò chuyện, chúng tôi thấy một người đàn ông cho một số chất gì đó vào nồi bắp luộc. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn học cách luộc bắp cho thơm ngon, trông bắt mắt, để được lâu; đồng thời cam đoan sẽ tự đi bán tại một địa bàn khác “không đụng hàng”, ông ta chần chừ một lúc rồi chỉ tay vào những hũ để lổn ngổn bên cạnh, nói ngắn gọn: “Thì cứ luộc với muối diêm, đường hóa học...”.
Trong khi đó, những người bán bắp luộc trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp - TP.HCM còn có một “bí kíp” để bắp mềm hơn, nhanh chín hơn. Đó là luộc bắp chung với... pin!
“Bí quyết” đáng ngại
Tại chợ Kim Biên, quận 5 - TP.HCM, khi chúng tôi hỏi mua loại hóa chất dùng để luộc bắp nhanh mềm và lâu ôi thiu, người bán đưa ra một bọc màu trắng không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nơi sản xuất và giới thiệu là muối diêm, giá 110.000 đồng/kg.
“Những người luộc bắp đều dùng muối diêm để tiết kiệm thời gian, chỉ cần khoảng 2 muỗng cà phê cho một nồi 200 trái. Tuy nhiên, muốn bắp càng lâu ôi thiu thì bí quyết là phải cho càng nhiều muối diêm vào. Bắp bán không hết hôm nay có thể để bữa sau hấp lại, trông vẫn tươi mới, thơm ngọt” - người bán hàng quả quyết.
Những người bán hóa chất ở chợ Kim Biên cho biết loại đường hóa học mà người luộc bắp thường mua sử dụng là Tang Jing của Trung Quốc, có cánh to gần bằng hạt đậu xanh, độ ngọt gấp 500 lần đường cát bình thường, giá khoảng 90.000 đồng/kg. Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại đường hóa học này không có trong danh mục các loại phụ gia thực phẩm được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam, vì có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền...
Coi chừng rước bệnh
PGS-TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, khẳng định pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào, nhất là lại cho trực tiếp vào nồi để luộc bắp với mục đích nhanh nhừ. Pin chủ yếu chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… nên đặc biệt độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa, sinh sản của con người. Dù ở hàm lượng nhiều hay ít, người sản xuất thực phẩm tuyệt đối không được cho pin vào vì nó sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Theo bà Sửu, muối diêm dù là hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng các nhà khoa học luôn khuyến cáo về tính độc hại của nó nếu dùng quá liều. “Khi cho phép sử dụng, các nhà khoa học đã đưa ra ra những khuyến cáo cụ thể về hàm lượng. Tuy nhiên, những người luộc bắp chắc chắn không thể biết được tỉ lệ như thế nào là an toàn cho sức khỏe. Với muối diêm, nếu dùng quá giới hạn cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa thành chất gây ung thư, nhất là ung thư gan, dạ dày” - bà Sửu cho biết.
Theo Người Lao Động