'Bầm dập' vì bay giá rẻ
Để tiết kiệm, nhiều khách hàng săn vé máy bay giá rẻ nhưng không lường trước khả năng gặp nhiều phiền toái, rủi ro vì chất lượng phục vụ khách chưa tốt.
Đã qua 2 tuần nhưng chị Thủy và chị Ánh (đang công tác ở quận 3, TP.HCM) vẫn còn ám ảnh chuyến đi Hà Nội bằng vé máy bay giá rẻ của hãng Jetstar. “Theo lịch bay, chặng TP.HCM đi Hà Nội ngày 22/2 của hãng này khởi hành lúc 20h, 2 chị đến sân bay hoàn tất thủ tục thì hãng thông báo hoãn chuyến. Thay vì đến Hà Nội 22h như dự kiến thì mãi 24h mới tới nơi.
Hành khách vật vờ tại sân bay vì máy bay hoãn chuyến. |
“Chỉ có 2 chị em với nhau, lại ra Hà Nội lần đầu, phải lang thang ngoài đường giữa đêm nên chúng tôi không thể yên tâm. Những tưởng chỉ gặp sự cố ở chặng đi, không ngờ chặng về còn thảm hại hơn. Theo lịch bay, chúng tôi sẽ về tới TPHCM lúc 22h ngày 3/3 nhưng lại bị hoãn, phải vật vạ ở sân bay hơn 2 giờ, đến 2h sáng hôm sau mới về tới TP.HCM. Từ nay về sau, có rẻ mấy tôi cũng không dám đi” - chị Thủy bức xúc nói.
Trường hợp của chị Lan (quận Tân Bình) rắc rối hơn. Chị và nhóm bạn mua vé của hãng AirAsia đi Bali (Indonesia) dịp 30/4. Theo kế hoạch, chị sẽ bay 2 chặng: từ TP.HCM đến Jakarta, rồi từJakarta sang Bali. Đã mua vé từ mấy tháng trước nhưng cuối tháng 3, chị nhận được thông báo là từ ngày 16/4, hãng này không có chuyến bay sang Jakarta.
Nếu khách tự tìm cách bay sang Jakarta thì họ sẽ đưa đi Bali, nếu không hãng chỉ hoàn tiền 1 chặng từ TP.HCM đi Jakarta. Phần vì thời gian gấp rút, phần vì mua vé đi Jakarta rất đắt nên dù đã đặt và thanh toán trước tiền khách sạn nhưng chị Lan và nhóm bạn đành hủy chuyến đi.
Ngay sau khi vừa hủy khách sạn thì hãng lại thông báo “sẽ đưa khách sang Malaysia thay vì qua Jakarta như dự định, sau đó từ Malaysia bay tiếp sang Bali”. Theo chị Lan, đã hủy khách sạn, nếu quyết định đi thì phải tốn tiền đặt phòng khách sạn; nếu không đi thì chịu mất tiền vé đã mua từ trước. Tính ra, giải pháp nào cũng phát sinh phiền phức và mất tiền oan.
Trao đổi với một luật sư, vị này cho biết theo quy định thì các hãng hàng không chỉ chịu trách nhiệm hoàn tiền vé cho khách đối với những chuyến bị hủy, chặng còn lại khách phải tự chịu trách nhiệm. Khách hàng luôn “nắm đằng lưỡi” là vậy.
Theo Người Lao Động